Tôi có cô con gái mới 6 tuổi, nhưng có lẽ do tiếp xúc với mạng xã hội sớm, cộng thêm được chiều chuộng nên cháu “biết quá nhiều” về phong tục lì xì Tết.
Lúc còn 3-4 tuổi, ai lì xì gì cháu cũng cầm, thậm chí có lúc cầm xong còn “bỏ đấy” vì mải chơi những thứ khác. Trong phong bì là loại tiền mệnh giá bao nhiêu, cháu cũng “kệ”.
Vậy mà khi 5-6 tuổi, chẳng hiểu nghe ở đâu mà cháu bắt đầu để ý và biết phân biệt mệnh giá tiền. Giống như người lớn, cháu cũng thích loại mệnh giá to.
Tết tôi đưa cháu về quê chơi, lúc ông bà mừng tuổi, cháu bóc luôn phong bao và chê “ít quá”. Được cái toàn là gia đình nên ai cũng cười ầm lên, coi đó là chuyện vui.
Sáng mùng 1, tôi dẫn cháu đi một vòng họ hàng, đến nhà ai cháu cũng được mừng tuổi. Nhưng ở quê, mừng tuổi chỉ là tấm lòng với những tờ tiền mệnh giá thấp, mang tính tượng trưng. Tôi đã dặn cháu, không được bóc bao lì xì, không được đòi hỏi. Cháu “gật gật” nhưng lúc “thực tế” thì lại khác.
Đến nhà bác trưởng họ, đợi mãi không thấy được mừng tuổi, cháu vô tư hỏi “Bác không lì xì cho cháu à”? Câu thắc mắc của đứa bé khiến ông trưởng họ đỏ mặt, lúng túng. Bí quá, ông lấy luôn cái bao lì xì tôi mới biếu ông để đưa lại cho con gái tôi. Vào xthời điểm ấy, tôi ngồi như phỗng, không còn cái “kẽ” nào để chui cho bớt xấu hổ.
(Ảnh minh hoạ).
Qua nhà một người họ hàng khác, trên đường đi tôi phân tích cho con việc làm khi nãy là chưa đúng, cháu cũng “vâng ạ” nhưng kỳ thực tôi lo lắm.
Tới nơi, cháu được phát một bao lì xì mầu đỏ, cháu hồn nhiên bóc dù tôi đã lừ mắt, cảnh cáo. Cháu rút tờ tiền 10 nghìn đồng ra và chê “ít quá” rồi để cả phong bì lẫn tiền lên bàn, không thèm nhận. Tôi phải to tiếng với con rồi rốt rít xin lỗi người họ hàng kia.
Những câu chuyện về tiền lì xì dịp Tết luôn là nỗi ám ảnh của không ít bậc phụ huynh. Chị bạn tôi kể, có lần đưa con đến chúc Tết hàng xóm, cậu bé còn lăn ra đất, nhất quyết đòi phải được mừng tuổi 500 nghìn đồng khiến bác hàng xóm “tái mặt”, còn chị bạn tôi thì xấu hổ đến cùng cực.
Chứng kiến những cô bé, cậu bé luôn “yêu sách” khi nhận tiền lì xì, tôi mới nhận ra cái sai thuộc về bố mẹ. Chúng ta đã quá nuông chiều con, để con tiếp xúc với đồng tiền quá sớm khiến chúng dễ dàng đòi hỏi.
Khi nói chuyện với một chuyên gia giáo dục, họ bảo tôi rằng việc ngăn con tiếp xúc với tiền không hẳn đã tốt, quan trọng nhất là phải biết định hướng, chị dạy cho con cách ứng xử với tiền. Để từ đó con sẽ hình thành nên những thói quen tốt.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống