Hệ lụy của phong trào phóng sinh
P.N (Sơn Tây, Hà Nội), một đầu mối cung cấp chim tự nhiên để phóng sinh cho biết: Từ đầu tháng cô hồn tới giờ, cô bán khoảng 4.000 con chim tự nhiên cho khách có nhu cầu phóng sinh. Số chim này do N đặt từ các thợ săn trong làng và gom từ một số tỉnh khác, thường có các loại: cà kheo, mắt xéo, câu đất, tu hú, sẻ, ri, vàng anh...
Theo N, càng gần đến rằm thì lượng khách “o đờ” (đặt hàng) càng đông dần lên, và khách hàng chủ yếu là người giàu. Biết tôi được người quen giới thiệu, P nói thêm: “Nếu muốn mua chim phóng sinh thì nên chọn ri, giá 12.000đ/ con, loại này khỏe, giá rẻ, thả ra còn sống chứ mấy loại chim to mắc bẫy đều yếu rồi, một số loại khác thì nó cắn lưỡi chết ngay khi bị nhốt”.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân đang làm thủ tục “phóng sinh” một chú chó sắp bị đưa vào lò mổ
TS. Nguyễn Tiến Cường (Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội) chia sẻ: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, việc săn bắt chim tự nhiên để phóng sinh cũng gây tác hại với hệ sinh thái không kém việc săn bắt chim để làm đồ ăn.
Thứ nhất, những cá thể chim đang tự do bị bắt nhốt vào lồng, được nuôi nhốt trong điều kiện kém (thức ăn không hợp, phải sống chen chúc...) cộng với tinh thần hoảng loạn, đa số sẽ ốm yếu và chết.
Nếu thời gian nuôi nhốt dài, kể cả số chim khỏe mạnh khi được thả ra cũng bị suy giảm đề kháng, mất quán tính bay và kiếm mồi, kết quả cũng vẫn là chết. Chưa kể, trong số rất nhiều chim bị bắt đang trong thời kỳ nuôi con, chim non mất mẹ, không được mớm mồi sẽ chết”.
Chim phóng sinh được bày bán trước các cổng chùa vào mùa Vu lan
Chị Trần Khánh Hà, sáng lập viên của mạng lưới “Ngưng phóng sinh” có gần 13.000 thành viên cho biết: “Mùa Vu lan năm 2014, tôi đến một ngôi chùa gần nhà thì gặp đúng lễ phóng sinh. Hơn chục cái lồng chim do thương lái chở đến để san sát ngoài sân chùa chen chúc cả vài trăm con chim, đa số trông rất yếu, một số con còn sống thì sợ hãi, đập cánh liên tục. Số lồng chim đặt ở ngoài nắng chờ các sư làm lễ đến tận trưa mới xong và được phép mở cửa lồng. Đó là cảnh tượng tôi không bao giờ quên. Trong số hàng trăm con chim ấy, rất nhiều con chỉ đập cánh được vài nhịp thì ngã xuống, có con yếu quá không bay được thì bị chen lấn giẫm chết. Trong sân chùa đầy xác chim và lông chim bay loạn. Khi về, tôi mới mở fanpage này để kêu gọi anh em, bạn bè, đồng nghiệp... đừng bao giờ tiếp tay cho các hoạt động phóng sinh kiểu đó”.
Chim cà kheo tự nhiên được giao bán để phóng sinh
Một điều thú vị, trong fanpage của chị Khánh Hà có sự tham gia của nhiều nhà sư. Có những người đã để lại comment và nhận được sự đồng tình, yêu thích của hàng nghìn người.
Ví dụ, bình luận của sư thầy Viên Giác: “Phóng sinh vốn là một hành động thể hiện đức hiếu sinh, được đạo Phật khuyến khích. Nhưng càng ngày, câu chuyện phóng sinh càng bị bóp méo và đi sai hướng dẫn tới hình thành cả một hệ thống mua bán, săn bắt, nuôi nhốt, ngược đãi... động vật hoang dã chỉ để phục vụ cho hành động “thả nó ra” mà không quan tâm, những con vật đó sau khi được thả có còn tiếp tục sống được không”, nhận được 8.200 like.
Hay chia sẻ của sư ông Thích Thanh Hiền cũng nhận được gần 7.000 like như sau: “Muốn tạo phước, thì tốt nhất là sống chánh trực, hiếu đễ, yêu thương đồng loại, yêu thương vạn vật. Cha mẹ là bồ tát tại gia? Phật ở trong nhà xin chớ bỏ quên”.
Mấy năm nay, đều đặn từ đầu tháng 7 âm lịch, nhóm của chị Khánh Hà đều đến các chùa phát tờ rơi, mã QR trong đó chứa thông tin về những hậu quả của việc mua bán chim, cá, rùa... phóng sinh và cả những giải thích về phóng sinh đúng nghĩa của đạo Phật.
“Thế nhưng, hiệu quả không cao như mong muốn. Cứ gần đến Rằm ra đầu phố Hoàng Hoa Thám là chim phóng sinh bán đầy, muốn mua bao nhiêu cũng có. Còn ở cổng một số chùa lớn thì cua, ốc, chim, cá, rùa... được bán tự do như ở chợ. Có người bán chim khi được tuyên truyền còn biện hộ: Cô mua nó để phóng sinh một lần là giải nghiệp cho nó một lần, còn việc nó bị bắt lại, bán lại là do nghiệp của nó!”.
Phóng sinh theo kiểu những người trẻ
Câu chuyện phóng sinh hiện đã lan rộng trên mạng xã hội thu hút sự chú ý của nhiều người trẻ, thậm chí thuộc thế hệ gen Z. Bạn Trần Võ Thị Mai kể: “Mẹ tôi trước đây hay đi chùa tham gia các lễ phóng sinh. Hầu như năm nào cũng làm một hai lần. Có lần theo mẹ thấy người ta thả cả rùa cạn xuống nước, rồi cá thả đầu này, thì đầu kia có người giăng lưới bắt lại ngay, tôi thấy không ổn mới thuyết phục mẹ đừng làm vậy nữa.
Bây giờ, chúng tôi thường gửi tiền quyên góp cho các tổ chức cứu hộ động vật. Việt Nam đang có quá nhiều loài động vật đang đứng trên nguy cơ tuyệt chủng, hoặc nằm trong danh sách đỏ. Chỉ cần 1-2 usd, mọi người chung tay lại là có thể cho các em ấy một cơ hội sống.
Nếu phóng sinh được hiểu là cứu sống động vật, vậy thì tôi nghĩ, việc không đánh, bắt, giết, tạo môi trường, điều kiện cho nó sinh tồn mới là đúng, chứ không phải tạo điều kiện cho người ta săn, bắt rồi mình mua lại, thả nó ra. Trong quá trình mua đi bán lại ấy, biết bao con vật vô tội đã chết”.
Về chuyện phóng sinh, họa sĩ Thăng Fly (sinh năm 1988) đã bày tỏ thái độ rõ ràng qua hai bức tranh đơn giản kể về đối thoại của hai mẹ con chim bị bắt chờ phóng sinh. Theo đó, chim con hỏi mẹ: “sao loài người cứ bắt tụi mình rồi lại thả thế hả mẹ”, chim mẹ trả lời: “họ làm thế để thể hiện lòng nhân ái con ạ”. Bức tranh này được Thăng vẽ từ tháng 8/2022 đến nay đã có 132.000 like, 3.800 bình luận và 6.600 lượt chia sẻ. Nhiều bình luận để lại đã nhận xét rằng: “lòng nhân ái kiểu này là một thứ giả trân và nó chỉ tạo nghiệp chứ chẳng có phúc báo nào ở đây cả”.
KOL Tuấn Hòa (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) chia sẻ quan điểm phản đối chuyện phóng sinh, nhận được gần 100.000 lượt đồng tình: “Tôi không đi chùa nhiều, chỉ lâu lâu ăn chay, miệng thỉnh thoảng vẫn nghiệp, nhưng thấy người cần giúp thì giúp, báo hiếu ba mẹ theo khả năng của mình, quyên góp định kỳ cho những người nuôi chó mèo hoang chứ tuyệt không phóng sinh. Tôi không muốn tiếp tay cho nghề săn bắt, nuôi nhốt... chim hoang dã”.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân nhiều năm nay cũng nổi tiếng trong cộng đồng bảo vệ động vật ở hành động thường xuyên bỏ tiền túi mua chó từ những lò mổ để “phóng sinh”. Anh Dân kể: cứ đi trên đường gặp người bán chó trên đường đến lò mổ là anh không thể ngoảnh mặt làm ngơ được. Kiểu gì cũng phải dừng lại, mua giá cao, có khi còn phải năn nỉ để người ta “sang nhượng”. Hàng trăm con chó đã được anh giải cứu trong nhiều năm. Số chó ấy, một phần anh giữ nuôi, phần lớn còn lại anh dành tặng các bạn bè trong hội yêu động vật và không bao giờ lấy một đồng từ những người chủ mới này. Câu chuyện của anh Dân đã trở thành một ví dụ của phóng sinh rất thường được nhắc lại vào những dịp phong trào này lên cao điểm như Rằm tháng 7 âm lịch.
Theo Tiền phong