Trong những ngày trở lại đây, cộng đồng mạng đặc biệt xôn xao với hình ảnh những tuyến phố gương mẫu với biển quảng cáo giống hệt nhau với 2 màu xanh - đỏ.
Những tấm biển giống hệt nhau trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội.
Những hình ảnh này đã tạo nên những cuộc tranh luận lớn, người cho rằng ngăn nắp văn minh, người thì lại thổ lộ nó quá cứng nhắc và "giết chết" sự sáng tạo mà các nhãn hàng đã dày công xây dựng nên.
Trong các lý thuyết về PR, vai trò của quảng cáo ngoài trời đặc biệt quan trọng vì nó tác động trực tiếp tới người dân, ảnh hưởng tới quyết định sẽ "Mua hàng ở đây hay ở kia" ở bất kỳ ai. Nhiều công ty sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để thiết kế, sáng tạo, thể hiện cá tính và chất lượng sản phẩm ngay trên những tấm biển này.
Chính vì vậy, tại những quốc gia lớn, quảng cáo ngoài trời luôn là một cuộc chiến sáng tạo không hồi kết, hãy thử điểm qua những quốc gia quen thuộc, xem họ làm quảng cáo ngoài trời ra sao nhé.
Nhật Bản: Tự do trong khuôn khổ
Với nhiều người, Nhật Bản là quốc gia luôn đề cao quy tắc và mọi thứ phải tuân theo luật pháp, cũng như các quy chuẩn. Tuy nhiên, dạo quanh các khu phố ở thủ đô Tokyo, bạn có thể nhìn thấy các biển quảng cáo với nhiều kích thước, hình dạng và màu sắc, thậm chí cả những biểu tượng mà đối với người nước ngoài là rất nhạy cảm. Vậy điều gì làm nên sự tự do trong khuôn khổ với biển quảng cáo tại Nhật Bản?
Những quảng cáo sáng tạo và đầy màu sắc luôn là điểm nhấn cho các
khu phố tại Nhật Bản.
Thứ nhất, các quảng cáo ở Nhật Bản dù có thể hiện sự thoải mái trong phong cách thiết kế thì vẫn phải tuân thủ những quy định về không gian đô thị và chuẩn mực thiết kế. Ví dụ như, bạn không được đặt biển quảng cáo trong các khu vực di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Các biển quảng cáo cũng bị cấm đặt trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu công viên cây xanh, nghĩa trang, hầm mộ.
Bên cạnh đó, nhiều khu vực tại Nhật Bản cũng quy định về việc lắp đặt biển quảng cáo như nào để phù hợp với cảnh quan của cả khu phố. Mỗi khu vực trong trung tâm các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka đều có một chủ đề quảng cáo riêng, phụ thuộc vào mặt hàng và dịch vụ kinh doanh của cả khu vực.
Do vậy, sẽ không có sự sắp đặt lộn xộn khi tất cả biển quảng cáo đều hướng người xem tới một dịch vụ hay sản phẩm đặc trưng của khu vực. Nếu bạn tới Harajuku hay Shinjuku, khu vực sẽ ngập tràn các sản phẩm và dịch vụ cho giới trẻ.
Tuy nhiên, bạn sẽ bất ngờ khi nhìn vào những biển quảng cáo tại Nhật Bản
khi chính quyền vẫn cho phép sự tự do và phá cách với những hình ảnh ấn tượng
mà khó có thể tìm thấy ở đâu trên thế giới. Chính những biển quảng cáo như vậy
đã tạo nên màu sắc riêng không trộn lẫn vào đâu của Nhật Bản.
Thử tưởng tượng các khu phố tại Nhật Bản nếu thiếu những biển quảng cáo đầy
phong cách và màu sắc sẽ như thế nào?
Úc: Phải đảm bảo sự an toàn cho người đi đường
Mỗi quốc gia lại có các quy định về quảng cáo khác nhau. Tại Úc, các biển quảng cáo phải đảm bảo một số quy định cơ bản như không được quảng cáo tại những khu vực di tích lịch sử, khu vực bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã, khu dân cư (trừ khu dân cư nằm lẫn với khu văn phòng), khu vực cần được bảo vệ cảnh quan, hay các công viên quốc gia, không được che khuất các biển báo giao thông... Tất cả các quy định về quảng cáo chỉ nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như người dân trong khu vực.
Những tấm biển quảng cáo được sắp đặt có vẻ lộn xộn nhưng vẫn khá ấn tượng
trên đường phố Úc.
Bởi vậy, tại các thành phố lớn, mà đặc biệt là các khu vực phát triển kinh tế ở Úc, du khách có thể bắt gặp cảnh tượng những dãy dài quảng cáo với những màu sắc, kích cỡ khác nhau vẫn được trưng bày san sát.
Để gây ấn tượng, nhãn hàng nước giải khát hàng đầu thế giới dùng luôn cả
một tấm biển quảng cáo cỡ đại.
Trung Quốc: Buộc phải ngăn nắp vì... quá nhiều
Ở mỗi tỉnh thành, mỗi khu vực, mỗi con phố, thậm chí là mỗi khu dân cư đều có những quy định riêng về việc lắp đặt biển quảng cáo. Tuy nhiên, tất cả các loại biển quảng cáo này đều phải đảm bảo chấp hành các quy định chung như: phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không được đăng tải những hình ảnh phản cảm, lố bịch, phải lắp đặt biển quảng cáo đúng kích cỡ và đúng nơi quy định.
Tùy từng khu vực sẽ cho lắp đặt những loại biển quảng cáo ngang dọc với kích cỡ
và phong cách khác nhau. Đa số biển quảng cáo đều được lắp đặt ở những khu vực
mua sắm sầm uất, nơi tập trung nhiều các trung tâm thương mại.
Khi tới những nơi công cộng đông người qua lại ở Trung Quốc, nhiều người bị choáng ngợp bởi số lượng biển quảng cáo khổng lồ được sắp xếp chi chít, dày đặc. Chính vì vậy, để thu hút được sự chú ý của công chúng, người ta buộc phải sử dụng những tấm biển quảng cáo càng to, càng bắt mắt càng tốt và quan trọng hơn cả là ai cũng muốn được đặt ở vị trí nổi bật nhất.
Qua những bức ảnh dưới đây, có thể thấy rằng, thị trường biển quảng cáo ở Trung Quốc cạnh tranh quả thật vô cùng khốc liệt.
Dọc hay ngang không quan trọng, chủ yếu là phải đặt ở vị trí thật bắt mắt.
Tuy nhiên, những tấm biển quảng cáo này cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành
nhiều quy định của các cơ quan chức năng.
Mỹ: Thích làm gì thì làm, đừng "treo đầu dê bán thịt chó" là được
Trong khi đó luật pháp Mỹ lại quan tâm đến các sai phạm trong nội dung quảng cáo gồm:
Những quảng cáo bên ngoài của sản phẩm không phản ánh đúng chất lượng bên trong;
Sai sót trong nghiên cứu (những lời miêu tả bên ngoài của sản phẩm không phù hợp với các tài liệu nghiên cứu từ thực tiễn được phổ biến rộng rãi);
Quảng cáo sai làm mất uy tín của sản phẩm khác. Còn về kích cỡ, màu sắc thì... thích thế nào cũng được. Cứ nhìn những tấm biển quảng cáo dưới đây, bạn sẽ thấy khả năng sáng tạo được phát huy tới mức tối đa như nào:
Những hình ảnh đã quá quen thuộc tại Quảng trường Thời đại của Mỹ.
Một khu vực khác ở New York.
Tại những thị trấn nhỏ, biển quảng cáo lại càng bự.
Ở các thành phố khác của Mỹ, những tấm biển quảng cáo cũng vô cùng bắt mắt.
Tại Toronro, Canada, biển quảng cáo cũng đủ thể loại và chi chít trên những con phố.
Theo Trí thức trẻ