Trong điện ảnh, dòng phim về tiểu sử nhân vật luôn bị đặt vào tình huống sẽ xảy ra nhiều tranh cãi. Bởi đơn giản việc biết, nghĩ, thấy và hiểu của khán giả sẽ rất khác với góc nhìn chủ quan từ phía đạo diễn khi kể về nhân vật. Bộ phim Em Và Trịnh cùng Trịnh Công Sơn cũng không phải là ngoại lệ.
Sự thể hiện đáng thất vọng của Phạm Quỳnh Anh
Ngay từ tựa phim Em Và Trịnh cũng như thông điệp chính mà nhà sản xuất đưa ra ban đầu, đều định hướng khán giả đi sâu vào câu chuyện âm nhạc cùng những người tình trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Rõ ràng, mảng nhạc phim với sự cầm trịch của nhạc sĩ Trần Hữu Tuấn Bách cùng Giám đốc âm nhạc Đức Trí đã làm tròn việc nâng tầm giá trị nhạc Trịnh trong một phim tiểu sử, dành cho đối tượng khán giả của hôm nay.
Với những khán giả khó tính, vẫn phải dành lời khen cho phần nhạc phim, bao gồm cả những ca khúc do chính diễn viên thể hiện từ Avin Lu, Bùi Lan Hương trong vai Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
Phạm Quỳnh Anh vào vai Dao Ánh thời trung niên trong "Em Và Trịnh". Ảnh: ĐPCC.
Tuy nhiên, đó là phần nghe. Còn phần diễn giải sự ra đời của những ca khúc đã làm nên tên tuổi Trịnh Công Sơn trong thập niên 1960 vàng son của sự nghiệp, lại rất ít ỏi. Diễm xưa "xuất hiện" quá nhanh chỉ sau một cảnh phim Trịnh Công Sơn dõi theo bước chân Bích Diễm về nhà, nối tiếp đó là cảnh nhạc sĩ cùng nhóm bạn gặp Diễm trong căn nhà vườn vào một chiều mưa bay.
Khán giả có quyền hoài nghi những ca từ day dứt, đầy tính triết lý kia sao lại dễ dàng bật lên trong những tình huống êm đềm đến thế. Nhìn những mùa thu đi, Nắng thủy tinh… cũng chịu tình cảnh tương tự.
Phần "nguồn gốc, xuất xứ" của âm nhạc Trịnh trong bộ phim, theo cách nào đó, mang danh nghĩa "điểm tin" hơn là cho khán giả thấy được "bức chân dung hoàn chỉnh" của những đứa con tinh thần. Đành rằng, không phải tất cả ca khúc đều cần diễn giải, song việc chọn 1-2 ca khúc tiêu biểu để làm "ra tấm ra món", bộ phim cũng không làm tốt, tạo nên một khiếm khuyết hụt hẫng trong lòng khán giả đang muốn tìm thêm tư liệu thông qua bộ phim.
Với phần người tình, cũng đã có những lỗi lặp lại như phần "cuộc đời các ca khúc". Những chuyển hướng gấp gáp từ mối tình đơn phương với Bích Diễm qua cô em gái Dao Ánh, có thể làm khán giả phân vân về sự chân tình trong con tim của Trịnh Công Sơn. Em Và Trịnh đã làm tương đối tốt ở phần câu chuyện Dao Ánh cùng Michiko, với những lớp lang cảm xúc khá hợp lý.
Dẫu vậy, sự ôm đồm thêm cả những Thanh Thúy, Bích Diễm và dĩ nhiên không thể thiếu "tri kỷ" Khánh Ly… tạo nên những dàn trải nhất định.
Thêm một điểm đáng tiếc là sự thế vai của diễn viên Phạm Quỳnh Anh cho Hoàng Hà ở nhân vật Dao Ánh thời trung niên, vô tình làm hỏng những ấn tượng tuyệt vời mà Dao Ánh thời trẻ tạo ra trước đó. Chỉ xuất hiện vài phân đoạn ngắn, không hiểu sao ê-kíp không hóa trang cho Hoàng Hà trở nên già dặn một chút. Nếu nhà sản xuất chọn giải pháp này, Dao Ánh chắc chắn là nhân vật khó quên nhất.
Không thể nói thời lượng 136 phút của phim là ít, nhưng cũng không đồng nghĩa phải kể quá nhiều. Như từ đoạn mở đầu vào phim, ê-kíp đã nói câu chuyện dựa trên nhân vật có thật nhưng có sự hư cấu, nhằm phù hợp với những kịch tính của phim điện ảnh.
Nếu chắt lọc hơn, những chuyện tình ít hơn nhưng đầy đủ hơn, thậm chí có khi chỉ cần câu chuyện của Dao Ánh và Khánh Ly thôi, còn những người tình khác chỉ là lát cắt rất nhanh, cảm xúc về bộ phim hoàn toàn có thể sâu sắc và trọn vẹn nhiều hơn.
Nước cờ sai lầm của nhà sản xuất
Mong muốn tìm ra giải pháp giúp thu hồi vốn nhanh nhất với số tiền sản xuất lên đến 50 tỷ đồng (theo thông tin của nhà sản xuất), khiến cho có đến 2 bản phim được đưa ra rạp để có cơ may gia tăng doanh thu, phủ sóng suất chiếu.
Tuy nhiên, bước đi hoàn toàn sai lầm này đã khiến nhà phát hành phải rút phim Trịnh Công Sơn ra khỏi rạp chỉ sau một tuần trình chiếu. Bản phim Trịnh Công Sơn đơn giản là phiên bản tinh gọn của Em Và Trịnh. Vừa tạo ra sự đắn đo không đáng ở khán giả khi chẳng biết nên xem phim nào, vừa không tạo ra sự khác biệt đáng kể giữa hai bộ phim.
Diễn xuất non nớt của Avin Lu khiến phim thiếu hấp dẫn. Ảnh: ĐPCC.
Rõ ràng giá trị thông tin lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt cùng lúc có 2 bộ phim về một nhân vật trình chiếu chính thức ngoài rạp, không giúp ích gì nhiều cho việc quảng bá bộ phim - đang rất cần sự lan tỏa về nội dung câu chuyện.
Dàn cast của Em Và Trịnh đáng khen nhất vẫn là Dao Ánh của Hoàng Hà và Khánh Ly của Bùi Lan Hương. Hoàng Hà, nói không ngoa, là phát hiện mới của điện ảnh Việt ở năng lực diễn xuất chỉ thông qua biểu cảm gương mặt.
Trong khi đó, Bùi Lan Hương có sự chắc chắn trong từng phân cảnh cô xuất hiện, không thừa không thiếu, đủ sự tự tin trong mỗi lần hóa thân. Trong khi đó, sự non nớt của Avin Lu ở một Trịnh Công Sơn tuổi trẻ và diễn xuất tương đối kịch của diễn viên Trần Lực ở tuổi trung niên, đã làm mất rất nhiều điểm cho bộ phim.
Việc tìm kiếm một diễn viên nam phù hợp để vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở thời điểm này là rất khó. Điện ảnh Việt trong khoảng 5 năm trở lại đây bùng nổ về số lượng gương mặt nữ nhưng gương mặt nam thì quá hiếm.
Nỗ lực đáng khen nhất của đạo diễn, nhà sản xuất là đầu tư bối cảnh, chú trọng về tính thẩm mỹ. Những trường đoạn Trịnh Công Sơn từ Blao về lại Huế nhìn thấy những bi kịch chiến tranh qua cửa sổ, ngôi nhà của nhạc sĩ trên đường Phạm Ngọc Thạch và cả ở Huế, phòng trà tại Đà Lạt, nhà ga Huế... đều để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.
Nhân vật chính của Em Và Trịnh là tượng đài âm nhạc đúng nghĩa trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Những kỳ vọng, khao khát, ước muốn của khán giả về một bộ phim mà ở đó họ có thể hiểu hơn về thân phận, âm nhạc cùng tình yêu của Trịnh Công Sơn dành cho cuộc đời và những người con gái đi ngang qua hành trình sống của ông… là chính đáng.
Sự khan hiếm tài năng diễn xuất của Việt Nam, sự không đồng bộ trong khả năng ở các khâu của ê-kíp sản xuất… đều khiến cho bộ phim thiếu đi những nền móng cần thiết để xây dựng một bộ phim đáp ứng được đầy đủ mong đợi của khán giả, lẫn tạo ra dấu mốc về việc sản xuất một phim giải trí thuộc dòng tiểu sử nhân vật cho thị trường điện ảnh non trẻ.
Theo Zing