- Nhớ lại khoảnh khắc biết mình được làm mẹ, chị có cảm xúc thế nào?
Mừng chứ. Tôi mừng lắm nhưng vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì mọi chuyện đã diễn ra đúng kế hoạch. Hai vợ chồng mong có con trong năm 2022 và "thả" được gần hai tháng là đã "dính". Nhưng lo vì áp lực kinh tế.
Hơn một năm qua, Covid-19 khiến công việc của chúng tôi không ổn định. Nếu sinh con trong giai đoạn tài chính dồi dào, chắc chắn tinh thần của tôi sẽ tốt hơn. Và chúng tôi cũng có điều kiện lo cho con những gì tốt nhất. Làm mẹ, điều tôi sợ là con bị thiệt thòi.
Còn anh Trung thì rất ngỡ ngàng. Anh ấy bất ngờ vì không hiểu sao lại có bầu sớm thế. Nhìn vào những cặp vợ chồng khác, họ lên kế hoạch vài tháng đến một năm mới đậu thai. Trong khi đó, chúng tôi vừa quên đi ít hôm đã thấy tin vui. Chưa kể, trước đây tôi còn nghĩ cơ thể của mình rất khó có con.
Phạm Lịch khoe bụng bầu.
- Điều gì khiến chị nghĩ bản thân khó có con?
Tôi từng điều trị u nang tử cung và được bác sĩ cảnh báo là ảnh hưởng đến xác suất thụ thai. Chuyện đó cách đây vài năm rồi. Khi tôi vừa kết thúc buổi tập thì đau bụng dữ dội. Cảm giác rất khó chịu, khiến tôi dường như mất hết sức lực. Tôi đi khám mới phát hiện mình bị u nang tử cung.
Lúc ấy, cái nang đã vỡ, gây nhiễm trùng nên phải phẫu thuật gấp. Bác sĩ còn nói nếu chậm trễ, tôi có thể bị ung thư tử cung và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Ca phẫu thuật lần đầu thành công nhưng sáu tháng sau, tôi bị tái phát. May mắn tôi phát hiện sớm nên xử lý nhanh chóng. Dù chữa khỏi, tôi vẫn rất căng thẳng và mặc cảm rằng mình có bệnh, không dễ mang thai như các bà mẹ khác. Vậy nên, con đến với tôi sớm quả là điều diệu kỳ.
- Khi biết chị gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản, ông xã và gia đình chồng chị nói gì?
Tôi chữa bệnh khi mới quen anh Trung. Lúc đó, cả hai thực sự chưa xác định gì. Sau này, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng ốm đau là chuyện ai cũng phải gặp, nên không chia sẻ sâu, cũng không cho đó là rào cản để mình tự ti trước người kia. Nhưng tôi suy nghĩ về việc có con trước đám cưới để chắc chắn cho mình và cả anh ấy.
Gia đình hai bên thì không biết chuyện này. Tôi không muốn phiền hà, sợ mọi người lo lắng nên chủ động giải quyết một mình. Tôi không sợ bệnh tật. Chỉ thấy nó gây ảnh hưởng công việc thì khó chịu chút thôi.
- Cơ thể chị thay đổi ra sao trong những tháng đầu thai kỳ?
Tôi cũng như các mẹ bầu khác, bị nghén. Quá trình nghén của tôi diễn ra từ sau lần khám thai đầu tiên cho đến hết tháng thứ ba của thai kỳ. Tôi mệt, không ăn uống gì và nôn ói. Có hôm, tôi nằm trên giường cả ngày mà chẳng làm được gì. Rồi tôi nghĩ: "Sao có con cực quá vậy?".
Vì mệt nên tôi cũng dễ cáu, nóng nảy, khó kiểm soát cảm xúc. Anh Trung bảo tôi như thể "sẵn sàng chiến tranh với cả thế giới". Mỗi khi gặp chuyện trái ý, tôi khó chịu lắm nhưng lại tự nhủ mình đang trong giai đoạn bất ổn, cần suy nghĩ tích cực. Cũng may, nhà chỉ có hai vợ chồng nên tôi không va chạm với nhiều người.
Mùa này, Hà Nội lạnh quá. Tôi ngạt mũi và đau họng nên phải test Covid-19 liên tục. Tôi muốn chụp ảnh kỷ niệm cũng chưa đi được, vì mệt và cứ vài hôm lại ốm vặt.
Phạm Lịch trong những tháng đầu của thai kỳ.
- Chị bổ sung dinh dưỡng thế nào?
Suốt ba tháng đầu, tôi chỉ uống sữa. Phải sang tháng thứ bốn, tôi mới tập ăn nhưng cũng từ từ vì cơ thể vẫn chưa tiếp nhận được. Ôi! Nhắc lại thật đáng sợ.
Với tôi lúc đó, ăn uống là trách nhiệm nặng nề và áp lực. Tôi còn bị chứng đau bảo tử hành hạ. Khi mang bầu, dường như các triệu chứng trào ngược thể hiện rõ rệt nhất.
Hiện tại, khi ở tháng thứ sáu, tôi lại chuyển sang giai đoạn ăn ngon miệng quá. Tôi ăn được nhiều và biết thèm một số món, nhưng hầu hết là đồ bình dân chứ không đắt đỏ, quý hiếm.
- Chị nhận được sự chăm sóc thế nào từ ông xã và gia đình khi mang thai con đầu lòng?
Trước đám cưới, chúng tôi sống hai nơi còn hiện tại, tôi ra Hà Nội để ủng hộ anh Trung xây dựng công việc. Vì hai đứa ở riêng nên chủ động xoay xở cuộc sống, kể cả việc chăm sóc sức khỏe khi mang bầu.
Khi tôi nghén, anh Trung nấu nướng những món đơn giản vì lúc ấy, tôi cũng không ăn được. Còn sau này khỏe hơn, tôi thích ăn gì sẽ tự vào bếp. Tôi nghĩ có bầu cần vận động nhẹ nhàng hơn là nằm cả ngày. Hơn nữa, mình phải biết chăm sóc bản thân thì sau này mới lo cho con được.
- Ở trên, chị nhắc về những áp lực tiền bạc khiến cả hai vợ chồng đều trăn trở. Chị dự định làm gì để cải thiện thu nhập, chuẩn bị nguồn kinh tế ổn định cho hành trình nuôi con?
Đó vẫn là vấn đề khiến chúng tôi rất căng thẳng. Năm qua, thu nhập của hai đứa sụt giảm, cộng với một khoản lớn thất thoát do tập tành đầu tư nhưng không thành, nên tiền tích cóp chẳng còn nhiều.
Chắc chắn sắp tới, hai vợ chồng sẽ phải cố gắng nhiều hơn. Nhưng chúng tôi nhắc nhau rằng không được để tiền bạc trở thành nguyên nhân gây ra xích mích. Phải tin tưởng nhau hơn, lấy em bé làm động lực để cố gắng làm việc.
Trước đây, chúng tôi rất tự tin vì cả hai đều chủ động tài chính. Nhưng bây giờ bên cạnh lo cho mình, hai đứa phải lo cho con, nên không dám nói trước điều gì.
Phạm Lịch và chồng - vũ công Toàn Trung - đón Valentine bên nhau.
Phạm Lịch sinh năm 1990, quê Thái Bình nhưng lập nghiệp tại TP HCM. Cô từng làm nhiều công việc tay chân trước khi trở thành vũ công chuyên nghiệp.
Phạm Lịch yêu Nguyễn Toàn Trung cách đây ba năm, trong đó có hai năm yêu xa. Cô nhận lời cầu hôn của anh trong dịp kỷ niệm hai năm yêu. Cả hai đăng ký kết hôn năm 2021, đến năm 2022 tổ chức đám cưới.
Theo Ngoisao.net