Hôm qua, khi tôi gọi cậu hàng xóm sang nhờ sửa lại chỗ rò rỉ ở bồn rửa bát, cậu ấy hỏi trong nhà còn gì hỏng hóc vặt vãnh cần “chỉnh đốn” không, em làm nốt cho anh, cuối tháng em trả phòng về quê rồi.

Thấy ánh mắt ái ngại của tôi, chàng trai bảo không trụ thêm được ở thành phố vì chi tiêu ngày càng đắt đỏ, trong khi thu nhập lại giảm so với những năm trước.

Vợ chồng cậu em này đã sống hơn 6 năm ở dãy trọ gần nhà tôi. Họ ở trong căn phòng chừng 10m2, giá thuê cùng điện nước là 1,6 triệu đồng một tháng. Cô vợ nấu ăn cho một trường mầm non tư thục, lương 3 triệu đồng.

Cậu ấy cũng tốt nghiệp đại học hẳn hoi nhưng không xin được việc nên cứ nhì nhằng làm hết việc nọ đến việc kia; từng vài lần gom tiền tiết kiệm, vay mượn gia đình, bạn bè để kinh doanh nhưng lần nào cũng thất bại.

Từ khi có con, một là không ai cho vay “khởi nghiệp” tiếp, hai là bắt buộc phải có “tiền tươi thóc thật” mỗi tháng để nuôi con nên cậu ấy chấp nhận ai thuê gì cũng làm, từ việc sửa điện nước đơn giản, sơn tường đến bảo dưỡng điều hòa, khi rảnh thì bật app nhận cuốc giao hàng hoặc làm xe ôm công nghệ.

Mỗi tháng “cày cuốc” chăm chỉ, cậu kiếm được 12 - 15 triệu đồng.

Tuy nhiên cách đây gần một năm, một sự cố khiến hàng xóm của tôi phải bán xe máy, sau đó công việc chỉ có thể loanh quanh gần nhà.

Cậu tìm được việc trong một quán nhậu, vẫn tranh thủ làm những dịch vụ khác như trước đây, nhưng thu nhập chỉ tầm 6-8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, việc nuôi một đứa trẻ ở tuổi hay ốm tốn kém vô cùng.

Ở Hà Nội với thu nhập 10 triệu, chỉ sinh 1 con cũng phải sống kiểu hộ nghèo-1
Một khu nhà trọ ở Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Viên Minh)

Thức ăn của hai vợ chồng toàn những thứ rẻ nhất, tồi nhất, quần áo hầu như được cho, khát nước cũng cố về nhà uống chứ không mua dù chỉ chai nước suối giá 4.000 đồng, vậy mà vẫn không co kéo được.

Có lần sang thay bóng đèn cho tôi, cậu nói: “Tính ra thu nhập của gia đình em gần gấp đôi chuẩn hộ nghèo thành thị, nhưng bọn em sống đúng kiểu hộ nghèo luôn rồi”.

Tôi đề nghị cho vay tiền mua xe máy để có thể chạy Grab trở lại, cậu hàng xóm lắc đầu bảo thôi vì “em đang tính về quê”. Giờ thì cậu đã “chốt” phương án này.

Dễ kiếm việc làm là điều khiến Hà Nội thu hút người trẻ chọn làm nơi mưu sinh. Trong khi ở nhiều miền quê, người ta thậm chí mất cả trăm triệu đồng để “chạy” công việc có mức lương dăm triệu thì ở thành phố, cứ cố tìm sẽ có việc.

Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt cao lại khiến không ít gia đình trẻ thấy nản lòng khi làm ra đồng nào tiêu sạch đồng đó, chuyện tiết kiệm mua nhà trở nên “hoang đường”.

Từ thời COVID-19 đến nay, việc kiếm tiền càng khó khăn, xóm trọ khu tôi sống vắng bóng nhiều gương mặt cũ, những người chọn về quê, nơi họ có chỗ dựa từ gia đình, chi tiêu đỡ đắt đỏ, tốn kém hơn, vì đúng như cậu thanh niên nói, ở Hà Nội, gia đình có thu nhập xung quanh 10 triệu đồng chẳng khác gì hộ nghèo,

Lựa chọn này chưa chắc đã lâu dài nếu như sau khi về quê, họ không tìm được một hướng mưu sinh khác. Mới đây, anh Graber trước vẫn đưa đón con tôi đi học thêm đã trở lại xóm trọ sau chưa đầy một năm rời khỏi.

Tuy nhiên, anh không mang theo vợ con mà chỉ một mình, thuê phòng chung giá hơn 600 nghìn đồng/tháng. “Dù sao ở đây vẫn dễ kiếm việc, kiếm tiền hơn, một vài năm nữa tình hình khá lên tôi sẽ đưa vợ con lên sống cùng”, anh tâm sự.

Ở thành phố có rất nhiều gia đình sống cảnh chắt bóp từng đồng vẫn thiếu nhưng không có quê để về, chỉ có thể cố gắng cân đối chi tiêu trong mức thu nhập không tăng kịp với thời giá. Đó là lý do một số cặp vợ chồng trẻ dù con đầu lòng đã lớn nhưng vẫn chưa dám sinh bé thứ hai.

Theo VTC