Virus SARS-CoV-2 có thể mất 90% khả năng lây lan trong vòng 20 phút kể từ khi tiếp xúc không khí, và năng lực lây nhiễm của chúng giảm đi nhiều nhất trong 5 phút đầu tiên, Guardian ngày 11/1 dẫn lại kết quả từ nghiên cứu mới từ các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Khí dung thuộc Đại học Bristo (Anh).

Theo nghiên cứu mới, chưa được bình duyệt, tại những nơi có độ ẩm thấp, hanh khô như môi trường văn phòng, virus mất đi khoảng 50% năng lực lây lan trong vòng 5 giây đầu tiên tiếp xúc không khí.

Sau đó, đà giảm tiếp tục nhưng chậm hơn, và virus mất thêm 19% khả năng lây nhiễm trong 5 phút tiếp theo.

Ở nơi có độ ẩm cao khoảng 90%, như phòng tắm hay phòng xông hơi ướt, sự suy giảm diễn ra với tốc độ chậm hơn. 52% giọt bắn vẫn có thể lây lan sau 5 phút, và giảm tiếp 10% sau 20 phút. Sau đó không có sự khác biệt giữa hai điều kiện môi trường trên.

Phát hiện mới về nCoV-1
Virus SARS-CoV-2 có thể mất đi 90% khả năng lây nhiễm sau 20 phút trong không khí. Ảnh: Orpheus FX.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết thêm nhiệt độ của không khí không tạo ra sự khác biệt nào đối với khả năng lây lan của virus. Điều này trái ngược với một số nhận định trước đây, cho rằng năng lực lây nhiễm của virus giảm ở nơi có nhiệt độ cao.

Các phát hiện mới một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Đây được xem là cách thức hiệu quả nhất để ngăn chặn nguy cơ lây lan trước các biến chủng Covid-19.

Hệ thống thông gió có thể mang đến hiệu quả thấp hơn.

“Mọi người tập trung vào vấn đề thông gió kém và nghĩ rằng virus lây truyền trong không khí qua nhiều m, thậm chí xuyên qua một căn phòng”, giáo sư Jonathan Reid, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí dung của Đại học Bristo (Anh) và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

“Tôi không nói điều đó không xảy ra, nhưng tôi nghĩ nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là khi bạn đến gần một người nào đó”, ông nói. “Khi bạn giữ khoảng cách, không chỉ những hạt khí dung (giọt bắn) sẽ giảm xuống, mà khả năng lây nhiễm của virus cũng mất dần (theo thời gian)”.

Theo Zing