Phản ứng trái chiều về phim Trịnh Công Sơn

Hai tác phẩm tái hiện chân dung, cuộc đời của người nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã và đang nhận nhiều phản ứng trái chiều từ khán giả yêu phim.

Những khán giả mộ điệu nhạc Trịnh đã chờ đợi hơn hai năm để có thể chiêm ngưỡng hình ảnh người nhạc sĩ tài ba của Việt Nam bước lên màn ảnh rộng. Ngay từ khi công bố dự án, Em và Trịnh đã trở thành tựa phim đầy kỳ vọng, với mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng (theo công bố từ nhà sản xuất).

Trước ngày phát hành, nhà sản xuất bất ngờ công bố phát hành song song hai bản phim mang tên Em và Trịnh (136 phút) cùng Trịnh Công Sơn (95 phút). Đây là câu chuyện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của điện ảnh Việt Nam.

Không chỉ gây tranh cãi từ khâu phát hành, sau gần một tuần công chiếu, chất lượng phim cũng nhận không ít phản ứng trái chiều từ công chúng.

Phản ứng trái chiều về phim Trịnh Công Sơn-1

Phim đầy rẫy sạn

"Em và Trịnh giống như một MV ca nhạc bị cắt ghép nham nhở, thất bại trong mọi mục tiêu mà nó hướng đến. Chẳng hề mang đến câu chuyện lãng mạn và cũng không miêu tả được chân dung hay âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Thậm chí phim còn giống đang bêu xấu vị nhạc sĩ tài danh này. Mọi khâu của bộ phim đều ở dưới mức trung bình, từ đạo diễn đến dựng phim, cả âm nhạc, nhưng tệ nhất và chịu trách nhiệm lớn nhất là kịch bản", tác giả Phan Cao Hoài Nam mở đầu bài viết của mình khi đánh giá tác phẩm Em và Trịnh.

Theo tác giả, bộ phim đầy rẫy "sạn", có thể kể đến từ kịch bản phim ôm đồm, chi tiết rời rạc, thiếu sự kết nối. Diễn xuất của Avin Lu trong vai Trịnh Công Sơn quá mờ nhạt, không thể bật nổi lên chân dung của vị nhạc sĩ tài danh. Ngoài ra, nhiều đoạn tư liệu về chiến tranh đột ngột chèn vào mạch phim tạo cảm giác khiên cưỡng, không phù hợp.

Phản ứng trái chiều về phim Trịnh Công Sơn-2

Giống Hoài Nam, nhiều khán giả mê phim, yêu nhạc Trịnh cùng chung nhận xét khi theo dõi hai tác phẩm phát hành song song.

Điều khiến khán giả Nguyễn Lan Anh (đến từ Huế) băn khoăn đến từ việc các diễn viên trong phim nói giọng Huế không giống ngoài đời. Đặc biệt, nhân vật chính là Trịnh Công Sơn (Avin Lu thủ vai) trong một số phân đoạn còn nói giọng Bắc khiến người xem cảm giác hụt hẫng, khó thuyết phục.

"Ngay từ khi công bố dàn diễn viên, tôi đã thấy Avin Lu không phải là lựa chọn phù hợp. Tạo hình của nam diễn viên này nhìn qua đã không thấy có nét nào giống với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và khi phim công chiếu, nhìn nhận của tôi về diễn viên này vẫn không hề sai. Đài từ kém, diễn xuất còn nhiều hạn chế, thậm chí những nét biểu cảm trên khuôn mặt cũng sống sượng", tài khoản @vuquang bình luận.

Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, khán giả cũng bình luận sôi nổi về những điểm được cũng như hạn chế của tác phẩm.

Trong đó, người hâm mộ tập trung nhận xét về việc nhà sản xuất chiêu trò khi công chiếu một lúc hai bản phim cùng chung kịch bản, góc nhìn. Phim Trịnh Công Sơn thậm chí được xem là bản thu gọn của Em và Trịnh, không tạo ra sự khác biệt như lời gợi mở ban đầu từ ông Lương Công Hiếu, đại diện phía sản xuất. Nhiều người hâm mộ sau khi ra rạp còn không biết mình đang xem Trịnh Công Sơn hay Em và Trịnh.

Phản ứng trái chiều về phim Trịnh Công Sơn-3

Họ cho rằng nhà sản xuất, phát hành tính đến bài toán về doanh thu mà không chú trọng chất lượng phim. Để rồi, kết quả cuối cùng là một trong hai bản thất thu và buộc phải rời rạp từ ngày 17/6.

Theo khán giả Phan Lộc (35 tuổi), hạn chế lớn nhất của phim là kịch bản còn rối rắm, tham lam về chi tiết. Cụ thể, những mối tình giữa Trịnh Công Sơn và các người đẹp như Dao Ánh, Michiko, Bích Diễm... không tạo ra sự sâu sắc hoặc cảm xúc day dứt, thu hút cho người xem.

Một số chi tiết khác như ánh mắt đờ đẫn của nhân vật chính khi thấy Bích Diễm, Dao Ánh rồi Thanh Thúy, cảnh cha của Dao Ánh nói với con gái về Trịnh Công Sơn trước chuyến tàu hoặc các em gái của nhạc sĩ núp sau cửa sổ để theo dõi anh trai và Dao Ánh tâm tình đều khiến người xem có cái nhìn khác (theo hướng tiêu cực) về nghệ sĩ Trịnh Công Sơn.

Ngoài ra, kết của phim cũng bị chê gượng ép, hụt hẫng và không thỏa mãn số đông khán giả.

Điểm sáng hiếm hoi

Những lời khen của khán giả dành cho phim chủ yếu đến từ sự đầu tư về bối cảnh, trang phục và nhạc phim.

Tài khoản @nguyenhuong nhận xét sự đầu tư khoảng 50 tỷ đồng của nhà sản xuất dành cho hai bộ phim là hoàn toàn phù hợp. Những khung cảnh xứ Huế trong cơn mưa, con đường rợp bóng cây xanh, căn nhà cũ của cố nhạc sĩ, không gian núi rừng bao la hùng vĩ, ngôi nhà lụp xụp của thầy giáo Trịnh hay mái trường với những học sinh nơi miền núi, các tụ điểm âm nhạc... đều được đạo diễn, nhà sản xuất tái hiện công phu, đầy chất thơ.

Trang phục của dàn diễn viên cũng được chú trọng để phản ánh một phần công việc, tính cách và trải dài theo tuyến tính thời gian. Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, ê-kíp sử dụng 700 bộ phục trang với 3.000 diễn viên quần chúng.

Phản ứng trái chiều về phim Trịnh Công Sơn-4

Đặc biệt, nhân vật Trịnh Công Sơn được tái hiện trải dài 3 thập kỷ, đòi hỏi sự kỹ lưỡng về phục trang, tạo hình. Nhà thiết kế Thủy Nguyễn - phụ trách phần trang phục cho phim - phải thốt lên: "Chưa bao giờ có nhân vật nào nhiều phục trang như Trịnh Công Sơn".

Về phần âm nhạc, dưới bàn tay của nhạc sĩ Đức Trí mang lại màu sắc mới mẻ cho nhạc Trịnh qua giọng hát của Bùi Lan Hương, Avin Lu. Âm nhạc hòa hợp với cảnh phim, tạo độ chân thực, sâu lắng.

Khán giả mê nhạc Trịnh có cơ hội thưởng thức nhiều nhạc phẩm trường tồn với thời gian và đầy tính triết lý.

Bên cạnh đó, diễn xuất của Hoàng Hà (vai Dao Ánh) và Bùi Lan Hương (vai Lệ Mai) nhận nhiều lời khen.

"Em Dao Ánh là gương mặt sáng của phim. Diễn xuất thông minh và tự nhiên. Mỗi cảnh em xuất hiện là sáng bừng. Mình thích cách diễn của em Ánh. Là gương mặt mới nhưng nhiều tiềm năng. Điện ảnh cần những gương mặt và nét diễn xuất này", đạo diễn Bảo Nhân nhận xét.

Nói về diễn xuất của Bùi Lan Hương, anh chia sẻ: "Bùi Lan Hương diễn như không diễn. Hương có đôi mắt như chứa bầu trời cảm xúc bên trong. Là ca sĩ đóng phim duy nhất mà khán giả không nhiều nghi ngại. Bùi Lan Hương nghiêm túc và có suy nghĩ rõ ràng cho vai diễn của mình".

Phim có đạt mốc doanh thu 100 tỷ đồng?

Tính đến ngày 15/6, Em và Trịnh ghi nhận mức doanh thu hơn 23 tỷ đồng, theo thống kê từ Box Office Vietnam. Còn Trịnh Công Sơn chỉ đạt trên 1,6 tỷ đồng và sẽ rời rạp chiếu từ ngày 17/6.

Như vậy, kế hoạch của nhà sản xuất để cải thiện doanh thu từ việc đưa hai tác phẩm phát hành song song đã đổ bể. Thời gian tới, nhà rạp sẽ tập trung suất chiếu cho Em và Trịnh.

Đại diện của Lotte Cinema kỳ vọng phim sẽ có mức doanh thu trên 100 tỷ đồng sau khi rời rạp.

"Lượng khách đến rạp mua vé xem phim Em và Trịnh vẫn tăng theo từng ngày. Chúng tôi đang tăng cường suất chiếu cho tác phẩm. Hy vọng bộ phim có doanh thu vượt 100 tỷ đồng, tạo ra cú hích cho phim Việt trong thời gian tới", ông Đoàn Thạch Cương - Giám đốc kinh doanh của Lotte Cinema cho biết.

Phản ứng trái chiều về phim Trịnh Công Sơn-5

Cùng quan điểm, đại diện của Galaxy chia sẻ để có thể hòa vốn, tác phẩm Em và Trịnh phải có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Nhà rạp cũng kỳ vọng đứa con tinh thần của Phan Gia Nhật Linh tạo ra con số doanh thu lớn, tiếp thêm động lực cho nhà rạp lẫn giới làm phim trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.

"Phim đầu tư quá nhiều công sức, tiền bạc, mồ hôi. Cả giới làm phim đang nhìn vào tác phẩm này để mạnh dạn đầu tư lớn vào những dự án tương tự. Đây là canh bạc quá lớn khi tái hiện một chân dung nghệ sĩ có thật. Ai cũng mong phim thắng", người này tiết lộ.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt, anh cho rằng căn cứ vào doanh thu hiện tại, số suất chiếu, Em và Trịnh chỉ có thể đạt mức doanh thu khoảng 70 tỷ đồng.

"Đối tượng khán giả của bộ phim không phải đại chúng. Tôi nghĩ để tạo ra sự đột biến về doanh thu hoặc cột mốc 100 tỷ đồng là rất khó", anh nói thêm.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/phan-ung-trai-chieu-ve-phim-trinh-cong-son-post1326574.html

trịnh công sơn

Tin tức mới nhất