Nam chính như… robot!

Đó là nhận xét của khá nhiều độc giả về diễn xuất của Anh Tuấn - người đảm nhận vai Nam ở series Phố Trong Làng. Bạn Như Tâm chia sẻ: “Nam chính diễn tệ, gồng mình như robot, thiếu tự nhiên. Từ cử chỉ, lời nói, ánh mắt, đến tác phong, dáng người phải gồng lên cho giống công an”.

Ý kiến này nhận được sự tán đồng của rất nhiều khán giả yêu phim truyền hình Việt. Sau bài viết “Mệt mỏi với hai diễn viên chính của Phố trong làng của độc giả Ngọc Nga, nhiều bạn đọc VietNamNet chia sẻ: “Anh Tuấn phim nào cũng diễn cứng đơ, làm quá, trợn mắt hoài. Gạo nếp gạo tẻ, Phố trong làng... đều thế” (Lý Tùng), “Nam chính diễn quá đơ, cứng” (Gia Định), “Anh công an trong phim này thua xa anh bộ đội biên phòng ở Mùa xuân ở lại” (Lê Nhung)…

Phố Trong Làng: Nam chính như… robot, quảng cáo hơi lố!-1
Nam chính "Phố Trong Làng" bị chê diễn cứng.

Ngoài Anh Tuấn, nhiều bạn đọc cũng chê diễn xuất và cả trang phục của nữ diễn viên chính. Cô y tá Ngọc do Ngọc Anh đảm nhận bị độc giả Cayda chê “thẳng mặt”: “Gái quê mà ăn mặc quá sexy hơn cả gái thành phố. Trong khi sống tự lập, làm y tá xã, không cần tiền chu cấp của mẹ nhưng quần áo lúc nào cũng thời trang quá mức”.

Bạn HoangLC và nhiều độc giả khác cũng chung quan điểm khi nêu nhận xét: “Ngọc diễn thiếu cảm xúc, trang phục quá sexy, không có nét gì là một cô gái thôn quê. Mong những tập tiếp theo có sự thay đổi!”.

Không hài lòng với diễn xuất của cả đôi nam nữ diễn viên chính, bạn Hà Lan Ngọc cho rằng: “Có vẻ như đạo diễn đã chọn nhầm diễn viên, từ sắc vóc đến diễn xuất của cặp đôi này nhạt nhòa và không cảm xúc”.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến chê bai dàn diễn viên chính, nhiều độc giả lại dành lợi khen ngợi diễn xuất của Doãn Quốc Đam. Bạn Minh Viện chia sẻ: “Nhìn sang Quốc Đam là thấy diễn xuất khác hẳn”. Hay như anh Đức Tùng thì cho rằng: “Phim chỉ có một người diễn thực sự hay là Doãn Quốc Đam với vai Mến”.

Độc giả Nguyễn Duy Hy nhấn mạnh: “Phim này không có những vai phụ của Doãn Quốc Đam và Trần Vân thì tôi cá nó vắng người xem như chùa Bà Đanh”.

Phim dở do… kịch bản non?

Độc giả Đỗ Quang đặt ra câu hỏi về việc cải tổ kịch bản phim trên sóng truyền hình: “Kịch bản non, thiếu những điểm nhấn trong xây dựng tính cách nhân vật! Lời thoại chẳng có gì lay động người xem, diễn xuất quá nhạt nhòa. Thế mới hay phim trên VTV cần đại phẫu mạnh mẽ từ kịch bản trở đi?”.

Phố Trong Làng: Nam chính như… robot, quảng cáo hơi lố!-2
Doãn Quốc Đam được khen trong phim này.

Bạn đọc tên Trang thì cho rằng Phố Trong Làng bị chê bởi phim “nhạt nhẽo từ kịch bản, diễn viên thì quá tầm thường”. Độc giả Hung Nguyen nêu ý kiến: “Xem có một tý mà đã thấy chán, không thật! Trẻ con nói năng khôn hơn người lớn, diễn viên đối thoại nhạt nhẽo, biểu cảm gượng gạo, cố tình nâng cao tình tiết để tăng cao trào nhưng chưa đúng chưa cần thiết. Nhiều cảnh quay kéo dài quá thừa như cảnh Mến nhảy xuống ao tìm con”...

Theo độc giả Nguyen Minh, phim đang phát sóng trên khung giờ vàng của VTV1 “càng ngày xem càng nhạt nhẽo, không nổi bật được nỗi vất vả của các chiến sĩ công an trong tình hình mới”. Trong khi đó, bạn Bui The Dung ca thán: “Phim 'mậu dịch' thì cũng chỉ đến thế thôi. Kinh phí nhà nước lo, phát miễn phí, dân thích hay không thì “tùy”, miễn là đoàn làm phim có thu nhập là ổn rồi”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phim nhạt hay dở là do kịch bản bởi như độc giả Nguyen nhận xét: “Doãn Quốc Đam trong phim Phố trong làng diễn xuất nhiều cảm xúc, nhưng trong phim Thương ngày nắng về trên VTV3 thì lại quá tẻ nhạt. Tuỳ vào kịch bản thôi”.

Phim giờ vàng, quảng cáo vô duyên

Đó là nhận xét của khá nhiều bạn đọc VietNamNet sau khi theo dõi nhiều tập Phố Trong Làng. Độc giả Tung chia sẻ: “Xem em Ngọc mặc sexy vẫn thích hơn xem quảng cáo “ho là xịt, trước khi ngủ chị xịt, đang ngủ chị xịt, lúc nào thích là chị xịt…”. Oải với quảng cáo nhãn hiệu Việt Nam!''

Phố Trong Làng: Nam chính như… robot, quảng cáo hơi lố!-3

Tán đồng ý kiến này, nhiều độc giả như bạn Huong, Cam Linh, Thuy Dung Nguyen… đều nhận xét: “Quảng cáo vô duyên thật”, “Đệ nhất quảng cáo là đây chứ còn đâu”…

Ý kiến của bạn Nguyen Minh cũng là điều nhà đài nên suy ngẫm, cân nhắc trước khi nhận quảng cáo của bất cứ thương hiệu nào: “Tôi chán quảng cáo quá! Nghe nhức cả đầu đúng là làm mất thời gian của nhân dân”.

Thiết nghĩ, bất cứ tác phẩm truyền hình nào cũng phải đối mặt với nhiều luồng dư luận trái chiều, có khen thì tất sẽ có chê. Tuy nhiên, để chê nhiều hơn khen, phàn nàn nhiều hơn ngợi ca… thì nhà đài cũng cần lắng nghe các góp ý, để phim sau tốt hơn phim trước, hấp dẫn khán giả xem truyền hình nhiều hơn…

Theo VietNamNet