Bực tức vì bị đỗ xe chắn cửa
Trên mạng xã hội mấy ngày nay đang xôn xao câu chuyện về chiếc ôtô Innova bị đập vỡ kính trước và hai chiếc gương vì đỗ chắn cửa, chủ nhà không thể đưa chiếc ô tô của mình vào nhà được.
Trước đó, tại phố Hoàng Ngân, Trung Hòa, Cầu Giấy cũng đã xảy ra chuyện, chủ xe Hyundai đi vào trong ngõ 124, đã dừng đỗ xe trước cửa một ngôi nhà. Sau khoảng 1 tiếng quay lại, phát hiện ra chiếc xe của mình bị vạch đầy sơn trắng. Anh ta đã gọi cảnh sát, tố cặp vợ chồng chủ nhà vẽ bậy lên xe. Chủ nhà cũng thừa nhận hành vi vẽ chi chít lên ô tô ở mặt trước, thân và đuôi xe. Sau khi công an tới làm việc, cả 2 bên đều bị phạt.
Hình ảnh chiếc xe ô tô bị vẽ chằng chịt vết bút xóa
Ngoài 2 câu chuyện nặng nề kể trên, cũng còn nhiều chuyện ứng xử khá thú vị giữa chủ nhà, chủ cửa hàng, bị ô tô đỗ gây phiền toái.
Một bạn đọc kể: "Ngõ nhà tôi rộng khoảng 8m và khá yên tĩnh, nên hay có ô tô đỗ. Trong đó, có 1 chiếc xe thường xuyên đỗ trước cửa nhà tôi. Có khi đỗ cả ngày, khiến cho việc dắt xe vào trong sân rất khó khăn. Tôi đã đợi gặp lái xe và nói lịch sự, anh có đỗ xe ở đây thì khoảng 1-2 giờ thôi, đỡ ảnh hưởng đến việc ra vào của gia đình tôi. Không ngờ anh ta cãi ngang, nói đường nhà nước, để bao lâu là quyền của họ.
Biết khó nói lý lẽ với loại người này. Đợi anh ta ra khỏi xe 1 lúc, tôi tha 2 chiếc ô tô cũ, mượn của ông bạn, chuyên sửa chữa ô tô gần đó, về chặn đầu, chặn đuôi. Đến khi anh ta quay lại, không cách nào lấy xe ra được, cứ lòng vòng tới tối. Giam 1 ngày, hôm sau rối rít xin lỗi, xin được lấy xe để còn đi công việc, từ nay không dám đỗ xe ở đây nữa".
Hiện tượng đỗ xe chắn trước cổng nhà, cửa hàng, lối đi của người khác, gây bức xúc, bị phá xe, vẽ lên xe... ngày càng nhiều.
Nhiều năm qua, mạng lưới giao thông tĩnh trên địa bàn Hà Nội đã bị quá tải. Tình trạng này càng trở nên nặng nề hơn với tốc độ gia tăng phương tiện theo cấp số nhân. Trong khi đó, các điểm đỗ tại nội đô quá thiếu. Chính quyền phải quy định cho đỗ xe dưới lòng đường. Tuy nhiên, giải pháp này cũng gây cản trở lưu thông của các xe cá nhân khác, làm ảnh hưởng đến nhiều gia đình có nhà mặt phố, hay các cửa hàng kinh doanh,... Vì vậy, xung đột giữa người đi ô tô và các chủ nhà, chủ cửa hàng ngày càng tăng.
Người đi ô tô bí bách không có chỗ đậu mới phải đậu trước hàng quán, nhà dân. Khi đó, chủ nhà, chủ quán rất dễ nổi cáu nếu thấy cái ô tô đậu chình ình trước cửa, lại còn đỗ lâu. Nhẹ nhàng mà dí dỏm nhất là treo biển đề nghị "từ mai không đỗ xe ở đây", nặng nề hơn thì viết lên xe những lời bức xúc như "đỗ xe ngu", "thiếu văn hóa", hay "ông đang làm phiền tôi đấy", thậm chí đổ rác quanh xe, phá xe, vẽ sơn lên xe...
Bí bách thiếu bãi đỗ xe
Không chỉ có những người sống hay kinh doanh trên phố, trong ngõ bị ảnh hưởng, những người sử dụng ô tô cũng than phiền không kém.
Anh Nguyễn Quang Hòa ở ngõ Trung Tả, Khâm Thiên, Hà Nội, kể đi ô tô khổ nhất là tìm chỗ đỗ xe. Rất nhiều nơi trong nội thành Hà Nội không có chỗ đỗ xe.
"Chở cả gia đình đi ăn, đưa mọi người tới nhà hàng, xong mới tìm chỗ đỗ xe. Tìm được chỗ, quay lại, có khi mọi người đã ăn sắp xong rồi. Hôm nào cuối tuần, vợ hứng chí đi shopping trên phố thì ô tô cứ phải chạy lòng vòng do không có điểm dừng đỗ. Muốn uống tách trà hay cà phê để giết thời gian chờ cũng không có chỗ đỗ", anh Hòa nói.
Dừng đỗ xe trong phố, ở Hà Nội hiện nay là cả một vấn đề.
Nhiều người đang sử dụng ô tô cũng ái ngại cho biết, Hà Nội đã lắp xong 450 chiếc camera, đưa vào thử nghiệm để đảm bảo an ninh và điều hành giao thông, xử phạt nguội lỗi vi phạm. Nghĩa là vào một ngày đẹp trời rất có thể 1 lái xe nào đó nhận được biên bản phạt kèm hình ảnh vi phạm thông qua đường bưu điện.
Tại TP.HCM đã thực hiện rồi. Mới đây, có bác tài đã phải ngửa mặt lên trời khóc rưng rức với phiếu phạt liệt kê cơ man lỗi, trong đó có không ít lỗi đỗ xe không đúng quy định, tổng lên tới 90 triệu đồng.
Dừng đỗ xe trong phố ở Hà Nội hiện nay là cả một vấn đề, ngoài việc tuân thủ các quy định của biển báo lại phải thực hiện theo hướng dẫn về các tuyến phố cấm dừng đỗ tại các Thông tư, Nghị định,... nói chung là rất lằng nhằng.
Chủ ô tô cần có ý thức trong việc đỗ xe.
Vậy nên, cũng có không ít những lời khuyên cho người sử dụng ô tô, nên tìm hiểu trước xem nơi đến có chỗ đỗ ô tô hợp pháp hay không, hay hỏi người dân ở đó chỗ nào gửi xe, nếu không muỗn bị mất đồ, xước sơn,... Thậm chí, còn có lời khuyên hài hước hơn, là các bác tài nên thủ con xe đạp gấp trong cốp xe, khi phải gửi xe xa, lấy ra đạp, rất tiện.
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty công nghệ ô tô Việt Đức, Việt Nam lâu nay chưa có tư duy làm hạ tầng cho ô tô. Nhiều con đường mới mở dài cả chục km ở Hà Nội chẳng thấy có một bãi đỗ xe. Các khu đô thị mọc lên san sát, cũng không có bãi đỗ xe. Tất cả cứ đỗ xe ra ngoài đường, gây ách tắc giao thông.
Ý kiến từ các chuyên gia cho biết, trong quy hoạch giao thông tĩnh từ năm 2003, Hà Nội đã dành quỹ đất để làm bãi đỗ xe. Thế nhưng sau một thời gian lại bị chuyển đổi mục đích sử dụng, ví dụ như điểm đỗ xe gần sân vận động Hàng Đẫy, thì nay là Sở KH-ĐT, bãi đỗ xe quận Hoàng Mai thì bị cắt một phần rất lớn để làm chợ đầu mối Đền Lừ.
Theo Vietnamnet