Nóng bỏng, bạo lực tràn ngập màn ảnh

Hai năm trở lại đây, phim Việt trên sóng giờ vàng VTV ghi dấu chuyển mình mạnh mẽ bằng những cách tân ấn tượng. Vượt ngoài vùng an toàn của phim gia đình và phim chính luận, các nhà làm phim tìm cách khai thác nhiều mảng đề tài gai góc, đậm màu hiện thực xã hội. Tiêu biểu trong số này là phim xã hội đen Người phán xử và phim về tệ nạn mại dâm Quỳnh Búp Bê.

Song song với việc khai thác nhiều chủ đề táo bạo, phim Việt giờ vàng cũng cho thấy sự cởi mở trong tư duy dàn dựng. Người phán xử và Quỳnh Búp Bê tràn ngập bạo lực và tình dục, ngay cả phim đặt trong bối cảnh thế kỷ trước như ‘Thương nhớ ở ai’ cũng chứa nhiều hình ảnh gợi cảm, diễn viên không mặc nội y và gây tranh cãi nhất là cảnh nóng sập giường.

Với dạng phim hiện thực xã hội, cảnh thân mật, giường chiếu, chém giết, bạo hành là điều không thể tránh khỏi. Song sử dụng những cảnh phim này ra sao là một câu hỏi không hề đơn giản.

Là cây viết gạo cội trong làng phim Việt, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, đề tài nào có hình ảnh tương đồng của đề tài đó, song phim truyền hình ở ta sử dụng chưa hiệu quả chất liệu gợi cảm và bạo lực, đôi khi lạm dụng để câu khách.

“Công bằng mà nói, người làm phim nào cũng mong muốn phim mình đạt rating cao. Câu khách cũng được, nhưng phải có giới hạn. Tôi ủng hộ việc dùng phim để định hướng và giáo dục lớp khán giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên, có nhiều cách dạy trẻ em về tình dục mà không cần hở hang gợi dục, cũng như có nhiều cách dạy chúng về kỹ năng sống mà không cần để chúng thấy cảnh bạo hành dã man” - bà nói.


Phim ‘Quỳnh Búp Bê’ tràn ngập cảnh đánh đập phụ nữ

Cùng chung quan điểm như vậy, Nguyễn Phương Điền - đạo diễn nổi tiếng truyền hình phía Nam bình luận: “Tôi đánh giá các phim này đều quá trần trụi, không phù hợp với khung sóng truyền hình. Hơn nữa, hình thể diễn viên và kỹ thuật quay của Việt Nam chưa đạt độ tinh tế như Mỹ, Hàn Quốc hay nhiều nước khác, cảnh nóng trong phim Việt nhiều khi bị phô. Tôi cho rằng, các đạo diễn nên tiết chế bớt những cảnh quay như vậy, chỉ nên dừng lại ở những sự va chạm ban đầu”.

NSND Minh Châu giữ quan điểm lạc quan hơn: “Nếu như tác động trực tiếp tới câu chuyện phim và được khắc họa khéo léo, các cảnh phim nhạy cảm hoàn toàn có “đất để sống” khi lên phim. Chẳng hạn lúc chấm phim truyền hình trong khuôn khổ giải Cánh Diều 2017, tôi bị thuyết phục tuyệt đối bởi phim ‘Thương nhớ ở ai’ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Với tôi, cảnh nóng trong phim này không phản cảm”.

Tuy nhiên, NSND Minh Châu không phủ nhận, phim Việt hiện tại vẫn lạm dụng yếu tố bạo lực và tình dục quá nhiều. Bà đánh giá: “Nhiều khi người làm phim muốn tận dụng các yếu tố nhạy cảm để câu khách. Ngay cả khi quảng bá phim, nhà sản xuất, nhà phát hành cũng trích dẫn các đoạn máu me, nóng bỏng để thu hút dư luận, trong khi những hình ảnh đó không tác động nhiều hoặc mang tính đại diện cho bộ phim.

‘Người phán xử' được làm lại từ phim của Israel, đương nhiên cần tôn trọng kịch bản gốc. Tôi đánh giá cao sức hấp dẫn của bộ phim này. Nhưng nhiều cảnh phim quá nóng bỏng hoặc quá tàn bạo không thực sự cần thiết. Tôi cho rằng việc này nên được giảm thiểu, để khán giả dễ đón nhận. Phim ảnh mang tính định hướng rất lớn với khán giả, nhiều người dễ bị ảnh hưởng từ hình ảnh trên phim. Bản thân tôi là nghệ sĩ nhưng nhiều khi xem phim, tôi cũng thấy không thỏa đáng”. 

Kiểm duyệt ngay từ kịch bản

Hứng chịu nhiều chỉ trích vì gợi dục và bạo lực, phim Quỳnh Búp Bê khai thác góc khuất nghề mại dâm đã tạm thời dừng chiếu trên sóng VTV1. Đây là trường hợp dừng sóng đầu tiên của truyền hình Việt Nam. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho rằng, cắt sóng chưa phải phương án triệt để:

Lùi giờ chiếu muộn hay cắt sóng không phải cách làm nên khuyến khích. Khung giờ vàng có lợi rất nhiều cho phim, thu hút lượng người xem đông đảo, ảnh hưởng lớn tới rating và thu hút quảng cáo. Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở kịch bản, cách dàn dựng và khâu kiểm duyệt của nhà đài ngay từ đầu”.


Yếu tố nhạy cảm nên được cân nhắc kỹ lưỡng từ khi viết kịch bản, dàn dựng trên trường quay và được kiểm duyệt trước ngày lên sóng

Nếu như phim chiếu rạp phân loại độ tuổi rõ ràng, thì phim truyền hình khó lòng làm được điều tương tự, bởi truyền hình là kênh thông tin đại chúng. Đối với vấn đề này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã ủng hộ việc xây dựng bộ quy tắc riêng cho việc kiểm duyệt phim phát sóng.

Nhưng quan trọng hơn, nhà làm phim cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề ngay từ khi viết kịch bản và bấm máy: “Các yếu tố nóng hay bạo lực cần được cân nhắc kỹ càng về tần suất xuất hiện và mức độ nhạy cảm, đủ tả thực mà không quá phô trương, phản cảm, đề cao tính giáo dục".


Theo VietNamNet