Trung Quốc
Đối với người Trung Quốc thì ngày 15/7 âm lịch là ngày quan trong nhất của tháng cô hồn. Họ cho rằng, cổng địa ngục sẽ được mở ra vào ngày này, do đó các linh hồn sẽ lên nhân gian để ăn uống, vui chơi.
Họ chuẩn bị các bữa cơm, vàng mã, quần áo… để đốt cho những linh hồn vất vưởng. Vào ngày cuối cùng của tháng, người dân nơi đây sẽ thả đèn lồng xuống các con sông với lòng tin rằng những ngọn đèn này sẽ dẫn đường cho các linh hồn trở về đúng với thế giới của họ.
Đây đều là phong tục của người Trung Quốc trong rằm tháng 7
Họ kiêng kỵ chụp ảnh vào ban đêm, không mua sắm, không đầu tư kinh doanh, tổ chức sinh nhật hay giết sâu bọ, côn trùng, thậm chí không ra ngoài một mình vào buổi tối các ngày trong tháng này.
Singapore
Người dân ở đây cũng cúng tổ tiên và đốt vàng mã giống như Việt Nam vào tháng 7 âm lịch. Người Singapore có phong tục xem kịch vào tháng này, thậm chí họ dành riêng hàng ghế trống đầu tiên cho các linh hồn "ngồi xem".
Bên cạnh đó họ sẽ có những điều kiêng kỵ như kiêng chuyển nhà, văn phòng,... Bởi theo họ, việc chuyển nơi cư trú sẽ khiến các linh hồn nơi ấy nổi giận. Người dân nơi đây cũng tránh giết côn trùng vào tháng này, màu áo đỏ cũng được kiêng mặc vì họ tin rằng ma quỷ sẽ bám theo.
Malaysia
Ở Malaysia đối với những người theo đạo Phật họ sẽ đến những ngôi đền để cầu nguyện, sau đó đốt hình nộm của thần bảo hộ các linh hồn. Cuối cùng, thầy tu ở các đền sẽ tung đồng xu để họ cầu may trong dịp lễ "ma quỷ" này.
Còn với người dân bình thường thì họ cũng cúng bái, đốt vàng mã và thả đèn để đưa tiễn các vong linh về đúng nơi chốn của họ.
Đài Loan
Tại Đài Loan, lễ cúng cô hồn được diễn ra với ba phần khác nhau: mời các vong hồn, cúng tế cho họ ăn vào ngày 15/7 và đưa tiễn họ vào ngày 29/7
Trong ngày cúng cô hồn, các gia đình sẽ chuẩn bị thịt, hoa quả, hoa tươi và các thứ khác để cúng trên chùa hoặc thực hiện ngay trước sân nhà mình. Gia đình có điều kiện có thể mời các vị sư về nhà làm lễ cầu siêu cho vong linh tổ tiên nhà mình và các linh hồn không nơi nương tựa khác
Trong dịp này, người dân Đài Loan cũng tổ nhiều lễ hội khác như lễ hội rước ma, thả đèn hoa đăng với quy mô lớn.
Nhật Bản
Nếu ở Việt Nam có lễ Vu Lan báo hiếu tổ tiên thì ở Nhật Bản có lễ hội gọi Obon tương tự như vậy, được tổ chức vào 3 ngày 14, 15, 16 tháng 7 âm lịch hàng năm.
Tại xứ Phù tang, mỗi địa phương lại có một nghi lễ, tổ chức khác nhau. Nhưng nhìn chung vẫn là các hoạt động diễu hành tập thể hội chợ, khu vui chơi để đón các khách du lịch tham quan.
Tương tự như các nước châu Á thì Nhật Bản cũng cúng bái và thả đèn hoa đăng xuống nước. Tuy nhiên hoa đăng của họ được làm từ những khung tre hình trụ vuông, giấy bồi cứng, vậy nên khi thả đèn ngọn lửa không mau tắt, đèn cũng không thấm nước mà rã ra nên trông rất đẹp mắt.
Thái Lan
Sớm hơn các nước cùng khu vực một tháng, vào tháng 6 âm lịch hằng năm, Xứ sở Chùa Vàng tổ chức lễ hội Ma Xó nhằm tôn vinh người chết với các buổi diễu hành kéo dài cùng các phong tục địa phương độc đáo.
Trong quan niệm của người dân Thái Lan, lễ hội Ma Xó diễn ra là dịp để người dân ca hát, nhảy múa nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với những linh hồn đã luôn che chở, bảo vệ cuộc sống, ngôi làng của họ và cầu xin thời tiết thuận lợi cho vụ mùa sắp tới.
Hàn Quốc
Theo phong tục truyền thống, người Hàn Quốc gọi ngày rằm tháng 7 là Bách Chủng (Baekjong), tức là 100 chủng loại hạt ngũ cốc, vì đây là thời điểm có nhiều loại rau củ quả có thể thu hoạch trong năm.
Vào ngày này còn là ngày lễ Hội Vu Lan Bồn hay ngày lễ Cha Mẹ là ngày tưởng nhớ tổ tiên, tri ân và bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc sinh thành.
Vào ngày này, mọi công việc đồng áng đã hoàn thiện người nông dân bắt đầu có thể nghỉ ngơi và chờ đến khi lúa chín, nên cũng không cần sử dụng đến cái liềm nữa. Chính vì thế mà ngày này còn được gọi là Ngày rửa liềm.
Hội nông dân sẽ tổ chức diễu hành với trang phục Hanbok truyền thống, tay cầm gậy có khi mang mặt nạ hoặc không nhằm xua đuổi tà thần và cầu xin một vụ mùa mới may mắn cũng như không bị cô hồn quấy phá.
Nami (Tổng hợp)
Theo VietNamnet