Cơ thể bình thường bỗng xuất hiện các triệu chứng như nước tiểu nổi bọt hay chuyển đổi màu sắc một cách bất thường khiến nhiều người lo lắng. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý trong cơ thể, nhất là vấn đề ở hệ tiết niệu.
Vấn đề về thận
Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể, với vai trò chuyển hóa các chất độc hại thành nước tiểu để thải ra ngoài cơ thể. Do đó, nước tiểu có bọt cảnh báo bệnh lý về thận. Trong đó, tiêu biểu là một số bệnh lý như suy thận, sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nguy cơ mắc các bệnh lý về thận xảy ra nhiều hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sử gia đình mắc bệnh thận. Do đó, những đối tượng mắc các bệnh này nên đi khám sức khỏe nếu đi tiểu có bọt.
Bệnh protein niệu
Trong nước tiểu của người khỏe mạnh chỉ chứa một lượng nhỏ protein. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà chức năng lọc của cầu thận bị rối loạn, gây ra hiện tượng một số protein không được đi qua lớp màng lọc để được giữ lại cơ thể mà bị thải ra qua đường nước tiểu.
Nếu số lượng protein này có thể phát hiện qua xét nghiệm nước tiểu thì khi đó được gọi là protein niệu.
Màu nước tiểu thay đổi có thể cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe. (Ảnh:Verywellhealth)
Xuất tinh ngược dòng
Xuất tinh ngược dòng là hiện tượng tinh trùng theo đường bàng quang chảy ra ngoài qua nước tiểu, trái với quy luật thông thường là xuất ra từ niệu đạo. Vì vậy, khi quan hệ tình dục, lượng tinh trùng sẽ xuất ra nhiều qua đường nước tiểu gây ra nước tiểu có màu trắng đục lợn cợn, có thể nhìn giống có bọt.
Nước tiểu là loại chất lỏng do thận sản xuất ra và tích lũy trong bàng quang. Thành phần của nước tiểu bao gồm nước và các hợp chất hữu cơ như protein, hormone hay các chất chuyển hóa cùng một số muối vô cơ.
Nước tiểu bình thường sẽ có màu từ trong suốt cho đến hổ phách nhưng đa phần là vàng nhạt. Tùy vào lượng chất chuyển hóa trong cơ thể mà tính chất và thành phần nước tiểu có thể thay đổi.
Bệnh tiểu đường
Người bị bệnh tiểu đường hay bất kể lý do nào khiến cho hàm lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường cũng sẽ dẫn đến hiện tượng nước tiểu nổi bọt.
Khi nồng độ đường trong máu quá cao, thận sẽ phải làm việc cực nhọc để chuyển hóa hết cũng như chọn lọc phân tử. Vì vậy mà thành phần các chất hữu cơ khi đó sẽ tăng cao làm cho nước tiểu bị đục và tạo nhiều bọt.
Tùy vào những nguyên nhân hay các bệnh lý khác nhau bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác về vấn đề cơ thể đang gặp phải.
Để phòng bệnh, bạn cần duy trì lối sống, sinh hoạt lành mạnh bao gồm chế độ dinh dưỡng, quá trình vận động thân thể, vệ sinh cá nhân và quan hệ tình dục.
Để hạn chế nguy cơ mất nước, bất kể ai cũng cần phải đảm bảo cung cấp đủ lượng nước tối thiểu 1,5 - 2 lít/ngày. Bạn có thể thay nước lọc với các loại nước ép rau, củ, quả nhằm tăng cường sức đề kháng và bổ sung Vitamin.
Bạn hãy kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể thông qua chế độ dinh dưỡng thích hợp và thường xuyên theo dõi hàm lượng đường trong máu.
Bạn cũng nên theo dõi huyết áp để luôn duy trì ở mức bình thường, nhằm hạn chế các biến chứng nghiêm trọng cũng như bệnh lý liên quan như tim, thận. Bạn thực hiện nghiêm chỉnh tư vấn cũng như liệu trình điều trị bệnh mà bác sĩ chuyên khoa đưa ra để đảm bảo không khiến cho tình trạng cơ thể nặng hơn.
Nước tiểu nổi bọt mặc dù thấy đơn giản nhưng lại có thể ẩn chứa nhiều vấn đề vô cùng nguy hiểm. Do đó, nếu tính chất, màu sắc nước tiểu bất thường và kéo dài, bạn cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa hoặc đến trực tiếp các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và kiểm tra.
Theo VTC