Hà Nội mấy ngày giữa tháng Giêng thật đỏng đảnh, lúc nóng lúc lạnh. Những tàng cây lốm đốm chồi xanh, xen lẫn cành khô và lá đỏ co cụm vào nhau khi trời tối rét mướt, gió thổi lập cập mấy cánh cửa gỗ sơn xanh nơi căn gác nhỏ cũ kỹ giữa lòng phố cổ.
Nhiều người biết Hà Nội có 36 phố phường, nhưng không phải ai cũng có thể kể tên tất cả. Có một vài phố nhỏ lâu đời bị lẫn trong nhịp sống hối hả, nép mình khiêm tốn với lác đác hàng quán cũ xưa, mà đôi khi người ta nghe tên còn chẳng biết nó nằm ở đâu. Xế chiều rảnh rỗi, rủ một anh bạn lên khu phố cổ dạo chơi, tôi chợt nhớ ra có ai đó từng nhắc đến một con phố vừa lạ vừa quen, sống ở Hà Nội lâu năm cũng chưa chắc đã đi qua, vì nó nhỏ nhắn, ngắn độ vài trăm mét. Ấy là con phố Hàng Chĩnh, một gạch be bé trên bản đồ đâm từ Đào Duy Từ sang.
Hàng bánh đa lâu đời hút khách đầu phố Hàng Chĩnh
Trên phố này có hơn chục quán ăn, mỗi nơi bán một vài món riêng với nét đặc trưng ẩm thực khác nhau, nhưng nổi nhất là chỗ chuyên bán các món làm từ bánh đa có tuổi đời cỡ 2 thập kỷ. Không đình đám như kiểu bún chả Đắc Kim Hàng Mành, bánh cuốn bà Hoành, cháo gà bà Mỹ... nhưng nó ngon và nổi tiếng theo hình thức "truyền miệng", rất giản dị đời thường. Và cái quán mà tôi tò mò tìm đến nằm ở gần đầu phố, căn nhà cũ số 17.
Ngó ngó xem hàng bánh đa trộn mà dân tình kháo nhau chỗ nào, tôi hơi chột dạ khi thấy quán 17 Hàng Chĩnh vắng hoe, mà cái biển menu cũng chả có chữ nào là "trộn". Quán nhỏ, được cái sạch sẽ, thoáng, vỉa hè rộng. Tưởng nhầm địa chỉ, tôi hỏi nhỏ bác chủ quán đang loay hoay dọn dẹp: "Bác ơi có bánh đa trộn không ạ". Người phụ nữ có nụ cười hiền hậu kéo ghế mời tôi ngồi: "Còn cháu ơi, đi ăn muộn thế". Hóa ra tôi đến vào lúc bác cùng chồng và con trai sắp sửa dọn quán đi về rồi, vì chỉ mở từ khoảng 11h trưa đến 4h chiều là hết hàng, hôm nay mát trời đông khách nên 3 rưỡi bác đã được nghỉ ngơi.
Bà chủ quán mến khách tốt bụng
Khách đến quán ngoài lý do yêu thích món ăn ở đây còn thích trò chuyện với bác Thơm
Chả hiểu sao vừa gặp tôi đã thấy mến bác ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhiều người ăn bánh đa bác làm từ 20 năm nay, nhưng ít ai hỏi tên bác, chỉ nhớ mặt bác và tiếng cười hồ hởi đầy lòng mến khách đằng sau cái bàn nhỏ mà bác ngồi làm đồ ăn. Mới đãi bôi được mấy câu, quay qua quay lại đã thấy bát bánh đa trộn ngon lành trước mặt, bác nháy mắt bảo: "Bát này là phút thứ 90 nhé, may vẫn còn ít gạch cua, những thứ khác sạch nhẵn rồi". May quá, bõ công mòn dép lang thang khắp các ngõ ngách như bàn cờ, đến nơi vẫn kịp thưởng thức món ăn trứ danh này. Nhìn anh bạn trơ trọi ngồi cạnh húp cốc trà đá, tôi huých cái khích lệ kèm theo câu hứa "sẽ đãi anh vào một ngày khác". Sau tôi, phải đến mấy chục người ghé vào rồi buồn thiu dắt xe về vì hết bánh đa. Bà chủ cười rổn rảng: "Ngày nào cũng đông khách lắm, bận nhất là buổi trưa, người ta xếp hàng dài, ông nhà bác cũng ngồi phụ chan bánh mà không kịp".
Quán hơi nhỏ, nhưng sạch sẽ, ngồi được cả trong nhà lẫn ngoài hè
Vừa ăn tôi vừa sướng âm ỉ vì biết tên bác là Thơm. Ô, nghe buồn cười nhưng mà tôi vui thật đó, vì tôi biết người phụ nữ 55 tuổi ấy cũng vui trong lòng, lâu nay ít khách hỏi han về bác, có những khách ngồi ở quán cả trăm lần cũng ít trò chuyện, chỉ ăn món họ thích, rồi đi. Nhiều bài báo từng viết về quán của bác, nhưng chỉ vỏn vẹn mỗi cái tên "bánh đa 17 Hàng Chĩnh". Bác không ham danh tiếng gì, nhưng được khách hàng thân thiết gọi tên như người nhà, vẫn cảm giác ấm áp trong lòng.
Dù không được ghi tên trên bảng nhưng bánh đa trộn là món được nhiều người gọi nhất tại cửa hàng này. Nó vừa dễ ăn và có phần đặc biệt hơn so với cùng món được làm ở hàng khác. Trước nhất là về số lượng, một bát bánh đa trộn ở đây có phần đầy đặn và nhiều thành phần hơn hẳn. Từ miếng chả cá, giò cho tới gạch cua, giá đỗ... tất cả đều được bác Thơm cho khá xông xênh khiến bát bánh đa trở nên bắt mắt, hấp dẫn.