Hiện tại loại bánh bao này được phân phối chủ yếu tại chuỗi cửa hàng tiện ích Hoa Nhuận và Hoa Liên ở Bắc Kinh và là món ăn rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, qua điều tra của các phóng viên mới đây, sự thật kinh khủng bên trong quy trình chế biến loại bánh này đã bị phơi bày. Đó là ngoài chứa nhân thịt lợn và bắp cải thì bánh bao này còn kết hợp cả một số lượng lớn “thịt giả”.
Theo lời những người trực tiếp làm bánh, “thịt giả” thực chất là một loại chất lạ giống như “hạt đậu” và có thành phần như protein của đậu nành, không phải là thịt thông thường. Nhưng các siêu thị phân phối loại bánh bao thịt lợn nhồi bắp cải không hề thông báo cho người tiêu dùng biết là bánh có chứa “thịt giả”. Hơn nữa, tại thời điểm bán bánh, siêu thị cũng không ghi rõ địa chỉ cụ thể, ngày sản xuất, hạn sử dụng và các thông tin cần thiết khác của một sản phẩm.
1,4 kg thịt trộn với 2 kg “thịt giả”
Một phóng viên đã bí mật đột nhập vào nơi sản xuất bánh bao của một tiệm bánh. Trong cửa hàng những nguyên liệu được gọi là “thịt giả” được sử dụng rộng rãi.
Vào ngày 14/10, công nhân tại đây bắt đầu sản xuất ra 600 chiếc bánh bao nhân thịt nhồi bắp cải. Sau khi bắp cải và hành lá được thái nhỏ, phóng viên đã rất ngạc nhiên khi những người công nhân làm bánh chỉ sử dụng 1,4 kg thịt lợn cho 600 chiếc bánh bao.
Người phóng viên này hỏi một người làm bánh rằng tại sao lại sử dụng số lượng thịt quá ít như vậy. Người này nói rằng ngoài số thịt lợn này họ còn trộn lẫn với cái khác nữa.
Sau đó, nhân viên ra nhà kho lấy một túi lớn đựng một thứ ở dạng hạt màu nâu. Phóng viên quan sát cẩn thận và nhận thấy: Những hạt này có màu nâu, kích thước nhỏ giống như một mảnh của móng tay và có một chút mùi hương. Khi nếm thử, phóng viên nhận thấy rằng không có hương vị đặc biệt nào.
Cận cảnh "thịt giả" được dùng để làm nhân bánh bao.
Người phóng viên này hỏi đó là hạt gì thì nhận được câu trả lời rằng: hạt màu nâu này là “protein thực vật” hay công nhân ở đây thường gọi là “thịt giả”. Sau đó người lao động bỏ 2 kg thịt giả vào một bồn nước lớn và đổ nước ấm vào đó.
Sau khi đổ nước ấm vào xong, “thịt giả” trương lên và đổi màu, trở thành màu giống màu thịt thông thường. Người công nhân nói rằng, đổ “thịt giả” vào chậu nước sẽ làm cho khối lượng “thịt giả” từ 2kg tăng lên đến 4,8 kg.
Thịt giả được trộn lẫn với các nguyên liệu khác để làm thành chiếc bánh bao "thứ thiệt".
Người sản xuất chỉ cần dùng 1,4 kg thịt và 2 kg "thịt giả" để làm ra 600 bánh bao nhân thịt lợn nhồi bắp cải.
Sau đó, họ trộn “thịt giả” với các nguyên liệu làm bánh khác. Khi phóng viên hỏi những người ăn phải “thịt giả” này có thể cảm nhận được vị khác lạ hay không? Cô công nhân làm bánh trả lời: “Thịt này trộn chung với mỡ lợn và các thành phần khác cùng hỗn hợp các loại gia vị nên khó có thể nhận ra sự khác lạ”.
Ngay sau đó, bánh bao chứa “thịt giả” được đem đi đóng gói và vận chuyển đến các cửa hàng để bán cho người tiêu dùng.
"Thịt giả" có nguồn gốc từ đâu?
Để hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất bánh bao giả, phóng viên đã chờ đợi cho đến công đoạn bánh bao được hấp lên. Nếm một chiếc thì thấy từ màu sắc đến hình dáng của nó đều không có gì khác biệt với bánh bao thật. Tuy nhiên nhân thịt của nó mềm hơn và dễ bị vụn hơn vì các miếng thịt giả là những khối mềm sẽ dễ bị tách ra. Ngoài ra quan sát kỹ sẽ thấy những lỗ nhỏ trên các hạt nhân thịt giả.
Chiếc bánh bao chứa "thịt giả" trông bề ngoài giống y hệt bánh bao thật.
Các công nhân làm bánh nói rằng: “Bánh này được pha trộn tốt để người ăn không thể phát hiện ra sự bất thường để mà than phiền”. Tuy nhiên khi phóng viên hỏi nguồn gốc thịt giả này lấy ở đâu thì công nhân không biết. Ngày hôm sau, các phóng viên vào nhà kho của xưởng tìm thấy một số lượng lớn thịt giả chưa qua ngâm nước. Trên bao bì ghi “Protein thực vật” với nhà sản xuất là công ty trách nhiệm hữu hạn TU Food ở Bắc Kinh.
Tiếp tục điều tra các phóng viên biết rằng TU Food là một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chay. Liên hệ với doanh nghiệp này, người ta cho biết cái gọi là thịt giả thực chất là một loại chế phẩm đậu nành.
Hầu hết các bánh bao sử dụng loại nhân làm bằng thịt giả này hiện nay đang được tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng tiện ích Hoa Nhuận và Hoa Liên ở Bắc Kinh và bán rất chạy. Theo các nhân viên bán hàng của siêu thị, bánh bao được làm từ sáng sớm và chỉ đến khoảng 10 giờ là bán hết không còn chiếc nào.
Những chiếc bánh bao bán ở siêu thị có nhân thịt giả.
Để kiểm chứng, các phóng viên điều tra đã mua một hộp bánh bao dạng này với nhân ghi là thịt lợn nhồi bắp cải. Khi bẻ bánh ra để xem thì thấy rằng nhân của nó với loại nhân bánh bao giả mà phóng viên đã thấy tại nhà máy trước đây chính là một. Vụ việc hiện đang gây chấn động dư luận Trung Quốc.
Theo Afamily/ Trí thức trẻ