Theo dòng chảy thời gian, văn hóa âm nhạc Hàn Quốc dần trở thành thế mạnh của quốc gia này. Tờ Korea Times cho biết, 2010-2019 được coi là thập kỷ huy hoàng của Hallyu khi loạt nghệ sĩ Hàn Quốc mở đường sang thị trường phương Tây như Big Bang, DBSK, Wonder Girls, PSY, BoA…
Trong đó, bản hit Gangnam Style của PSY ra đời vào năm 2012 đã tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới nhờ âm nhạc sôi động và điệu nhảy độc đáo.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, Kpop mới thực sự cho thấy sức ảnh hưởng rõ rệt nhờ bước đột phá của những nhóm nhạc Gen 3. Trong đó, không thể không nhắc đến BTS - nhóm nhạc được truyền thông quốc tế so sánh với huyền thoại The Beatles.
Theo công bố của tổ chức Guinness, nhóm nhạc BTS hiện nắm giữ 23 kỷ lục thế giới về âm nhạc và mạng xã hội.
BTS là nhóm nhạc góp phần tạo nên bước phát triển vượt bậc của Kpop trên thị trường quốc tế.
Tờ Naver khẳng định với hướng đi Mỹ tiến, Kpop được xem là mũi nhọn “xuất khẩu văn hóa” của Hàn Quốc với giá trị ròng lên tới 5 tỷ USD và còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới.
Sản phẩm âm nhạc luôn chỉn chu
Theo VOX, Kpop lan tỏa nhờ âm nhạc gây nghiện, vũ đạo uyển chuyển được thể hiện đồng đều bởi các nghệ sĩ. Tờ này cũng cho biết chiến lược của nền âm nhạc Hàn Quốc xuất phát từ những màn trình diễn chất lượng cao.
Ở đó, các nghệ sĩ được nhớ tới bởi khả năng vũ đạo điêu luyện và hình ảnh mang tính thẩm mỹ. Sự kết hợp giữa hai yếu tố này tạo nên nét đặc trưng cho âm nhạc Kpop.
Khi âm nhạc và vũ đạo trở thành căn bản, các công ty giải trí bắt đầu sáng tạo ra những concept đa dạng, độc đáo nhằm gây ấn tượng với khán giả. Trong đó SM luôn được nhắc đến với những ý tưởng độc đáo. Điển hình EXO, nhóm nhạc gắn liền với concept siêu nhiên đã trở thành đặc trưng.
Kpop thu hút khán giả vì sản phẩm được đầu tư cả về chất lượng lẫn hình ảnh.
Theo KBS World, sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Hàn Quốc nhanh chóng thu hút lượt xem nhờ hình ảnh bắt mắt. Bởi vậy, các công ty âm nhạc luôn chú trọng vào yếu tố ngoại hình và không ngại đầu tư định hướng phong cách thời trang cho các nghệ sĩ.
Nhờ đó, không ít dol Kpop được coi là biểu tượng và người dẫn đầu các xu hướng thời trang ở châu Á trong những năm gần đây.
Theo nhà phê bình Kim Young Dae, sở hữu những bản hit trở thành xu hướng khắp thế giới song chính hình tượng của các thành viên là điều quan trọng giúp họ vươn lên trở thành nhóm nữ hàng đầu Kpop.
"Họ có khí chất sang cũng như hình ảnh lộng lẫy, xa hoa. Đây là những điều giúp các cô gái trở thành hình mẫu trong mắt fan Kpop bất kể ở quốc gia nào hay đến từ bối cảnh ra sao".
Thấu hiểu khán giả
Tờ Yonhap News chỉ ra rằng trong ngành công nghiệp Kpop, một trong những yếu tố thu hút sự quan tâm của người hâm mộ chính là quá trình đào tạo các thần tượng. Câu chuyện về cuộc sống thực tập sinh khắc nghiệt từ khi bắt đầu tập luyện đến khi ra mắt tạo ấn tượng với khán giả nhờ sự hy sinh, kiên trì và quyết tâm của các idol Kpop.
Các nghệ sĩ Hàn Quốc cho phép người hâm mộ tiếp cận đời sống cá nhân của họ thông qua hàng loạt chương trình thực tế cũng như các show truyền hình khác nhau. Ở đó, các thần tượng có thể tự do thể hiện tính cách và hình ảnh đời thường của họ. Điều này giúp mối quan hệ giữa fan và thần tượng ngày càng bền chặt.
Theo Rolling Stones, Kpop liên tục phát triển nhờ hiểu rõ nhu cầu của khán giả. Thay vì các nhóm nhạc chỉ là người Hàn Quốc, Kpop bắt đầu tạo ra những nhóm nhạc đa quốc tịch và thu hút khán giả ở các quốc gia khác nhau.
Âm nhạc Kpop tạo ra sự mới mẻ thông qua việc hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế.
Bên cạnh đó, âm nhạc Kpop cũng tạo ra sự mới mẻ khi bắt tay với các nghệ sĩ quốc tế như Hasley, Coldplay, Selena Gomez…
Theo phân tích của nhà sản xuất âm nhạc Jordan Young, Kpop có sự ảnh hưởng từ mọi phong cách âm nhạc, từ R&B, Hiphop, Pop, EDM: “Bất kể bạn là ai, bạn nói được bao nhiêu tiếng Hàn, bạn vẫn dễ tiếp cận và quen được Kpop".
Trên Rolling Stone, nhạc sĩ Rodnae Bell cho rằng nhạc Hàn luôn có sự khác biệt và thay đổi. “Một bài hát trung bình của người Mỹ là 4 hoặc 5 giai điệu. Trong khi đó, một bài hát Kpop trung bình có đến 8 - 10 giai điệu. Đây là tin tốt cho những người thất vọng với âm nhạc của Mỹ và muốn tìm sự mới mẻ”.
Tận dụng sức mạnh truyền thông
Theo Soompi, sự thành công của làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu không thể không nhắc đến các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo chí, Internet… nơi để quảng bá cũng như sản xuất các sản phẩm văn hóa.
Trong đó, mạng xã hội được coi là cầu nối giúp các thần tượng Kpop dễ dàng tiếp cận và thu hút về lượng khán giả quốc tế đông đảo. Theo Washingtonpost, Twitter được gọi là thánh địa của Kpop không chỉ vì cách các nghệ sĩ tương tác với người hâm mộ, mà còn là nơi để cộng đồng fan tương tác.
Trang tin này cũng cho biết chỉ tính riêng trong năm 2020, đã có gần 6,7 tỷ lượt tweet liên quan đến Kpop trên toàn cầu. Thậm chí, số lượng tweet về Kpop nhiều hơn 28% so với Covid-19. Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Kpop.
Theo Zing