Nội dung chính

Cuộc họp báo bắt đầu từ 18h và kéo dài hơn một giờ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì. Cùng dự có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, UBND Hà Nội...

Tại buổi họp báo, chúng tôi đặt một số câu hỏi:

- Việc khởi tố, bắt giam Chủ tịch đương nhiệm của Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung được dư luận đặc biệt quan tâm. Xin đại diện Bộ Công an thông tin rõ hơn về sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung và mối liên quan của những sai phạm này với đại án Nhật Cường?

- Thực tế sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do sản phẩm pate Minh Chay, chưa có cá nhân, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm. Xin hỏi đại diện 3 Bộ Nông nghiệp, Công Thương và Y tế, cá nhân nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm về vụ việc trên và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm? Việc quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thống nhất thuộc về cơ quan nào?

Ai chịu trách nhiệm vụ pate Minh Chay?

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tùy mỗi sản phẩm thực phẩm sẽ có các cơ quan quản lý tương ứng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết theo Nghị định 15/2018, Chính phủ giao 3 bộ phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, mỗi bộ lại phụ trách quản lý một nhóm hàng khác nhau.

Ví dụ, Bộ Y tế quản lý thực phẩm chức năng, phụ gia, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên… Bộ Công Thương quản lý các sản phẩm rượu bia, nước giải khát, sữa, tinh bột, mứt… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý các sản phẩm sản xuất, chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như thịt, thủy sản, rau củ quả, trứng…

Ông Cường cũng nhấn mạnh Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho Công ty TNHH Hai thành Viên Lối Sống Mới, sản xuất ra sản phẩm pate. Sản phẩm pate cũng do công ty này công bố.

Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu mật vụ Nhật Cường

Trả lời câu hỏi về việc khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch đương nhiệm của Hà Nội, thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) cho biết ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng với ông Chung để điều tra tội Chiếm đoạt tài liệu Bí mật Nhà nước. Trước đó, Bộ Công an cũng thông tin ông Chung liên quan 3 vụ án.

Về vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật, cơ quan điều tra đã chứng minh có hành vi chiếm đoạt một số tài liệu bí mật, trong đó tài liệu mật liên quan vụ Nhật Cường.

Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu mật vụ Nhật Cường-1
Ông Nguyễn Đức Chung. 

Theo ông Xô, Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để buôn lậu 260.000 sản phẩm điện thoại và các thiết bị với giá trị 3.236 tỷ đồng. Ngoài ra, Huy còn lập sổ sách kế toán che giấu hành vi phạm tội nhằm trốn thuế với số tiền khoảng 30 tỷ.

Qua điều tra, cơ quan điều tra thấy rằng có gói thầu số hóa của Sở KH&ĐT Hà Nội, cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về đầu thầu gây thiệt hại 19,8 tỷ đồng. Việc này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung trên cương vị Chủ tịch Hà Nội.

Về vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP Hà Nội, ông Xô cho biết quá trình triển khai và thực hiện xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C, TP Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với đối tác ở Đức. Họ đã nghiên cứu và sản xuất hóa chất này riêng cho Hà Nội sau khi nghiên cứu đặc tính sông, hồ Hà Nội.

Hà Nội đã sang đây làm việc, nếu ký trực tiếp với công ty này thì rất bình thường nhưng quá trình mua sản phẩm lại ký qua một đại lý khác, quá trình điều tra xác định việc này gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng. Với vai trò là Chủ tịch Hà Nội, ông Chung có một phần trách nhiệm ở đây. Còn trách nhiệm đến mức nào cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ.

Chiếm đoạt hơn 10 tỷ từ nâng khống thiết bị y tế

Trả lời về vụ nâng khống thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định có một số cá nhân của Công ty cổ phần công nghệ y tế và Công ty Cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.

Cụ thể, trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận hệ thống hỗ trợ phẫu thuật thần kinh nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT). Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau, nâng khống giá hệ thống lên 39 tỷ và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

“Giá hệ thống robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy mỗi ca bệnh hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai 39 tỷ đồng thì người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch hơn 18 triệu đồng/ca”, ông Xô thông tin.

Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu mật vụ Nhật Cường-2
Thiếu tướng Tô Ân Xô.

Trong các năm từ 2017 đến 2019, Bệnh viện Bạch Mai thanh toán tổng cộng 550 ca, chi phí chênh lệch các đối tượng hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh hơn 10 tỷ đồng. Theo người phát ngôn Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm. Ông Xô cũng lưu ý không nên suy diễn trong vụ việc này mà để cơ quan công an làm rõ.

Kiểm soát được dịch là điều kiện quan trọng phục hồi kinh tế

Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết Chính phủ vừa dành trọn một ngày đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và sự tham gia của hệ thống chính trị, cùng sự đồng tình cao của người dân, doanh nghiệp trong cuộc chiến chống Covid-19, ông Dũng khẳng định việc này đã góp phần tạo nên thành công trong phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam.

“Điểm nổi bật đầu tiên là công tác chống dịch có hiệu quả cao, các ổ dịch được kiểm soát, khoanh vùng, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu mật vụ Nhật Cường-3
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Theo ông, đây là điều kiện quan trọng để phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm và lấy lại đà tăng trưởng năm 2020. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế thế giới liên tục tăng trưởng âm, dễ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không kiềm chế được dịch Covid-19.

Người phát ngôn Chính phủ cũng dẫn nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam được nhận được là nền kinh tế tăng trưởng dương, sức khỏe nền kinh tế tốt, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi, có nền tài chính khỏe mạnh. Theo nhận định của một số định chế tài chính, nếu cố gắng Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% năm 2020.

Song song với đó, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Mặt bằng lãi suất và tỷ giá thị trường ổn định. Ngân sách Nhà nước 8 tháng bằng 58,3% so với kế hoạch dự toán nhưng khoản chi ngân sách tăng vì vừa qua phải giải quyết rất nhiều vấn đề cấp bách như dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19

Giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục

Một điểm sáng nữa được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất của giai đoạn 2016-2020 sau hàng loạt động thái chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo kiên quyết điều chuyển vốn với những nơi không chịu giải ngân. Công tác triển khai thu hút vốn đầu tư nước ngoài dù năm nay khó khăn vẫn thu hút được 19,5 tỷ USD vốn FDI.

Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế, có thể giữ đà tăng trưởng trong năm nay với mức 2,6-2,8%. Riêng xuất khẩu nông nghiệp năm nay phấn đấu cao hơn năm ngoái với khoảng 41 tỷ USD. Ông Dũng thông tin sang tuần tới sẽ xuất lô gạo đầu tiên, loại gạo ngon nhất sang thị trường châu Âu với mức giá cao. Đây được nhìn nhận là một thị trường tiềm năng.

Xây dựng một nền kinh tế tự chủ

Kết luận phiên họp Chính phủ cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép và quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất có thể, tuy nhiên, không được chủ quan với dịch bệnhĐặc biệt, Thủ tướng lưu ý phải chú trọng xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước.

Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa 100 triệu dân. Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

Ông giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, IV, cả năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5%.

Theo Zing