Cá “đi bộ” và khỉ cứ gặp mưa là hắt hơi là 2 trong số 200 loài động vật mới được phát hiện ở khu vực phía đông dãy Himalaya. Những loài sinh vật mới này sống sâu trong rừng, thung lũng và các hồ nước.

Quỹ động vật hoang dã thế giới WWF thông báo: "Trong vòng 5 năm qua, đã có 133 loài thực vật, 25 loài cá, 10 loài lưỡng cư, 1 loài bò sát, 1 loài chim và 1 động vật có vú đã được phát hiện tại khu vực trên thuộc địa phận các quốc gia Nepal, Bhutan, bắc Myanmar, miền nam Tây Tạng và đông bắc Ấn Độ.
 
Loài cá nóc xanh có khả năng thở và sống trên mặt đất suốt 4 ngày, di chuyển được trên đất ẩm.

Loài vật kỳ lạ nhất trong số những sinh vật mới là loài cá nóc xanh “đi bộ”, được tìm thấy trong đầm lầy Lefraguri, Tây Bengal, Ấn Độ. Loài cá này có thể thở không khí và sống trên mặt đất 4 ngày. Ngoài ra, chúng có thể di chuyển trên đất ẩm với quãng đường lên đến 400 mét.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện loài khỉ Rhinopithecus, hay còn gọi là khỉ hắt hơi ở vùng rừng Myanmar. Người dân địa phương cho biết, loài khỉ này rất dễ nhận biết vào trời mưa vì nước mưa rơi vào mũi hếch khiến chúng hắt hơi.


Loài khỉ mới phải giấu mặt mỗi khi trời mưa nếu không nước mưa sẽ khiến chúng… hắt hơi.


Chính vì thế, mỗi khi có mưa, khỉ Rhinopithecus lại kẹp đầu giữa hai đầu gối để tránh nước mưa rơi vào mũi.

Ngoài ra, còn có nhiều phát hiện độc đáo khác như: Chim khướu đất hung, ếch mắt xanh, rắn hổ đầu giáo có hoa văn ba sọc vàng - đỏ - cam.


Chim khướu đất hung rất quý hiếm mới được phát hiện.


Tuy nhiên, những loài động vật độc đáo này đang bị đe dọa. Môi trường sống của chúng bị thu hẹp chỉ bằng ¼ ban đầu, số lượng các loài động vật sống tại miền Đông Himalaya cũng chỉ còn khoảng hơn 100 cá thể.

Biến đổi khí hậu, dân số tăng trưởng, phá rừng, săn bắt,.. là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm số lượng các loài vật quý hiếm.
 
Ếch Bompu là một trong 200 loài động vật mới được phát hiện.

Theo Tri Thức Trẻ