Phim về thanh xuân Việt: Nỗ lực về ý tưởng vẫn gây tiếc nuối

Dù nỗ lực mang đến câu chuyện xúc động thời thanh xuân, phim "Mùa hè đẹp nhất" gây tiếc nuối vì những điểm hạn chế về nội dung lẫn cách lựa chọn diễn viên vào vai.

Nỗ lực ý tưởng, điểm sáng diễn xuất

Mùa hè đẹp nhất chính thức ra rạp từ 28/6. Phim thuộc thể thoại thanh xuân, tình cảm, chữa lành do Vũ Khắc Tuận đạo diễn.

Phim về thanh xuân Việt: Nỗ lực về ý tưởng vẫn gây tiếc nuối-1
Phim kể về thời thanh xuân của nhóm bạn sinh viên.

Phim kể về một nhóm bạn là sinh viên có 5 người gồm: Nghĩa (Công Dương), Tuấn Anh (Trần Nghĩa), Minh (Minh Dự), Thái (Nguyễn Tụ), Thảo Nguyên (Đỗ Khánh Vân). Họ có xuất thân, hoàn cảnh và ước mơ khác nhau, nhưng cùng gắn bó và tạo nên một tình bạn đẹp.

Tuy nhiên, biến cố ập đến khiến lý tưởng, dự định cùng nhau không thể thực hiện. Một cuộc hội ngộ của giai đoạn sau đã giúp họ thực hiện chuyến đi từng mơ ước trong quá khứ.

Phim tái hiện ký ức thời thanh xuân của một nhóm bạn đại học. Tác phẩm đưa khán giả đến những cung bậc cảm xúc và khắc khoải về một thời tuổi trẻ đã qua.

Phim về thanh xuân Việt: Nỗ lực về ý tưởng vẫn gây tiếc nuối-2
Quá khứ - hiện tại đan xen xuất hiện trong các thước phim.

Phim sử dụng lối kể chuyện song tuyến với sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Xuyên suốt tác phẩm là các thước phim giữa hai tuyến nhân vật già và trẻ luân phiên xuất hiện. Hình ảnh một nhóm bạn khi già bắt đầu lại một chuyến đi mà tuổi trẻ từng bỏ lỡ. Sau đó lại quay ngược trở về thời gian họ còn ngồi trên giảng đường đại học, trải qua vui, buồn về năm tháng còn trẻ dại.

Điểm cộng của phim là đoạn chuyển cảnh mượt mà giữa quá khứ và hiện tại khi kết hợp tốt các góc quay. Màu phim đan xen giữa hoài cổ và hiện đại nhằm tái hiện từng bối cảnh trong phim qua các giai đoạn.

Ở thời quá khứ, đồ vật biểu tượng của Sài Gòn xưa như băng cassette, tivi cũ, hình ảnh đoàn tàu hay que kem tuổi thơ được bán trước cổng trường… đều được mang vào phim.

Phim về thanh xuân Việt: Nỗ lực về ý tưởng vẫn gây tiếc nuối-3
Hành trình “tìm lại tuổi trẻ” của tuyến nhân vật già trong phim.

Cả dàn diễn viên ở hai tuyến nhân vật đều thực hiện tròn vai. Ở tuyến nhân vật già, dàn diễn viên gạo cội như NSƯT Thanh Nam, NSƯT Công Ninh, Hồng Ánh... biểu lộ được sự trầm lắng, trải đời sau khi đi qua nhiều biến cố.

Các cảnh quay vùng miền của Việt Nam trong chuyến du lịch của nhóm nhân vật từ Phan Rang, Ninh Thuận rồi đến Đà Lạt là hành trình cho họ tìm lại tuổi trẻ và viết tiếp ước mơ mà người bạn mình để lại.

Còn với dàn nhân vật trẻ, mỗi diễn viên đều có một nét tính cách riêng. Họ có sự kết hợp ăn ý giúp khán giả tin rằng, có một tình bạn tuổi trẻ đầy chân thành đang xuất hiện trên màn ảnh. Một số phân đoạn đủ “chạm” để lấy đi nước mắt của khán giả.

Kịch bản hạn chế, diễn viên gây tiếc nuối

Tuy nhiên, cách kể song song giữa quá khứ và hiện tại vẫn chưa trọn vẹn để khán giả “tin” đây là một giai đoạn thật của cuộc đời con người. Hai phân cảnh diễn ra khá rời rạc và thiếu liên kết, cảm tưởng như là hai bộ phim kể về một chuyến đi du lịch của những người bạn già đã lâu không gặp và một thước phim thanh xuân vườn trường của các bạn trẻ.

Nguyên nhân chính nằm ở khâu casting diễn viên, khi các nhân vật già và trẻ có sự khác biệt quá lớn về ngoại hình, tính cách và dáng điệu. Vì thế khi xem phim, khán giả gặp khó khăn trong việc xác định nhân vật nếu họ không giới thiệu rõ tên.
   

Phim về thanh xuân Việt: Nỗ lực về ý tưởng vẫn gây tiếc nuối-4Phim về thanh xuân Việt: Nỗ lực về ý tưởng vẫn gây tiếc nuối-5
Các diễn viên ở hai giai đoạn già và trẻ chưa có nét tương đồng.

Chẳng hạn với vai Minh do Minh Dự thủ vai lúc trẻ và Công Ninh đóng lúc về già, hai người hoàn toàn khác nhau về ngoại hình lẫn tính cách. Điều đó khiến khán giả rất khó hình dung và phân biệt.

Hay vai Thảo Nguyên được Khánh Vân và Hồng Ánh đảm nhiệm không có đặc điểm chung nào. Điều đó làm vơi đi phần nào sự đồng cảm của người xem với nhân vật ở hai giai đoạn. Bởi khán giả không thể cảm nhận được sự thâm trầm, biến chuyển mà nhân vật ở giai đoạn sau đã trải qua.

Ngoài ra, phim không xác định cụ thể muốn tái hiện bối cảnh, thời gian nào khiến khán giả rất khó hình dung. Mặc dù lấy bối cảnh khá giống giai đoạn Sài Gòn xưa, nhưng màu phim được sử dụng lại tương đồng với thập niên 80. Trang phục diễn viên mặc cũng mang hơi hướng của năm 2000.

Phim về thanh xuân Việt: Nỗ lực về ý tưởng vẫn gây tiếc nuối-6
Bối cảnh phim bị nhận xét chưa rõ ràng.

Trong khi đó, nếu tính từ năm 90 đến thời điểm hiện tại, các nhân vật chỉ tầm độ tuổi U40. Ngoại trừ Hồng Ánh, hình tượng các nhân vật giai đoạn sau khá già dặn so với độ tuổi mà phim xây dựng.

Một số tình huống cao trào chưa đẩy tới đỉnh điểm cho cảm xúc trong khán giả bùng nổ. Có lẽ vì muốn tạo nên một cái kết đẹp nên đạo diễn không khai thác đủ chiều sâu và để mọi thứ diễn ra khá chóng vánh.

Theo đạo diễn Vũ Khắc Tuận, do đây là phim đầu tay nên có một số hạn chế nhất định về mặt kinh phí, có những điều rất muốn làm để tác phẩm được trọn vẹn hơn nhưng chưa hoàn thiện được.

Phim về thanh xuân Việt: Nỗ lực về ý tưởng vẫn gây tiếc nuối-7Phim về thanh xuân Việt: Nỗ lực về ý tưởng vẫn gây tiếc nuối-8
Ê-kíp nỗ lực đưa phim ra rạp dù hạn chế về kinh phí, vướng lỗi kịch bản.

Về mặt bối cảnh và độ tuổi nhân vật, anh cho biết sẽ rất khó hợp lý nếu xây dựng cụ thể nên chọn cách khắc họa không quá rõ ràng để khán giả tự hình dung theo suy nghĩ, trí tưởng tượng của mình.

"Điều đầu tiên tôi muốn hướng đến là khán giả có thể tập trung vào mặt cảm xúc, tinh thần của bộ phim. Còn nhận xét, đóng góp về hình ảnh, bối cảnh chính là bài học đáng quý mà tôi rút kinh nghiệm trong tương lai để tạo ra sản phẩm điện ảnh chất lượng hơn", anh nói với VietNamNet.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/phim-ve-thanh-xuan-viet-no-luc-ve-y-tuong-van-gay-tiec-nuoi-2296929.html

phim việt nam phim chiếu rạp

Tin tức mới nhất