Đi giữa trời rực rỡ là bộ phim đang hot trên sóng giờ vàng VTV3 xoay quanh Pu (Thu Hà Ceri) - cô gái trẻ người Dao mang trong mình ước mơ và hoài bão. Pu là niềm tự hào của bản làng khi trúng tuyển Đại học ở thành phố.
Nhưng con đường vượt đồi đi học của cô sơn nữ lại bị chặn đứng bởi cuộc hôn nhân gia đình sắp đặt vì nợ nần. Hoảng loạn và bế tắc, Pu bỏ chạy giữa đêm. Cũng từ đây, hành trình mới đầy gian nan của cô gái trẻ bắt đầu.
Theo ê-kíp giới thiệu, bối cảnh những tập đầu của bộ phim phần lớn được ghi hình ở Cao Bằng, với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp. Phim không chỉ khai thác các vấn đề thời đại, phim còn được thổi hồn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước kết hợp cùng những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao.
Tuy nhiên, sau khi lên sóng (hiện đã đến tập 8) trên fanpage VTV Giải trí cũng như SK Pictures (nhà sản xuất) và nhiều diễn đàn mạng xã hội đã nổ ra những tranh cãi về trang phục, văn hóa của dân tộc Dao trong Đi giữa trời rực rỡ.
Trang phục và phong tục thờ cúng là chi tiết gây tranh cãi trong "Đi giữa trời rực rỡ".
Một tài khoản mạng xã hội có tên Ma Thị Luyến chia sẻ hình ảnh về trang phục nữ chính trong phim và phân cảnh lễ bái trước ban thờ của người Dao và cho biết "không thích những hình ảnh dân tộc thiểu số "văn công", hay hình ảnh người miền núi bị đưa lên phim, lễ hội vì thường có nhiều sai lệch, áp đặt văn hoá".
"Bộ phim 'Đi giữa trời rực rỡ' dài tới 110 tập khởi chiếu vào khung giờ vàng VTV đang gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân tộc Dao chúng mình... Giờ vàng VTV đang chiếu hình ảnh nhân vật nữ mặc lễ phục người Dao đỏ (tương tự áo dài lễ phục của người Kinh) đi chăn trâu.
Nhân vật Chải (diễn viên Long Vũ - PV) được đeo yếm nữ nhảy múa. Điều này người Dao cấm kỵ lắm, nó tương tự một nhân vật nam người Kinh mặc áo ngực của phụ nữ để ra đường ấy. Hình ảnh người nữ đứng trước ban thờ thắp hương cũng là điều cấm kị", tài khoản Ma Thị Luyến bày tỏ.
Ý kiến này còn chỉ rõ: "Bản thân người Dao cũng như nhiều dân tộc khác, có sự phân biệt rành mạch giữa thường phục, lễ phục… chứ không bao giờ tuỳ tiện sử dụng lễ phục trong lao động và thường phục trong các kì lễ hội.
Điều đó cũng làm khó những nhà làm phim, tổ chức sự kiện nhưng cần có sự tham gia của các chuyên gia tộc người để văn hoá dân tộc thiểu số được truyền tải không chỉ đẹp mà đúng, để cộng đồng chủ thể văn hoá nhận ra mình, nhận là của mình mà quan tâm tới sản phẩm đó.
Không muốn cộng đồng người Dao cũng như các cộng đồng thiểu số khác cảm thấy có sự ngăn cách, áp đặt, bị bỏ qua nên mình chia sẻ câu chuyện đến mọi người, cũng mong các bạn được biết về văn hoá các cộng đồng người Việt thiểu số thật đúng".
Nhiều ý kiến trái chiều về phim trên các diễn đàn mạng xã hội.
Ngay dưới bài đăng có những bình luận cho rằng đây là một sơ suất của đoàn phim, hi vọng đồng bào rộng lượng, đóng góp ý kiến và đưa ra quan điểm rõ ràng để những tập phim tiếp theo sẽ khắc phục.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đồng tình của khán giả: "Không bị cấm nhưng người Dao có các quy định về trang phục khác nhau, chẳng hạn trang phục thường nhật và trang phục lễ hội. Không ai mặc trang phục lễ hội đi làm bao giờ cả, đó là một ví dụ";
"Trang phục lễ hội thêm bông tua đỏ ở ngực, các cụ xưa vẫn mặc áo như hình đi nương nhưng không có bông tua thôi. Ý là đi chăn trâu mặc áo cũ thì sát thực tế cuộc sống lao động";
"Từ trước tới giờ, mình thấy hầu hết các Đạo diễn phim truyền hình VTV làm việc khá chỉn chu, ít có những "hạt sạn" ; nhưng lần này, qua bài viết của bạn thì "hạt sạn" cũng không nhỏ"; "Mình ủng hộ ý kiến của bạn, kể cả chuyện lấy tiếng và sự chất phác của người miền núi ra làm hài... cũng không nên";...
Cũng bày tỏ sự khó chịu về việc xây dựng hình ảnh dân tộc thiểu số trong Đi giữa trời rực rỡ, ông Bàn Tuấn Năng - TS dân tộc học, Trưởng ban đại diện nhóm Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc - chia sẻ trên trang cá nhân rằng ông nhận nhiều thắc mắc của bà con người Dao về trang phục trong phim nên mới tò mò xem phim. Sau khi xem ông thấy nhiều vấn đề cần trao đổi, không chỉ trang phục mà còn đụng chạm tới điều cấm kỵ trong văn hóa của người Dao.
Ông Bàn Tuấn Năng cho rằng, việc sử dụng lễ phục Dao đỏ trong phim làm khán giả hiểu lầm về trang phục và văn hóa của người Dao, gây phản cảm trong cộng đồng; điển hình là chi tiết nhân vật Chải (Long Vũ) mặc yếm của nữ.
Nhân vật Chải (Long Vũ đóng) mặc yếm bị cho là “xúc phạm văn hóa - người Dao”.
Theo ông Năng, truyền thuyết người Dao kể xưa kia phụ nữ được giao việc thờ cúng nhưng chỉ một lần phụ nữ sinh con ngay gian giữa, làm bẩn khu thờ cúng nên từ đó người Dao mới để nam cúng với điều kiện khi cúng đàn ông phải mặc áo phụ nữ với ý chỉ là làm thay phụ nữ.
Cũng từ đó, phụ nữ không được ngồi gian giữa nhà nữa… Trong phim, nhân vật Chải mặc cái yếm đó suốt ngày và phim để cho người nữ ngồi ở gian giữa nhà, quay mông vào bàn thờ, đó là điều tối kỵ.
Hiện ông Năng và một số người trong cộng đồng đang soạn đơn kiến nghị gửi Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và một số cơ quan liên quan đến những sai lệch trong bộ phim.
Hiện đạo diễn Đỗ Thanh Sơn và nhà sản xuất phim Đi giữa trời rực rỡ vẫn chưa có phản hồi gì về tranh cãi này.
Theo Sức khỏe đời sống