Phim Cám của đạo diễn Trần Hữu Tấn, dị bản kinh dị của truyện cổ tích Tấm Cám, là tác phẩm mới nhất thuộc dòng kinh dị thành công về bán vé.
Thỏa sức sáng tạo
Theo thống kê từ trang Box Office Vietnam, tính đến trưa 7/10, phim thu được hơn 93,6 tỉ đồng. Tác phẩm vẫn đang trụ rạp nên doanh thu hứa hẹn tiếp tục tăng. Trong phim Cám, bên cạnh những yếu tố quen thuộc về các nhân vật như Tấm, Cám, hoàng tử, bà kế… thì cũng có nhiều hư cấu khác biệt với truyện cổ tích, những tình tiết đẫm máu, ghê rợn. Với nhãn dán T18 (chỉ dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên), phim Cám có đủ những cảnh phù hợp những quy định phân loại phim ở mức nhãn dán này.
Phim “Cám” của đạo diễn Trần Hữu Tấn là tác phẩm kinh dị mới nhất thắng doanh thu phòng vé (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Trước Cám, phim Ma da của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng cũng có không ít cảnh quỷ dị, ghê rợn, tạo hình ma da được tạo bởi hóa trang hiệu ứng đặc biệt gây ấn tượng với khán giả. Phim thu được hơn 127 tỉ đồng. Làm giàu với ma của đạo diễn Nhật Trung cũng có doanh thu hơn 127 tỉ đồng, phim đề cập đến câu chuyện về ma nữ tên Na có thỏa thuận giao kèo cùng thanh niên tên Lanh.
Theo đó, Na sẽ giúp Lanh làm giàu và ngược lại Lanh giúp Na tìm con của cô. Một phương thức mà trước đây các phim kinh dị hoặc có pha trộn yếu tố kinh dị, tâm linh hay né tránh. Việc này khiến dòng phim kinh dị Việt trở nên nhàm chán, lối mòn, thiếu sáng tạo so với những phim kinh dị của các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc.
Song từ sự "cởi mở" dần dần cho đến nay về mặt sáng tạo, phim kinh dị Việt đã mang đến những câu chuyện ấn tượng, chinh phục khán giả. "Phim "Cám" được hội đồng kiểm duyệt thông qua dễ dàng. Đây là một tín hiệu tích cực. Chúng tôi thấy Cục Điện ảnh rất ủng hộ phim Việt. Phim dán nhãn T18 tuy rằng cũng ảnh hưởng đến việc bán vé do những khán giả tuổi nhỏ hơn không được thưởng thức theo quy định. Tuy nhiên, phim có những cảnh bạo lực, nhạy cảm nên dán nhãn T18 là hợp lý" - đạo diễn Trần Hữu Tấn bày tỏ.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng nhận định niềm vui của nhà làm phim nói chung và làm phim kinh dị nói riêng là vấn đề kiểm duyệt đã thông thoáng hơn. Phim ảnh là hư cấu, có cuộc sống riêng, một sản phẩm nghe nhìn. "Dù là thể loại kinh dị hay bất kỳ thể loại phim nào, một câu chuyện hay, ý nghĩa, thông điệp rõ ràng, không vô thưởng vô phạt, hướng đến giá trị "chân - thiện - mỹ" thì sẽ chinh phục được khán giả" - đạo diễn Võ Thanh Hòa nhìn nhận.
Cạnh tranh chất lượng
Người trong giới cho rằng việc kiểm duyệt không còn là rào cản sẽ giúp phim kinh dị Việt nói riêng và phim Việt nói chung tăng về lượng lẫn chất. Các biên kịch sẽ thoải mái hơn trong sáng tạo, không còn tự kiểm duyệt, bỏ qua các chi tiết hay gò bó cái kết vào những câu chuyện theo lối mòn, dễ đoán. Sự đa dạng về đề tài trong thể loại cũng sẽ mang đến nhiều tác phẩm hơn và khán giả là đối tượng hưởng lợi.
Điều này có được cũng một phần nhờ vào Luật Điện ảnh (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2023. Trong luật, phim được phân loại theo từ loại P - được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi cho đến loại T18, T16, T13, K - phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ và loại C - không được phép phổ biến.
Ở mỗi hình thức phân loại đều có những quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng theo nhiều nội dung từ đề tài, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, kinh dị... Nhà làm phim có cơ sở tham khảo để biết tác phẩm mình sẽ nằm ở mức độ phân loại nào.
Đồng thời, nó cũng giúp những nhà phê bình phim thoát khỏi lo ngại việc các nhà làm phim bất chấp, lợi dụng để thiết kế những cảnh quay táo bạo, ghê rợn gây sốc, phản cảm chỉ để câu kéo khán giả. Vì nếu cảnh quay không hợp lý theo mạch truyện, được thêm vào chỉ để mục đích cố tình gây sốc sẽ khó vượt được kiểm duyệt cũng như có mức phân loại phù hợp, buộc phải chỉnh sửa, thay đổi.
"Biên kịch sẽ thoải mái tạo ra những tác phẩm tâm huyết ở các thể loại như kinh dị mà trước đây khó có thể tự tin gửi đến nhà làm phim vì biết trước họ không chấp nhận thực hiện do các rào cản như kiểm duyệt" - biên kịch Đông Hoa cho biết. Việc quan trọng hiện nay của nhà làm phim Việt vẫn là tạo được tác phẩm tốt, chinh phục khán giả. Phim chất lượng thì thể loại nào, chiếu mùa nào cũng có cơ hội thắng và ngược lại.
Theo các nhà chuyên môn, không có công thức nào cho các phim vượt mốc 100 tỉ đồng nhưng điểm chung là nếu không đầu tư nghiêm túc từ câu chuyện, bối cảnh, diễn viên... thì dù khai thác thể loại kinh dị hay thể loại nào khác cũng rất khó chiến thắng sân chơi điện ảnh trong thời điểm khán giả đã thay đổi theo hướng chọn lọc, tinh tế như hiện nay.
Theo Người Lao Động