Trào lưu chế nhạc không phải là vấn đề mới nhưng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của TikTok, nó nhanh chóng trở nên phổ biến hơn. Cũng từ đó, nhiều trào lưu ra đời gây nhức nhối, bức xúc trong cộng đồng mạng.
Trước khi trở thành chủ đề khiến dư luận xôn xao, chỉ trích, nhiều ca khúc nhạc chế có được sự chú ý nhất định, cho thấy sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ.
Mới đây, một tài khoản TikTok đăng tải video về buổi liên hoan ăn uống của nhóm bạn. Trong cuộc vui, nhóm này đã chế bài thơ Nam quốc sơn hà thành hô cụng ly.
Clip chế lời bài thơ "Nam quốc sơn hà" trên bàn nhậu gây bức xúc trong cộng đồng mạng. (Ảnh: TikTok NV).
Theo đó, những câu thơ trong bài Nam quốc sơn hà bất ngờ bị chế thành "bài thơ đi nhậu" khiến dân mạng phẫn nộ.
Bài thơ của Lý Thường Kiệt được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền lãnh thổ dân tộc đang bị chế khá phản cảm.
Phần lớn dân mạng cho rằng, việc xuyên tạc lịch sử, chế thơ ca, văn học như vậy là không nên, có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ và các em nhỏ có thể học theo.
Một người bình luận: "Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên mà bị đem ra làm trò đùa".
"Phải phạt mạnh tay với những người như vậy", người khác nói.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện này xảy ra. Với sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, hàng loạt bài thơ văn hay ca khúc ý nghĩa đã bị chế thành nội dung thô tục, phản cảm.
Trước đó, trên TikTok lan truyền một đoạn video về bài thơ Lượm bị chế thành bản nhạc với những câu từ lệnh chuẩn. Clip này nhanh chóng thu hút hơn 25 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn bình luận.
Nhiều người bày tỏ thái độ bức xúc và phẫn nộ với hành động trên. Bởi hình tượng chú bé Lượm trong bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu là đại diện cho tầng lớp thanh niên tham gia cách mạng, chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc.
Một hình ảnh hết sức đẹp đẽ, thiêng liêng lại bị chế thành lời bài hát nhảm nhí, vô nghĩa, thậm chí mang tính xúc phạm. Càng bức xúc hơn khi bản nhạc chế này lại được không ít bạn trẻ hưởng ứng.
Một số câu trong bản nhạc chế từ bài thơ Lượm:
"Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu cắt moi"…
Bên cạnh phần lời, hình ảnh trong video cũng được đánh giá là gây mất thiện cảm. Học sinh còn đang ngồi trên ghế trường tạo dáng gợi cảm quá mức, không phù hợp với lứa tuổi.
Phía dưới clip, rất nhiều bình luận "ném đá" trào lưu này.
Một dân mạng cho rằng: "Những nội dung như vậy mà cũng lên xu hướng. Nhận thức của một bộ phận giới trẻ ngày nay nguy hiểm thật".
"Không hiểu giới trẻ ngày nay nghĩ gì mà cứ mang cái đấy ra làm trò, nghĩ là thế nào cũng được", người khác nhận định.
Cách đây không lâu, bản nhạc chế Doraemon của Lê Dương Bảo Lâm bị đánh giá là xúc phạm câu chuyện tuổi thơ của nhiều người. Tiếng cười dễ dãi, đôi khi là "xàm", nhanh chóng được trẻ nhỏ học thuộc lòng và bắt chước theo.
Đoạn nhạc có nội dung: "Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu, còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng thì Nobito chào đời".
Lê Dương Bảo Lâm bị lên án vì xuyên tạc bộ truyện tranh nổi tiếng "Doraemon" (Ảnh: Chụp màn hình).
Mặc cho nội dung hoàn toàn sai lệch, Lê Dương Bảo Lâm vẫn hát ca khúc nhiều lần trên các chương trình truyền hình. Sau khi bị lên án, nam diễn viên đã chỉnh sửa lời nhạc theo đúng nội dung của bộ truyện tranh đình đám Nhật Bản.
Trong cuộc họp tại Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 6/4, ông Lê Quang Tự Do - Cục Trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết, để theo kịp thị hiếu người dùng, TikTok đã dùng một phần mềm tạo "trend" nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.
"Có những trend ở nước ngoài tạo thành xu hướng, khi đến với Việt Nam, chúng tôi yêu cầu TikTok ngăn chặn, nhưng họ không thể nên đã trở thành trend tại Việt Nam", ông Tự Do chia sẻ.
Trong số đó, có những trào lưu nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng như: Trend đưa em bé đút đầu vào ống cống, nhảy xuống đường chạm đầu xe tải... khiến nhiều trẻ nhỏ ở Việt Nam học theo.
"TikTok dường như đã bỏ qua và cảm thấy mình không có trách nhiệm phải ngăn chặn điều này", ông Tự Do kết luận.
Có thể thấy hiện nay, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, các trào lưu xấu, độc hại đang dần len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống. Chúng gây ảnh hưởng xấu và làm sai lệch nhận thức trong một bộ phận giới trẻ.
Những nội dung bẩn, "rác phẩm" như vậy cần được loại bỏ càng sớm càng tốt để tránh hệ lụy không đáng có.
Theo Dân Trí