Phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu do Lý Minh Thắng đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên Song Luân, Kaity Nguyễn, hoa hậu Đoàn Thiên Ân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Thanh Thủy...

Sau 2 tuần công chiếu, phim tạo nên làn sóng tranh cãi từ khán giả. Bên cạnh kịch bản nhiều sạn, tác phẩm bị cho là xây dựng méo mó, hời hợt nhân vật Công tử Bạc Liêu. 

Phim làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ

Phim Công tử Bạc Liêu: Làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ-1
Phim "Công tử Bạc Liêu" gây tranh cãi sau 2 tuần công chiếu. 

Độc giả Bách Khoa cho rằng cần thiết dừng công chiếu, làm lại đúng nội dung như những gì nhà văn Phan Trung Nghĩa - tác giả cuốn sách Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại phản ánh trên bài báo của VietNamNet

"Cho dù phải mất vốn đầu tư cũng phải làm, không để làm phim theo kiểu này được. Phải chăng, biết đâu việc làm lại hay hơn, tốt hơn doanh thu lớn hơn. Nhà đầu tư mà không bỏ và không làm lại thì dở lắm", người này viết. 

Tài khoản Vũ Hùng bày tỏ cảm xúc thất vọng, buồn vì những gì được coi là văn hóa, bản sắc của Bạc Liêu nói riêng và Nam Bộ nói chung, dưới cái mác "sáng tạo điện ảnh" đã khắc họa lên một nhân vật "méo mó", chơi bời phóng đãng... khác biệt hoàn toàn với nhân vật lịch sử.

"Cũng giống như bộ phim Đất rừng phương Nam, Công tử Bạc Liêu làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ. Nếu muốn hư cấu một nhân vật lịch sử, xin đừng sử dụng 4 chữ vốn đã là "thương hiệu lịch sử" để đặt tên cho phim, hơn nữa phải ghi rõ là "ngoại truyện" hay "hư cấu", Vũ Hùng nhận xét. 

Độc giả có nickname Ydu.Lona phản hồi chưa xem phim nên không lạm bàn. Tuy nhiên, dựa vào nội dung các bài viết và những suy tư của nhà văn Phan Trung Nghĩa cho thấy ê-kíp làm phim đã khai thác sai hướng. 

Theo đó, ê-kíp chỉ tập trung vào độ ăn chơi, các giai thoại tiêu tiền trong khi đời thực Công tử Bạc Liêu có tấm lòng nhân hậu và nhiều công lao với thời cuộc lúc ấy.

Phim Công tử Bạc Liêu: Làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ-2
Nhiều độc giả cho rằng ê-kíp nên khai thác chiều sâu hình tượng Công tử Bạc Liêu thay vì chỉ tập trung vào sự ăn chơi của ông.

"Phàm đã sai thì phải xin lỗi, sửa chữa khắc phục. Đừng để hình ảnh méo mó của nhân vật có thực lại thành một 'thảm họa' vì hư cấu", độc giả nhận xét. 

Bạn Vân Hà cho rằng ngoài sự ăn chơi, Công tử Bạc Liêu còn nổi bật với tấm lòng nhân hậu và nhiều đóng góp cho xã hội, chi tiết này cần được khắc họa để lan tỏa giá trị tích cực.

Tài khoản Chí Minh mong muốn các hãng phim rút kinh nghiệm sâu sắc từ những yếu tố tiêu cực trong phim Công tử Bạc Liêu. Anh góp ý nên chọn các đạo diễn gốc Bắc khi làm phim lịch sử vì họ có kinh nghiệm và thâm niên với dòng phim nghệ thuật.

Đừng quá khắt khe, bắt bẻ với 1 tác phẩm hư cấu

Bên cạnh ý kiến phản đối, một số cư dân mạng mong khán giả nhìn nhận rộng lượng, thay vì chỉ trích và vùi dập một tác phẩm điện ảnh đầy tâm huyết của hàng trăm con người.

Độc giả Thanh Lương viết: "Tôi đã đi xem phim thấy cũng được đấy chứ, giải trí thôi mà. Các bạn cứ nặng nề làm gì, phim được quyền hư cấu có phải phim tài liệu đâu mà bắt bẻ thế". 

Phim Công tử Bạc Liêu: Làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ-3
Một số độc giả cho rằng phim dù nhiều khuyết điểm nhưng xứng đáng được ghi nhận, thay vì chỉ trích, vùi dập. 

Bạn đọc Thanh Pham mong người xem bớt khắt khe với yếu tố diễn xuất của các diễn viên trẻ, thay vì soi xét khiến họ mất tinh thần làm nghề. "Muốn diễn xuất tốt thì phải cần thời gian qua trường lớp đào tạo. Hoa hậu người mẫu đi đóng phim cũng được miễn là chứng tỏ được tài năng", người này nêu quan điểm.  

Tho phu góp ý đoàn phim nên cầu thị lắng nghe ý kiến từ người trong nghề. Dù có thể ảnh hưởng đến doanh thu phòng vé, nhưng chắc chắn sẽ giúp nâng cao tay nghề.

Tài khoản Hiền Gia cho rằng phim không đến nỗi tệ vì bản thân đã ra rạp trải nghiệm: "Tôi nghĩ chúng ta không nên khắt khe quá làm gì mà hãy cổ vũ các nhà làm phim Việt để họ không bị mất hứng và dấn thân làm phim về các nhân vật lịch sử hay những nhân vật nổi tiếng của đời sống". 

Phim Công tử Bạc Liêu: Làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ-4
Phim "Công tử Bạc Liêu" thua lỗ sau thời gian công chiếu. 

Nickname Long Dang bày tỏ việc làm phim điện ảnh phải thêm thắt, hư cấu, cường điệu là bình thường. Theo anh, nhiều người tới lúc này không phân biệt được phim điện ảnh và phim tài liệu.

"Cứ chê bai, chả ai thèm làm nữa. Như thế người Việt Nam không ai biết lịch sử Việt Nam là gì, cho dù học 17 năm cũng chả ai thèm nhớ. Mà ngược lại, họ nhớ sử Trung Quốc. Vì phim Trung Quốc về nhân vật lịch sử đầy hư cấu, đầy cường điệu", Long Dang phản biện. 

Theo VietNamNet