Ngày 26/7, trên một diễn đàn cộng đồng người Việt Nhật có đăng tải hai bức ảnh kèm theo lời dẫn: “Cả nhà à, đừng vội quay lưng mà chê bài Việt Nam! Nhà ta. Đây là cảnh đêm qua tại lể hội pháo hoa ở "Sakuranomiyakoen-Osaka”…”.

Trong bức ảnh là hai bờ tường sát mép đường có đầy lon đồ uống rỗng và bao bì đồ ăn được vứt la liệt. Ngay sau khi đăng tải, bức ảnh và bài viết ngay lập tức nhận được rất nhiều lời bình luận mang tính tranh cãi.

nhật bản
Bài viết và 2 bức ảnh gây tranh cãi trên mạng xã hội hồi cuối tuần qua.

nhật bản
Những lon đồ uống rỗng, những tấm poster và bao bì thực phẩm la liệt.

nhật bản
Có rất nhiều thanh niên nam nữ vẫn đang mải mê xem lễ hội.

Ai cũng biết, người Nhật thích sạch sẽ và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của họ rất cao. Từng có nhiều bức ảnh chụp lại khoảnh khắc người Nhật (cầu thủ bóng đá hoặc cổ động viên) nhặt rác trên sân vận động nước ngoài khiến nhiều người ngưỡng mộ và thấy đó là điều đáng để học tập. Chính vì thế bức ảnh này đang được share và bình luận với 3 luồng ý kiến trái chiều.

Một phần nhỏ các bạn trẻ cho rằng, dù là người Nhật với ý thức vệ sinh môi trường cao đến đâu đi nữa thì vẫn có một số thanh niên thiếu ý thức, xả rác ra đường.

Một số người khác lại cho rằng, số rác này là do người nước ngoài, đến tham gia lễ hội, bỏ lại.
Tuy nhiên,  đại đa số mọi người bình luận rằng: Chê bai người khác không làm mình tốt lên được. Đó không phải là một cách hay để nâng giá trị bản thân, mà chính điều đó sẽ khiến bản thân trì trệ, ngại học hỏi, kéo theo ý thức cũng sẽ đi xuống.

Facebooker Su Jamin bình luận: “Đúng là rác đó ở trên nước Nhật nhưng làm sao khẳng định là người Nhật xả rác được hả bạn? Đừng thỏa hiệp với cái xấu, đừng bao biện cho những hành vi của mình. Cái cần nhất là nhận ra đó là thói xấu và thay đổi”.

Bạn Nguyễn Đức Tiến bức xúc: “Bạn đăng cái này ra để hạ thấp người Nhật xuống cho “vừa tầm” với mình à? Sao bạn không tìm những bức ảnh tốt đẹp của người Nhật để chúng ta cùng học hỏi và nâng chúng ta lên vừa tầm với họ đi. Họ xả rác, họ vượt rào, nhưng đó cũng chỉ là phần thiểu số thôi…”

Đồng ý kiến, bạn Tùng Đỗ cũng chung nhận xét: “Bạn đăng cái này để hạ thấp con người Nhật xuống sao? Ở đâu đi chăng nữa cũng có người này người kia, liệu người Việt mình đã làm được như họ chưa mà đã lên phê phán người ta. Nhưng phải nói rằng, hầu hết người Nhật có ý thức rất cao, người Việt mình nên học hỏi”.

Cũng có nhiều bạn cảm thấy hành động này cũng là bình thường thôi: “Ở đâu chả có người này người kia, ít hay nhiều thôi. Bới móc gì chứ? Sao không học cái tốt đẹp?”, “Đa số bên họ ý thức hơn đa số bên mình, thế là được chứ gì?”.

Một bạn tên Thanh Tú nói: “Có thể bạn chưa biết, sáng hôm sau sẽ có đội tình nguyện đi thu dẹp”.

nhật bản

nhật bản

Rất nhiều ý kiến cho rằng  cần học hỏi cái tốt, cái đẹp của họ để hoàn thiện mình. thay vì chê bai, bới móc người khác.

Bạn Dương Linh (27 tuổi), một du học sinh người Việt Nam, đã sinh sống và học tập tại Nhật Bản hơn 5 năm, đã đăng tải một bài viết chia sẻ trên trang cá nhân của mình:

“Một bức ảnh "chê Nhật" có đến hơn 1000 likes và những bình luận phía dưới là cả một câu chuyện dài về cách nghĩ và lối sống.

Con người ta có một cái rất lạ. Bảo ghét ăn kẹo thì nhất quyết không ăn; bảo ghét giao lưu tiếp xúc thì dù có đẩy mông vác đi cũng chẳng đi. Nhưng hễ mà bảo ghét ai thì khó cạch mặt hẳn, cứ phải thỉnh thoảng vào ngó nghiêng xem hắn ta có động thái gì rồi tìm cách chê bai dìm hắn xuống cho bằng được.

Bức ảnh này chủ post đăng và nói nó là hậu trường của một lễ hội tại Osaka. Thế lễ hội ở Nhật chẳng nhẽ chỉ có người Nhật đi? Mà có thế đi chăng nữa thì bạn cứ yên tâm, chỉ trong một ngày đội tình nguyện của lễ hội sẽ dọn dẹp sạch đống rác này.

Tôi thừa nhận ý thức của một bộ phận giới trẻ Nhật bây giờ không còn được như những thế hệ người Nhật trước đó. Họ vẫn thẳng thắn thừa nhận, thậm chí mấy người bạn tôi quen họ còn nói họ không thích văn hoá gò bó, cứng nhắc của Nhật, họ thích sự phóng khoáng tự nhiên của người Việt Nam và các bạn Đông Nam Á hơn... Là con người ở đâu cũng như nhau, tốt xấu có cả, nhưng cái chính là học hỏi những điểm tốt của nhau thay vì ngồi bới móc những điều nhỏ nhặt thế này để so sánh.

Mỗi cơ thể cần một trái tim để tồn tại. Nhưng điều chúng ta cần là sống, mà muốn sống thì nên nới rộng trái tim đó ra. Bao dung một chút, cởi mở một chút để vừa giúp tinh thần thoải mái, vừa học được nhiều tốt đẹp.”.

nhật bản
Dương Linh cho biết, Linh có rất nhiều bạn bè là người Nhật, Linh đã học được rất nhiều từ bạn bè mình. (Ảnh Facebook nhân vật)

Dương Linh cho biết, tuy không phải những gì thuộc về Nhật và văn hoá Nhật, Linh cũng có thể thích ứng nhưng Linh học hỏi được rất nhiều từ người Nhật, ví dụ: Ý thức công cộng, ý thức tự lập và tự chịu trách nhiệm với mọi việc mình làm. Với Dương Linh, Nhật là một quốc gia văn minh và đáng sống.

Ngoài Dương Linh, cũng có rất nhiều du học sinh người Việt bày tỏ thái độ yêu quý và ngưỡng mộ đất nước Nhật Bản cũng như ý thức và cách thức xử lý công việc của người Nhật.

Với câu chuyện về bức ảnh la liệt rác gây tranh cãi này, có lẽ các bạn trẻ sẽ rút ra được nhiều bài học, đặc biệt là bài học sự chê bai người khác.

Khổng Tử từng dạy rằng: “Đừng than phiền về tuyết trên nóc nhà hàng xóm khi ngưỡng cửa nhà bạn chưa sạch”.

Nhiều người thường có thói quen chê bai người khác mà không tự nhìn lại bản thân mình. Họ tưởng rằng khi chê bai một ai đó thì họ trở nên giá trị hơn trong mắt những người xung quanh.

Không ai trong chúng ta là hoàn hảo vậy nên ai cũng có những khiếm khuyết của riêng mình. Đừng vội vàng chê bai khi bạn chưa hiểu rõ về người đó. Hãy tập cho mình thói quen nhìn nhận lại bản thân trước khi đưa ra ý kiến chê bai người khác.

Theo Trí Thức Trẻ