Nuôi búp bê Kumanthong để cầu may: Sai lầm tai hại

Ở Thái Lan, những búp bê Kumanthong (búp bê yểm bùa) là công cụ hoàn hảo để các tội phạm cất giấu ma túy.

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, cho biết, việc nuôi búp bê Kumanthong có nguồn gốc từ Thái Lan.

Theo truyền thuyết, một người đàn ông có vợ ngoại tình dẫn đến có thai. Người chồng ghen nên mổ bụng vợ, bắt bào thai ra ngoài.

Người dân thương em bé chưa được chào đời đã bị tước bỏ mạng sống nên phù phép thông qua những con búp bê để mong em có một tương lai tốt.

Từ câu chuyện đó, búp bê Kumanthong ra đời. Tiếng Thái gọi là "luuk thep" - thiên thần nhỏ.

Nuôi búp bê Kumanthong để cầu may: Sai lầm tai hại-1
"Bố mẹ" và búp bê Kumanthong. Ảnh: Bangkok Post 

Ban đầu, nhiều người dân Thái Lan đều quan niệm loại búp bê này được yểm bùa sẽ mang lại may mắn nếu đi đâu cũng mang theo chúng.

Tuy nhiên, cảnh sát Thái Lan cho rằng chúng là công cụ hoàn hảo để tội phạm cất giấu ma túy. Cụ thể, cảnh sát nước này đã thu giữ 200 viên ma túy đá giấu kín trong người một con búp bê ở sân bay quốc tế Chiang Mai.

Hiện nay, chính phủ Thái đã cấm Kumanthong được lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, loại búp bê này đang được một bộ phận giới trẻ Việt ưa chuộng.

Những con búp bê vô tri vô giác được cho ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo đẹp và được người nuôi cưng như con. Nhiều người còn cho rằng, nuôi búp bê Kumanthong sẽ gặp may mắn và tài lộc vì chúng đã được yểm bùa.

Một vài ý kiến khác thì cho rằng, nuôi Kumanthong sẽ giúp người nuôi thực hiện các ý đồ xấu như hại người khác…

Theo Tiến sĩ  Vũ Thế Khanh, quan niệm trên hoàn toàn sai lầm, đi ngược với những giá trị tốt đẹp của cuộc sống và là một hình thức để người xấu lợi dụng.

Hơn nữa, việc cho rằng Kumanthong giống như các thai nhi và tận dụng nó để làm các việc bất chính là một tội ác. “Các thai nhi chưa được chào đời bị tước đi mạng sống đã rất thiệt thòi, chúng ta đừng vì lòng ích kỷ, những mê tín mông muội mà làm xấu thêm chuyện đã đau lòng”, Tiến sĩ Khanh nói.

Ông cũng cho rằng, trong Phật giáo không có chuyện yểm bùa. Quan niệm yểm bùa trong búp bê chỉ là những điều thiếu căn cứ, nếu chúng ta nghe và làm theo sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh doanh bất chính hưởng lợi.

Đồng tính với ý kiến trên, Giáo sư Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch, cũng cho rằng, việc nuôi búp bê Kumanthong rất nguy hiểm, không có giá trị trong cuộc sống.

Những người nuôi và tin vào những điều không có thật trong thực tế là do trình độ, nhận thức kém.

Theo Vietnamnet


kumanthong búp bê

Tin tức mới nhất