Một vị khách trạc tuổi trung niên đến mua bánh, rồi trêu: "Sao nó con trai mà nhìn giống con gái quá vậy?".
Thấy khách nói đùa, ông Ngọc cười lớn: "Con trai nào, con gái tôi đó. Thấy nó đẹp không?".
Câu chuyện vui rôm rả vậy nhưng ở thời điểm gần 20 năm trước, ông Ngọc không nói được câu này. Những ngày tháng đó là ký ức nghiệt ngã với vợ chồng ông và các con. Cả gia đình đã trải qua những chuỗi ngày đầy nước mắt, những trận đòn roi không biết điểm dừng.
Nguyên do là bởi, 2 người con trai của ông Ngọc nhất nhất đòi làm con gái.
"Mưa" đòn roi vì tuyệt vọng
Giờ đây, người quen thường gọi hai con của ông là "bé Hai", "bé Ba", nhưng ông vẫn quen miệng gọi "thằng Tí", "thằng Lỳ", dù các con giờ nhìn đã là những người phụ nữ thật sự. "Thằng Tí", "thằng Lỳ" là tên vợ chồng ông hay gọi con thuở bé, vốn thân thuộc với gia đình.
Ông Ngọc và bà Nguyễn Thị Huệ (68 tuổi) có 3 người con. Con gái lớn đã lập gia đình, còn 2 người con trai nay đã chuyển giới thành nữ. Các con trai của ông có tên thật lần lượt là Nguyễn Văn Ngà (33 tuổi) và Nguyễn Văn Châu (31 tuổi).
Từ khi các con còn nhỏ, ông đã sớm nghe hàng xóm, dòng họ bàn tán về sự yểu điệu của 2 con trai út. Họ hàng hơn 200 người cũng dần xa lánh, cô lập gia đình ông.
"Lúc đó tôi không biết định nghĩa về cái mà người ta gọi là "thế giới thứ 3" hay "người đồng tính". Nghe ai nói tôi cũng đều gạt ngang, vì đinh ninh con tôi không phải như thế", ông Ngọc nói.
Vợ ông, bà Huệ biết con khác biệt, vì thương nên âm thầm ủng hộ. Giấu chồng, thỉnh thoảng bà lén mua đồ bộ của nữ cho con mặc, để thỏa sở thích của... hai thằng con trai.
Thời đó, ông bà mưu sinh bằng chiếc xe đẩy bán chuối, bán khoai. Sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi, về đến nhà thấy con trai ngày càng "ẻo", cộng thêm lời dèm pha xung quanh lọt vào tai, ông Ngọc không kiềm được nóng giận mà trút bạo lực lên các con.
"Tôi cứ ngỡ ngày đó đã đánh chết con. Nhất là ngày con để tóc dài, đòi theo đoàn lô tô đi hát, chính tay tôi đi bắt về, cạo đầu con hết thảy 4 lần. Tôi còn nói rằng coi như mình đã mất đứa con này", ông Ngọc rưng rưng, kể lại.
Những trận đòn roi, cãi vã kéo dài suốt 4 năm.
Cuối cùng, vợ chồng ông Ngọc và các con đều cảm thấy mệt nhoài. Đôi lúc, ông Ngọc thầm nghĩ con mình tính hiền lành, có hiếu với ba mẹ, cũng không dính vào bất kỳ tệ nạn nào. "Tôi mới tự hỏi vì sao mình lại đối xử với con như thế", ông Ngọc dằn vặt.
Dần dần, ông thầm chấp nhận, không la mắng con nữa. Thấy "chị" được ba ủng hộ, người con trai út cũng thẳng thắn thể hiện là người đồng tính.
Sau đó, ông Ngọc bắt đầu dạy con cách buôn bán, bày cho "chị Hai" bán xôi chiên còn "chị Ba" bán bánh rán.
"Con có như thế nào thì vẫn là con mình. Miễn là nó sống tốt, hạnh phúc và có hiếu. Giờ các con có nghề nghiệp ổn định, biết kiếm tiền lo cho ba mẹ. Đối với tôi đó là sự đền đáp ý nghĩa nhất", ông Ngọc bộc bạch.
Tháng 9/2015, chị bé Ba (tức anh Châu), gom đủ tiền để phẫu thuật chuyển giới. Ông Ngọc chính là "tài xế" tiễn con ra sân bay. Ba năm sau, ông cũng vẫn là người đưa chị bé Hai (tức anh Ngà) sang Thái Lan phẫu thuật.
Được sống là chính mình
Từ ngày chấp nhận những đứa con đặc biệt của mình, ông Ngọc thấy lại hạnh phúc trong gia đình. Hai con buôn bán gì ông cũng ủng hộ và dù đã lớn tuổi, ông vẫn luôn có mặt để phụ giúp hai con.
Kinh tế gia đình đi lên, căn nhà cũ của ông đã được sửa chữa khang trang hơn. Họ hàng hai bên cũng dần hòa đồng với gia đình ông Ngọc.
Những năm gần đây, vợ ông không may bị bệnh, không thể di chuyển nên ông dành phần lớn thời gian để chăm vợ.
Chị bé Ba chia sẻ, càng trưởng thành, chị càng không tả hết được tình thương dành cho ba mẹ.
"Trước đây vì ba chưa hiểu nên chưa thể chấp nhận hai chị em tôi. Bỗng một ngày tôi lén nghe được ba nói với mẹ rằng "con thế nào thì vẫn là con mình", hai chị em tôi đã vỡ òa, nguyện làm tất cả để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của ba mẹ", chị Ba trải lòng.
Cô gái cho hay, từ nhỏ, hai chị em chỉ thích chơi với bạn nữ, thích thú vây quanh những con búp bê, dây thun chứ không phải rô-bốt hay đánh khăng, đánh đáo. Lớn lên, bé Hai và bé Ba cũng điệu đà hơn, bắt đầu tém gọn chân mày và để tóc dài.
"Ngày đó, mỗi đêm chúng tôi đều mơ có một ngày được làm con gái thiệt, được mặc bộ đầm công chúa và tự do cư xử nhẹ nhàng. Mỗi lần tỉnh mộng, chúng tôi chỉ biết úp mặt vào tường mà khóc", chị Ba kể.
Lớn lên, hai chị em đem lòng ngưỡng mộ những nữ ca sĩ trong đoàn lô tô, được trang điểm, mặc quần áo lộng lẫy. Vì thế, khi lên lớp 9, chị Hai đã bất chấp sự ngăn cản của gia đình mà theo đoàn, bắt đầu sự nghiệp đi hát.
Có lúc, chị từng nghĩ đến chuyện tự tử khi nhìn thấy ánh mắt thất vọng, chịu những trận đòn thấu xương của ba.
"Có lẽ trời thương, nên chị Hai đã vượt qua được. Thấy chị là người đồng tình, tôi lo sốt vó vì bản thân cũng như vậy. Sự áp lực dường như nhân đôi vì không biết phải nói với ba thế nào", chị Ba nói.
Không lâu sau, chị Ba vì học lực kém, cũng quyết định nghỉ học, theo đoàn lô tô đi kiếm tiền.
"Tôi hát không hay bằng chị Hai, nên người ta chỉ cho theo phụ chứ không được hát chính. Cát-xê thời đó chỉ 10.000 đồng, nhưng đổi lại tôi được sống là chính mình nên vui lắm", chị Ba bộc bạch.
Sau nhiều năm đấu tranh, thấy ba dần nguôi ngoai, cả hai mới quyết định rời đoàn lô tô, quay về buôn bán kiếm tiền lo cho gia đình.
Thời chưa có nhiều tiền nhưng khao khát làm con gái "cháy bỏng", cả hai tự mua thuốc uống để tăng hoóc-môn nữ. Đến khi dành dụm đủ tiền, hai "chị em" cũng được ba chở ra sân bay, sang Thái phẫu thuật chuyển giới.
Sau phẫu thuật, cả hai có cơ hội tìm tình yêu cho mình. Chị bé Ba bộc bạch, bản thân từng 2 lần đổ vỡ vì trái tim phụ nữ nhẹ dạ cả tin.
Nhưng đến nay, chị đã tìm được hạnh phúc đích thực cùng anh Lê Tuấn. Hằng ngày, buổi sáng anh Tuấn chạy xe ôm công nghệ, buổi tối về phụ vợ bán bánh rán.
"Năm 2016, tôi quen anh qua mạng, không nghĩ sẽ nghiêm túc vì vừa thất bại ở mối tình cũ. Nhưng anh ấy đối với tôi quá chân thành, thậm chí còn đích thân sang thưa với mẹ rằng muốn cưới tôi", chị bé Ba cười, nói.
Nói về chuyện tình của mình, chị Ba kể, thời gian đầu, gia đình anh Tuấn không chấp nhận, bởi anh là con trai duy nhất trong nhà.
"Lúc đó, nơi nào có tôi thì sẽ không có ba anh. Ngày chúng tôi tổ chức đám cưới, ba mẹ chồng không có mặt để chúc phúc. Nói không đau lòng thì chắc là nói dối", chị trải lòng.
Vài năm sau, khi thấy cặp đôi có cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc, ba chồng mở lời gọi chị Ba sang nhà ăn cơm. Bữa cơm đầu tiên chị được ăn với ba mẹ chồng sau nhiều năm làm đám cưới, hạnh phúc mà ngập nước mắt.
"Trong bữa cơm, tôi thấy ba ngại ngùng không nói. Nhưng sau đó, ông đã gọi tôi bằng hai từ "con dâu", tôi không tả nổi sự hạnh phúc trong mình", cô nói.
Giờ đây, ước mơ thời úp mặt vào tường mà khóc của chị Hai, chị Ba đã thành sự thật. Nhưng khi ngó thấy mái tóc ba đã bạc trắng, mẹ bệnh không thể đi lại bình thường, hai chị em lại phải ngước mặt lên trời để nước mắt không rơi.
"Thời gian trôi quá nhanh, chúng tôi tự trách mình vì không làm được nhiều thứ, cho ba mẹ có cuộc sống sung túc hơn. Có lẽ, chúng tôi là những đứa con hạnh phúc nhất vì được ba mẹ thấu hiếu, được sống là chính mình", chị Ba cười thanh thản.
Theo Dân Trí