Ông Lê Minh Hoàng (SN 1967, ngụ TP Hà Nội) là người được TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, giới thiệu với Chi cục Thủy lợi TP HCM bởi "có khả năng cầu mưa".
* Thông tin ông có khả năng "cầu mưa giải hạn" bị dư luận hoài nghi . Những ngày qua, ông và gia đình có bị ảnh hưởng bởi sự phản ứng của dư luận?
- Gia đình biết tôi đã đi giúp đỡ người dân từ lâu rồi nên không phản đối tôi. 20 năm nay, tôi đi nghiên cứu, hầu như gặp 100 người thì hết 100 người phản đối. Thế nhưng, sau nhiều lần cầu mưa thành công cho các địa phương thì người dân ở đó đều tin tưởng và ủng hộ khả năng của tôi.
Tôi muốn thưa chuyện với chính quyền nơi bị hạn hán để tôi giúp đỡ. Chứ tôi không tự đánh bóng tôi, không "tự cho tôi là thế này, tự cho tôi thế kia". Vì thương người dân vùng hạn hán quá nên tôi muốn đến đó để giúp đỡ.
* Với các văn bản gửi đi, đến nay ông đã nhận được sự phản hồi nào chưa?
- Sáng nay, chính quyền xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội cùng công an huyện có mời tôi lên làm việc.
Nguyên nhân là tôi đã cung cấp một số văn bản liên quan việc cầu nguyện cho lúa không bị ngã đổ tại xã này. Chính quyền xã cho rằng các nghiên cứu chưa được kiểm chứng thì không nên đưa lên mạng xã hội và báo chí, tránh gây hoang mang cho người dân.
Thông qua Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ, tôi gửi văn bản đến Chi cục Thủy lợi TP HCM và tỉnh Gia Lai. Đến nay, 2 đơn vị này đã phản hồi qua điện thoại cho tôi. Họ cho biết đã nhận được văn bản giới thiệu và đang xin ý kiến lãnh đạo, vì đây là vấn đề tương đối mới.
Ông Lê Minh Hoàng trả lời phóng viên Báo Người Lao Động
* Đến giờ này, ông vẫn mong muốn cầu mưa cho người dân TP HCM và các tỉnh phía Nam đang gặp hạn hán?
- Tôi vẫn muốn được cầu mưa để giúp đỡ bà con. Tôi mong chính quyền lẫn công an địa phương hỗ trợ để tôi được thực hiện việc này.
* Có ý kiến cho rằng nếu ông cầu nguyện được thì hãy âm thầm làm, đâu nhất thiết phải liên hệ với chính quyền địa phương. Ông nghĩ sao về điều này?
- Năm 2019, tôi có vào cầu mưa cho người dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Tôi chỉ vừa trao đổi với bà con xong và chuẩn bị cầu nguyện thì công an đến mời về làm việc.
Công an nói không được phép cầu mưa. Nếu muốn cầu mưa thì phải có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương, khi đó đơn vị sẽ cử người đến hỗ trợ. Nếu không có sự phối hợp với chính quyền địa phương thì công an sợ tôi gây rối trật tự.
Năm nay, tôi thấy bà con miền Nam gặp hạn hán và bị thiệt hại nặng nề. Tôi rất xót. Do đó, tôi đã liên hệ Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ để xin giấy giới thiệu. Điều này nhằm có đủ cơ sở khoa học và pháp lý để tiến hành cầu mưa.
* Ông hãy kể một số lần cầu mưa thành công của mình?
- Tôi đã cầu mưa nhiều lần và thành công. Điển hình như cầu mưa tại Bến Tre, Lâm Đồng. Lần gần đây nhất là vào năm 2023, tôi cầu mưa tại tỉnh Sơn La.
Sau lần cầu mưa đó, tỉnh này đã qua khỏi hạn hán, người dân có nước sinh hoạt, có nước tưới cho trồng trọt và cả thủy điện cũng có đủ nước để phát điện.
* Ngoài khả năng cầu mưa, ông thấy mình còn những khả năng đặc biệt nào khác?
- Ngoài khả năng cầu mưa, tôi còn nhiều khả năng đặc biệt khác. Chẳng hạn, tôi có thể cầu nguyện gió giảm cấp độ để cây trồng không bị ngã, gãy; bảng hiệu, mái nhà không bị cuốn bay.
Tôi cũng có thể cầu nguyện cho mưa đá giảm lại để không hư hại cây trồng, mái nhà; thậm chí là cầu nguyện để bão không vào đất liền...
Theo Người Lao Động