Những năm gần đây, hoa tam giác mạch dần trở thành một thương hiệu riêng của tỉnh Hà Giang. Cũng chính nhờ những bông hoa tím mỏng manh ấy mà suốt vùng cao nguyên đá như bỗng bừng dậy sức sống mới. Vào giữa những ngày đông lạnh, mảnh đất sơn cước này như nhộn nhịp hơn với hàng ngàn lượt khách du lịch đổ về các địa danh nổi tiếng như Mèo Vạc, Lũng Cũ, Đồng Văn...
Nhiều người hẳn vẫn chưa quên hình ảnh một số bạn trẻ lên thăm Hà Giang, chỉ vì muốn chụp được vài bức ảnh đẹp đã cố tình giẫm đạp, nằm lên hoa. Họ làm như thế vì tin rằng: "mình mất tiền, mình có quyền. Vả lại, hoa ở đây trồng chỉ nhằm mục đích cho thuê chụp ảnh!" hoặc "Người dân đã vì mục đích kinh doanh dịch vụ thì cũng phải chấp nhận cả những rủi do đi kèm".
Thế nhưng, nếu được một lần đến thăm các bản người dân tộc ở Hà Giang, nghe họ kể về những khó khăn của chuyện trồng hoa tam giác mạch, hẳn chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại cách đối xử với những bông hoa tím nở trong lòng đá ở vùng cao nguyên này.
"Trồng hoa tam giác mạch vất vả nhiều lắm"
Trên đường đến thăm cột mốc Lũng Cú, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi cánh đồng hoa tam giác mạch được trồng phủ kín trên nhiều quả đồi liên tiếp nhau. Hỏi ra mới biết, tất cả là công sức vất vả gieo trồng của gần chục hộ gia đình sống ven chân núi. Chị Sỉn Thị Xuyến, người dân tộc Lô Lô, chủ một quả đồi trồng hoa tam giác mạch tại đây cho biết: "Năm nay là lần đầu tiên nhà mình trồng loại hoa này theo sự vận động của chính quyền. Các hộ gia đình quanh đây đều được hỗ trợ 100% hạt giống. Tuy nhiên chi phí bỏ ra để chăm hoa khá nhiều, trồng hoa này xem vậy mà mệt lắm".
Theo chị Xuyến, để có một đồi hoa đẹp nở đúng vào cao điểm mùa du lịch ở Hà Giang (tháng 11), bắt đầu từ tháng 8, gia đình chị đã phải lo lấy nước về, vỡ đất, đánh luống để chuẩn bị gieo hạt. Khi hạt mạch đã gieo xuống và ươm lên những mầm xanh nhỏ bé, cả gia đình lại phải tận tụy mỗi sáng, mỗi chiều chăm bón, tưới nước.
"Hoa tam giác mạch dễ trồng nhưng nó vốn mỏng manh, mưa lớn mà không kịp tháo nước thì dễ dàng gẫy dập. Nắng quá mà chưa kịp tưới thì lại héo khô", chị Xuyến nói. Theo chị, công sức và tiền mua phân bón nhiều đến nỗi chị chẳng còn nhớ nổi. "Mỗi lúc mua một ít, mỗi lúc chăm một ít nên không nhớ đâu, nhưng mà mệt vì hoa này lắm".
Nhìn vào số lượng du khách ghé đến chụp ảnh ở các ruộng hoa tam giác mạch,
nhiều người sẽ nghĩ, người dân ở đây hẳn sẽ kiếm được kha khá tiền vé vào
nhưng sự thật không hẳn như vậy.
Tương tự, chị Sòng Thị Mai, chủ một ruộng hoa tam giác mạch ở chân núi giáp xã Ma Lé, Đồng Văn tâm sự: "Chính quyền có hỗ trợ, hướng dẫn trồng chừa lại lối cho khách đi chụp ảnh. Mình làm theo, hiệu quả thì nhiều nhưng cũng vất vả lắm".
Theo chị Mai, đồi hoa tam giác mạch nhà chị bắt đầu trồng từ tháng 8 và đến hết tháng 11 này sẽ được thu hoạch. Tuy nhiên, thời gian hoa nở rộ chỉ kéo dài khoảng gần 1 tháng. "Tính ra chính xác phải mất 45 ngày cây mới trổ hoa và nở được trong vòng hơn 20 ngày sẽ tàn. Ruộng nhà tôi sắp tàn rồi".
Chị Sòng Thị Mai dẫn theo con nhỏ đi thu tiền vé của những khách
vào chụp ảnh hoa tam giác mạch.
Một ruộng hoa rộng khắp chân núi, chị Mai ước tính cũng chỉ thu được từ 3-4 triệu tiền bán hạt mạch. "Nhờ có khách du lịch thì thu thêm được một ít tiền chụp ảnh nhưng cũng không nhiều như mọi người nghĩ đâu, cả mùa hoa tới giờ mới có hơn 2 triệu thôi à", chị Mai nói.
Để trồng được những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp như thế này,
người dân nơi đây đã phải bỏ không ít công chăm sóc, gieo trồng.
Đối với chị Xuyến, gia đình chị chỉ thu tiền đối với khách đến chụp ảnh trong thời gian dài. "Những khách đi tham quan hoặc chụp chơi vài tấm gia đình không thu tiền đâu". Do có đồi hoa ngay chân cột cờ Lũng Cú nên gia đình chị Xuyến cũng đón được khá nhiều du khách ghé thăm, chụp ảnh nhưng con số thu về cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Theo ước tính của chị, đến khi vụ hoa tàn, bán hết hạt mạch đi, số tiền thu về cũng chỉ thu thêm được khoảng 4-5 triệu đồng. Con số 9 triệu đồng này sau đó còn phải trừ đi chi phí chăm bón. Hướng đi trồng hoa tam giác mạch để vươn lên làm giàu không hẳn là không có cơ sở nhưng nó hoàn toàn không hề dễ dàng và nhàn hạ như nhiều người vẫn nghĩ.
Câu chuyện buồn về ý thức của nhiều du khách khi đến thăm hoa tam giác mạch
Trên đường đi từ Đồng Văn xuống Lũng Cú, chúng tôi bắt gặp không biết bao nhiêu ruộng hoa tam giác mạch bung nở tuyệt đẹp trong nắng gió đại ngàn. Mỗi một thửa ruộng, một quả đồi lại có một vài người phụ nữ địu con nhỏ đứng chờ thu tiền của khách du lịch ghé chụp ảnh. Với công sức bỏ ra, mức giá 10.000 đồng/người chụp ảnh chẳng thể xem là đắt đỏ. Ấy vậy mà không ít du khách đến đây lại nhìn nhận những chủ vườn ấy như một "tay" xin tiền chuyên nghiệp.
Biển hiệu quyên góp khi vào chụp ảnh ở ruộng hoa tam giác mạch do người dân trồng
trước cổng trường THCS dân tộc nội trú Hà Giang nhận được khá ít sự quan tâm
của mọi người. Dù ngày cuối tuần đông khách ghé thăm, chiếc hòm vẫn còn rất vơi.
"Lại tiền à, vừa đưa cho con chị rồi mà", một du khách nói bằng giọng dè bỉu. "Ra xe đây rồi chú cho tiền", một du khách khác dẫn theo nhóm 4-5 người lên Hà Giang du lịch, đã dùng câu nói ấy để đánh lừa một đứa nhỏ vùng cao và rồi lao lên ô tô đi mất hút. Bên cạnh đó, không ít đoàn khách đông tới cả gần 20 người, thi nhau tạo đủ mọi kiểu dáng với hoa tam giác mạch và khi rời đi, phải đợi chủ vườn nhắc tận nơi mấy lượt mới "xì" ra 100.000 đồng nhưng vẫn ra vẻ lo lắng: "Liệu mình có hào phóng quá chăng?"
Rồi một vài người nhân lúc chủ vườn không để ý là tranh thủ ngắt hoa, giẫm đạp lên những bông tam giác mạch mỏng manh.v.v. Tất cả chỉ là một vài ví dụ cho thấy, phải chăng, ý thức của du khách đối với việc bảo vệ, tôn trọng giá trị lao động của người dân Hà Giang vẫn còn quá kém.
Vì có quá nhiều trẻ em, phụ nữ vây quanh nên nhiều du khách lầm tưởng
các chủ vườn đang... xin tiền.
Nhiều du khách phải nhắc tận nơi mới chịu đưa tiền cho chủ vườn.
Trong khi một số lao lên xe đi mất hút, quên cả tiền vé vào chụp ảnh.
Chị Sỉn Thị Xuyến nói về việc thu vé vào chụp ảnh đối với vườn hoa tam giác mạch.
Nói về chuyện thu tiền từ du khách, chị Và Thị Sinh, chủ một đồi hoa tam giác mạch ở Lũng Cú, chia sẻ: "Nhiều lúc khách du lịch đưa tùy tâm thôi chứ nhà mình không ép. Họ chụp xong mà không đưa cũng đành chịu nhưng vẫn phải ngồi đây trông giữ vì sợ lỡ có ai đó giẫm nát hoa thì tội lắm. Gần 2 tháng mới thu được khoảng 3 triệu tiền chụp ảnh thì tính ra, mỗi ngày đâu có bao nhiêu trong khi số lượng khách kéo qua đây cũng đông lắm".
Tương tự, chị Xuyến tâm sự: "Nhiều khách chỉ đi ngắm thôi mình cũng không nỡ hỏi thu tiền đâu. Cũng tùy người, có người xấu lắm, chụp ảnh mãi mà vẫn kì kèo có 10.000 đồng không đưa hoặc nói mãi mới đưa nhưng nhiều khách họ thương, chẳng nói gì họ đã đưa tiền gấp đôi giá vé vào".
Dù vậy, chị Xuyến cũng khẳng định rằng việc trồng một đồi hoa và cả ngày phải lo chăm bón, trông nom cũng là một chuyện không hề dễ dàng gì. "Chỉ mong du khách không bao giờ giẫm lên hoa và có ý thức bảo vệ nó, trân trọng công người trồng là mình mừng rồi".
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Đình Nhất, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn cho biết: "Năm nay huyện Đồng Văn mở rộng diên tích trồng hoa tam giác mạch trên tổng số 19 xã, tập tủng củ yếu ở 10 xã ven trục quốc lộ 4 và tuyến đường đi tham quan các điểm du lịch". Chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi hộ gia đình 3 triệu đồng/ha trồng hoa tam giác mạch. Số lượng diện tích gieo trồng toàn huyện là hơn 300ha với chi phí hỗ trợ lên đến 1 tỷ đồng. "Chúng tôi đầu tư hoa tam giác mạch với kỳ vọng đem lại thu nhập cho bà con nông dân đồng thời quảng bá tốt hình ảnh du lịch Hà Giang nói chung và Đồng Văn nói riêng". Ông Nhất cũng cho biết thêm, thực hiện chủ trương của tỉnh, năm nay, cán bộ huyện Đồng Văn đã xuống tận nơi hướng dẫn bà con cách trồng hoa bớt lại lối đi cho khách du lịch chụp ảnh, trồng hoa tạo hình, tạo khối để thu hút sự chú ý của mọi người. "Chúng tôi đã hướng dẫn bà con trồng hoa làm 3 đợt. Đợt một chủ yếu phục vụ khách phượt thủ, ưa khám phá, đợt 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho lễ hội hoa tam giác mạch quy mô cấp tỉnh và đợt ba thì trồng ít hơn, chủ yếu phục vụ khách du lịch nói chung. Mỗi mùa hoa chỉ kéo dài khoảng 20 ngày vì sau 45 ngày gieo trồng, cây mới đâm bông. Tam giác mạch dễ trồng đem lại hai lợi ích thiết thực là phục vụ du lịch và đáp ứng nhu cầu thực phẩm. Vì thế, dự kiến tới đâ, huyện Đồng Văn cũng sẽ tiếp tục quan tâm, đẩ mạnh phát triển loại cây này. |