Không được tùy tiện vứt bát cũ
Khi chuyển nhà mới hoặc sắm sửa vật dụng sinh hoạt mới, nhiều người chúng ta thường hay quan niệm nhà mới thì đồ đạc cũng cần mới nên thường bán hết đồ cũ mua đồ mới, cũng thường tiện tay vứt bỏ những chiếc bát cũ đã sứt mẻ. Đây chính là một thói quen “phá tài” điển hình, khiến rất nhiều người gặp trắc trở về đường tài vận, tình duyên, sức khỏe.
Bất luận là mới hay cũ, chiếc bát đều tượng trưng cho “công ăn việc làm” của gia chủ. Nếu đem chiếc bát vứt đi, chẳng khác nào bạn đang tự hất bỏ “chén cơm” của mình. Trong tiếng Hán từ bát “碗” được đọc là “Wǎn”, nó đồng âm với từ 〝完〞đọc là “wán” trong từ 〝完蛋〞đọc là “wándàn”, nghĩa là kết thúc, là hết. Bởi vậy, những chiếc bát đã cũ dù không dùng cũng không được tùy tiện vứt bỏ đi.
Chén ăn cơm tự nhiên nứt vỡ
Đối với người kinh doanh buôn bán, điều tối kỵ là chén nứt vỡ làm đôi. Nhiều chuyên gia phong thủy cho rằng chén nứt tượng trưng cho vận xui sẽ ập đến, nặng hơn là điềm dữ như bệnh tật hoặc người thân đã mất tìm về. Do đó, chúng ta cần tránh dùng chén sứt mẻ vì tiền tài sẽ hao hụt và thường xuyên bị tiểu nhân quấy phá.
Có nên dùng bát sứt mẻ?
Một số người vì tiết kiệm nên thường dùng lại chén bát đã bị sứt mẻ. Tuy nhiên, việc này phạm phải đại kỵ vì khi miệng chén bị sứt thì tiền tài cũng đã hao hụt đi rất nhiều. Vì thế, nếu chẳng may lỡ tay làm mẻ bát hãy nhớ dùng khăn hoặc vải đỏ bọc kín lại rồi mới vứt đi để tránh xảy ra điềm xui.
Tại sao được chủ động đập vỡ bát đĩa?
Một vài nước trên thế giới như Đức, Hy Lạp, Đan Mạch và ngay cả Trung Quốc vào dịp năm mới hoặc trong đám cưới cũng có tục lệ đập vỡ chén đĩa để cầu bình an và may mắn, trước khi vứt đi họ sẽ bọc kín lại bằng khăn hoặc vải đỏ. Nhưng phong tục này ngược lại với quan niệm của người Việt là kiêng làm vỡ, sứt mẻ chén đĩa vào ngày lễ Tết.
Nếu trong giấc mơ thấy mình cố tình đập vỡ rất nhiều chén bát mà không bị sứt mẻ thì cho thấy mối quan hệ giữa người đó với mẹ ruột đang rất thắm thiết, suôn sẻ. Ngược lại, chỉ đập nhẹ mà chén đã nứt vỡ thành nhiều mảnh nghĩa là tình cảm của mẹ con đang gặp trục trặc.
Tại sao lại có thể lấy trộm bát?
Bạn đừng nghĩ rằng đây là câu hỏi buồn cười! Nhiều nơi, khi làm tiệc thượng thọ cho người cao niên trong làng, đều có tập tục tặng bát. Người đến ăn cỗ mừng thọ đều có thể thoải mái "lấy trộm" bát mang về.
Gọi là "lấy trộm: nhưng thật ra ai cũng có thể tùy tiện cầm đi mà không gặp sự cản trở nào của người nhà hay chủ cỗ. Bởi lẽ, mang bát đi đồng nghĩa với việc nhân rộng niềm vui và giúp người cầm bát lây sự trường thọ như chủ nhân.
Nhiều bậc phụ huynh còn chia sẻ rằng những chiếc bát mừng thọ này, khi mang về cho con cái sử dụng sẽ có tác dụng trừ tà, xua đuổi ma quỷ và xui xẻo, giúp người già tăng thêm sức khỏe, giúp trẻ nhỏ chiêu tài chiêu lộc.
Bát không dùng nữa thì xử lý như thế nào?
Các chuyên gia phong thủy Trung Quốc cho rằng, đối với những chiếc bát vẫn còn dùng được, bạn nên cho hoặc tặng người khác, chỉ riêng bát chúc thọ là không thể tùy tiện đem cho.
Nếu là bạn thân, bạn tốt, việc tặng bát còn có thể kéo dài tình hữu hảo, tăng thêm sự thân thiết, gắn bó.
Theo quan niệm của người xưa, đối với những chiếc bát đã sứt mẻ đến nỗi không dùng được, bạn cũng có thể vứt đi nhưng cần lưu ý phải bọc bát bằng vải đỏ rồi mới đem vứt.
(Bài viết chỉ mang tính tham khảo)
Theo PhuNu