Hiện trạng lũ rất căng thẳng
Chiều 11/9, trao đổi với PV VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân cho biết, mực nước các sông lớn trên địa bàn tiếp tục lên cao, nhiều khu vực đã vượt qua mức báo động 3, gây nguy cơ vỡ đê cao. Vì vậy, tất cả hệ thống chính quyền tỉnh và các đơn vị chức năng phải trực 100% quân số để ứng phó.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu chỉ đạo công tác phòng lũ, giữ đê sông Kinh Thầy tại TP Chí Linh.
Theo ông Quân, lũ từ thượng nguồn đổ về đẩy Hải Dương vào trạng thái rất căng thẳng. Suốt đêm qua, lực lượng công an, quân đội và các cấp chính quyền, nhân dân gần đê đã xuyên đêm gia cố, ứng phó với các điểm sạt lở, rò rỉ và xung yếu nhằm hộ đê an toàn.
Hiện toàn tỉnh đang giữ vững, chưa để xảy ra vỡ đê, nhưng không được chủ quan lơ là. Người dân cũng hết sức bình tĩnh, chủ động di chuyển người và tài sản, hợp tác với chính quyền khi thấy mất an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân kiểm tra công tác chống lũ tại TP Hải Dương, trong bối cảnh sông Thái Bình nước đang dâng cao, có nguy cơ tràn vào phố.
Từ đêm qua, mực nước trên các sông Thái Bình, Kinh Môn ở Hải Dương lên báo động 3, địa phương đã di dời người dân, tài sản tại các bãi ngoài đê và cấm các phương tiện đi trên đê.
Đài Khí tượng thủy văn Hải Dương cho biết, hiện nay mực nước một số điểm trên sông Thái Bình, Kinh Môn đã vượt mức báo động 3, còn hầu hết các sông khác ở báo động 3.
Dừng họp, hộ đê và di dời dân khẩn cấp
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đã chỉ đạo các địa phương dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết.
Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với mưa lũ dẫn tới sự cố công trình không kịp thời phát hiện gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản.
Nước sông Kinh Thầy tràn qua đê, xâm nhập vào khu dân cư ở thị xã Kinh Môn.
Theo ông Lê Ngọc Châu, toàn tỉnh hiện có 2 điểm trọng yếu cấp tỉnh, 36 điểm trọng yếu cấp huyện trên các tuyến đê. Các vị trí đê xung yếu, sụt lún đã được kiểm tra và thực hiện xử lý, tuy nhiên vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra tràn đê, vỡ đê. Tỉnh quán triệt quan điểm chống lũ xuyên suốt là ưu tiên bảo vệ con người rồi mới đến tài sản.
Chủ tịch tỉnh Hải Dương cũng có văn bản đề nghị các tỉnh phía thượng nguồn hạn chế mức thấp nhất việc tiếp tục xả nước, gây áp lực lên hệ thống đê điều của địa phương.
Hiện tại, Hải Dương đã triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm ngặt tuần tra canh gác đê điều và thường trực, trực ban chống lụt theo cấp báo động. Tổ chức cấm tất cả các phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ; cấm hoạt động của các đò ngang.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet tại thị xã Kinh Môn, nước sông Kinh Thầy đã vượt đê tràn vào nhà dân thuộc khu dân cư số 6, phường Phú Thứ, gây ngập cục bộ khoảng 40cm. Dòng nước xiết chảy cuồn cuộn, đỏ ngầu khiến người dân vô cùng lo lắng.
Lực lượng chức năng và nhân dân phường Phú Thứ đang dùng các bao cát để chặn nước tràn vào nhà dân, đồng thời tiếp tục gia cố bảo vệ đê.
Công an thị xã Kinh Môn dùng các bao cát để gia cố, ngăn nước tràn vào khu dân cư tại phường Phú Thứ.
Lực lượng chức năng đắp cát nắn dòng nước lũ ra khỏi khu dân cư ở An Lưu (thị xã Kinh Môn).
Công an xã Lê Ninh (Kinh Môn) giúp bà con chuyển gà khỏi vùng ngập. Ảnh: Ca Thanh Niên
Người dân ngăn nước sông Kinh Thầy vào nhà.
Người dân TP Chí Linh lo lắng theo dõi diễn biến nước lũ đang lên.
Theo Vietnamnet