Những ngày ở nhà để tạo "giãn cách xã hội" nhằm ngăn chặn bệnh dịch COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng, chị em hãy làm những món sữa hạt thơm ngon này để gia đình cùng thưởng thức nhé!

1. SỮA HẠNH NHÂN

Nguyên liệu:

- 100g hạt hạnh nhân

- 4 quả chà là (có thể không sử dụng)

- 500ml nước sôi nguội

Cách làm:

- Ngâm hạt hạnh nhân trong nước qua đêm.

- Sau đó, xả bỏ nước rồi chà vỏ của hạt hạnh nhân. Cho hạnh nhân, chà là và nước vào xay cho đến khi nhuyễn.

- Lọc hỗn hợp hạnh nhân bằng một lớp vải.

- Sau đó, cho sữa hạnh nhân vào bình thủy tinh rồi để trong tủ lạnh, sử dụng dần từ 3-4 ngày nhé! Khi uống có thể cho thêm đường nếu thích.

2. SỮA GẠO

Nguyên liệu: (lượng nguyên liệu cho 8 người)

- 40g gạo nếp

- 40g gạo lức

- 400ml sữa tươi không đường

- 150g đường

- 20ml nước vani

Thực hiện:

Đặt một chiếc chảo lên bếp, cho gạo nếp và gạo lức vào, mở lửa lớn. Đảo đều, rang khoảng 10 phút, đến khi hạt gạo nở bung ra thì tắt bếp. Đem gạo đi xay nhuyễn thành bột.

Đặt một chiếc nồi lớn lên bếp, mở lửa vừa. Khi nước sôi, cho bột gạo cùng 400ml sữa tươi không đường, 2.5 lít nước sạch, 150g đường, 20ml nước vani vào nấu, khuấy đều trong khoảng 10 phút.

Đem hỗn hợp nước sữa gạo lược 2 – 3 lần qua rây để loại bỏ bớt hạt bột.

Cho sữa gạo vào bình, giữ lạnh trước khi dùng.

3. SỮA NGÔ

Nguyên liệu:

- Ngô ngọt: 2 bắp (nên chọn bắp to còn tươi)

- Sữa tươi: 200ml

- Đường cát trắng: 500g

- Dụng cụ: máy xay sinh tố, rây lọc, nồi đun, tô lớn.

Cách làm

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Ngô mua về bóc tách hết phần lá và râu ngô ra khỏi bắp, lựa chọn phần lá non bên trong rửa sạch rồi bó lại.

- Cho ngô và vỏ ngô đã sơ chế rửa sạch vào nồi đổ nước rồi bắc lên bếp để luộc trong 20-30 phút sao cho ngô chín và ra nước ngọt. Chú ý không nên luộc ngô quá lâu sẽ khiến ngô mềm khó tách hạt.

- Vớt ngô ra rổ để nguội, phần nước luộc rất thơm có vị ngọt tự nhiên bạn chắt ra để riêng.

- Bạn tách hạt ra khỏi lõi ngô theo 2 cách đó là dùng tay để tách từng hạt hoặc dùng dao bào lần lượt các lớp ngô đến khi chạm vào lõi.

Bước 2: Xay hạt ngô

- Cho hạt đã bóc tách vào máy xay sinh tố với 1,5 lít nước luộc bắp hoặc nước luộc xay thật nhuyễn.

- Đem hỗn hợp lọc qua rây để lấy nước và bỏ bã.

Quy trình thực hiện xay và chắt lọc để làm sữa ngô

Bước 3: Nấu sữa ngô

- Đổ hỗn hợp vừa lọc vào nồi cùng 200ml sữa tươi khuấy đều bắc lên bếp đun sôi. Trong quá trình đun vừa khuấy đều để sữa không bị cháy.

- Khi sữa sôi bạn nêm đường cho vừa khẩu vị, khuấy thêm vài phút để đường tan hết sữa hơi sánh mịn thì tắt bếp để nguội.

- Sữa ngô có màu vàng nhạt hương thơm béo ngậy, sánh mịn ngọt thanh không gắt.

- Sữa uống có thể uống nóng hoặc lạnh tùy vào sở thích và khí hậu theo mùa.

- Sữa ngô đựng chai nhựa thủy tinh đậy nắp kín bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, bạn có thể để được đến 7 ngày.

4. SỮA ĐẬU XANH

Nguyên liệu:

- Đậu xanh cà vỏ (hoặc không cà vỏ): 300 g

- Lá nếp: 2-3 lá

- Đường cát: (tùy độ ngọt)

- Sữa tươi:

- Đá lạnh: (uống kèm)

Lưu ý khi lựa chọn nguyên liệu:

- Cách chọn đậu xanh ngon: Thực tế, khi làm sữa đậu xanh, bạn có thể sử dụng cả hai loại đậu cà vỏ và còn nguyên vỏ. Nếu chọn đậu xanh còn nguyên vỏ, chị em cần lưu ý chọn hạt đậu xanh căng, mẩy đều nhau và không bị sâu hay lép.

Nếu chọn hạt đậu xanh cà vỏ thì loại có màu vàng đẹp mặt, các nửa hạt đậu xanh chắc, không bị sâu mọt, có mùi thơm của đậu xanh.

- Sữa tươi: Chọn loại sữa tươi không đường để đảm bảo mùi vị của những ly sữa đậu xanh được nguyên chất nhất. 

Cách làm:

- Đậu xanh vo sạch ngâm khoảng 4 tiếng cho hạt đậu mềm. Nếu không ngâm thì khi nấu, hạt đậu xanh khó chín, thậm chí sượng, không còn vị thơm bùi nữa.

- Lá nếp đem rửa sạch, bó lại cho gọn để chuẩn vị lát cho vào nồi nấu cùng nước đậu xanh cho thơm ngon.

- Đậu xanh sau khi ngâm xong, vớt ra, rửa lại cho sạch, sau đó cho vào nồi. Thêm phần nước cao hơn mặt đậu xanh khoảng hơn 1 đốt ngón tay.

- Bật bếp, đun nhỏ lửa, thỉnh thoảng hớt bọt. Khi hạt đậu tơi thì tắt bếp.

- Cho đậu xanh vừa nấu xong vào máy xay sinh tố, xay cho nhuyễn, mịn.

- Đổ phần đậu xanh đã xay vào nồi. Nếu thấy đậu xanh hơi đặc bạn nên pha thêm nước lạnh vào. Sau đó, cho lá nếp vào rồi đun liu riu để sữa không bị trào ra ngoài.

- Khi nước đậu xanh sôi, cho đường cát vào đun thêm khoảng 2 phút để đường tan rồi tắt bếp.

Thành phẩm:

- Sữa đậu xanh có mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng mùi hương lá nếp vô cùng hấp dẫn.

- Sữa đậu xanh có vị béo ngậy, bùi bùi rất đặc trưng của đậu xanh và sữa tươi.

5. SỮA ĐẬU NÀNH

Nguyên liệu:

- 200gr đậu nành

- 2,5 lít nước

- 3 lá dứa (lá nếp

- 120-150gr đường

Cách làm:

Đậu nành ngâm với nước qua đêm cho đậu mềm. Dùng tay chà bóc vỏ đậu nành và rửa sạch. Cho đậu và nước lạnh vào máy xay, xay nhuyễn.Lọc hỗn hợp qua miếng vải mỏng, vắt lấy nước, bỏ bã.

Cho hỗn hợp sữa đậu nành đã lọc vào nồi cùng với lá dứa, bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ cho đường tan. (Thời gian nấu khoảng 20-25 phút). Trong khi nấu nhớ hớt bọt để sữa không bị lợn cợn và trào ra ngoài.

Sữa đậu nành chế biến rất đơn giản, như vậy bạn đã hoàn thành xong món sữa ngon, bổ dưỡng cho gia đình. Bạn có thể dùng lạnh hay nóng đều ngon.

Nếu bạn thích uống sữa đậu nành đá thì khi nấu cho vào khoảng 120-150gr đường. Với cách làm sữa đậu nành như trên, mùa hè này cả nhà đã có thứ đồ uống giải khát tươi mát và bổ dưỡng rồi.

6. SỮA ĐẬU NÀNH, HẠNH NHÂN, ÓC CHÓ

Nguyên liệu:

- Đỗ tương: 200g

- Quả óc chó: 200 g

- Hạnh nhân: 100 g

Cách làm:

Đỗ tương ngâm khoảng 5 tiếng cho nở rồi đãi bỏ vỏ. Óc chó đập bỏ vỏ lấy phần nhân. Hạnh nhân ngâm khoảng 2 tiếng bóc bỏ vỏ.

Rửa sạch đỗ tương, hạnh nhân và óc chó rồi cho vào máy xay nhuyễn.

Lọc qua một lớp giá thưa sau đó dùng túi lọc lại lần nữa.

Cho lên bếp đun sôi. Trong quá trình đun hớt lớp bọt bỏ đi. Khi sữa đậu nành sôi đun thêm khoảng 5 phút nữa. Để nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Khi uống sữa đậu nành, bạn chỉ việc thêm đường hòa tan là được rồi.

7. SỮA ĐẬU NÀNH, VỪNG, LẠC

Nguyên liệu:

- Sữa đậu nành: 600 ml

- Lạc: 50 g

- Vừng: 50 g

- Đường cát: tùy ý

Cách làm:

Vừng rửa sạch để ráo đem rang chín. Rang lạc cho chín ủ qua lớp giấy rồi đem sát bỏ vỏ. Cho lạc, vừng vào máy xay, xay khô.

Hòa vừng, lạc đã xay với sữa rồi đun sôi ở lửa nhỏ trong 3-4 phút. Trong khi sữa sôi nên khuấy liên tục để vừng lạc không bị bám vào đáy nồi.

Tắt bếp đợi sữa đậu nành nguội, dùng một túi lọc bỏ bã lấy sữa. Đun lại lần nữa.

Vậy là bạn có thêm một ly sữa đậu nành kiểu mới vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng rồi nhé.

8. SỮA ĐẬU NÀNH, VỪNG ĐEN

Nguyên liệu:

- Đậu nành (đậu tương): 200gr

- Vừng đen: 30gr

- Nước: 2000 ml

- Lá nếp: 5-6 lá

- Đường: tùy khẩu vị

Thực hiện:

Đậu nành đem ngâm nước trong khoảng 4 tiếng cho nở. Dùng tay bóp nhẹ cho đậu tróc vỏ. Đãi sạch vỏ đậu. Vừng đen rang chín thơm.

Cho vừng đen, đậu nành và nước vào máy xay sinh tố, xay thật nhuyễn (nếu nhiều thì chia ra xay 2 lần).

Dùng túi vải hoặc một miếng vải to để lọc lấy nước đậu, bỏ bã (vắt cho thật kiệt sao cho thu được lượng nước đậu nành tương đương lượng nước ban đầu). Cho nước đậu nành vừng đen vào nồi, thêm lá nếp rồi đặt lên bếp đun, thi thoảng quấy để khỏi bị khê đáy nồi.

Khi nước đậu sôi bùng lên thì hạ lửa nhỏ, đun sôi lăn tăn thêm khoảng 10 phút nữa thì tắt bếp. Nếu muốn uống ngọt thì trước khi tắt bếp các bạn cho đường vào quấy đều cho tan đường. 

Theo Phụ Nữ Việt Nam