Ngày 25/09/2024 vừa qua, Tòa án Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã xét xử vụ án ly hôn, phân chia con cái và tranh chấp tài sản giữa bà N.T.H.M (SN 1984, nguyên đơn) và ông N.V (SN 1983, bị đơn).

Tòa tuyên ông N.V được sở hữu 58% tài sản chung, bà M. nhận 42%. Quyết định này gây nhiều tranh cãi, đặc biệt khi những cáo buộc biển thủ tài sản chung của ông N.V không được xem xét đầy đủ.

Sau phán quyết của tòa án sơ thẩm, bà N.T.H.M bày tỏ sự thất vọng và bức xúc khi chỉ nhận được 42% tài sản chung. Theo bà M, điều này không phản ánh đúng đóng góp lớn của bà trong quá trình vun đắp gia đình và hình thành khối tài sản chung.

Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?-1
Chia tài sản sau ly hôn là một vấn đề thường gây tranh cãi (Ảnh minh họa).

"Trong suốt 14 năm chung sống, tôi đảm nhận 90-100% chi phí chăm lo gia đình, chu toàn việc phụng dưỡng hai bên nội ngoại, nuôi dạy hai con trai khôn lớn và tự lực xây dựng sự nghiệp riêng.

Bên cạnh đó, tôi còn cung cấp cho tòa án hơn 22 tập sao kê tài khoản, hơn 10.000 giao dịch và hơn 1.500 trang bút lục, bao gồm lời khai từ nhân chứng, chứng minh đóng góp phần lớn về tài sản chung và đặc biệt hỗ trợ tài chính cho sự nghiệp của chồng trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, đời sống tinh thần của tôi luôn căng thẳng do phải chịu đựng sự kiểm soát, gia trưởng, ghen tuông vô lý và nhiều hành vi bạo lực tinh thần từ chồng cũ", bà M uất nghẹn.

"Ấy vậy mà khi ra tòa, tòa lại phán quyết cho tôi chỉ được sở hữu 42% tài sản chung, trong khi ông N.V không cung cấp được bằng chứng rõ ràng cho phần tài sản mà ông ấy khẳng định thuộc về mình, nhưng vẫn được nhận tỉ lệ lớn hơn trong phán quyết", bà M. bức xúc và đã nộp đơn kháng cáo lên cấp thành phố để làm rõ những nội dung chưa thỏa đáng trong bản án.

Khi làm đơn kháng cáo, bà M. mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ những nội dung còn gây tranh cãi trong bản án.

Việc chia tài sản sau ly hôn là một vấn đề thường gây tranh cãi. Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) cho rằng, trong những trường hợp này, các bên có thể yêu cầu xem xét lại quyết định của Tòa án bằng bản kháng cáo sau 15 ngày nếu họ cảm thấy bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, việc chứng minh những đóng góp thực tế và đưa ra các lý lẽ hợp lý trong vụ kiện tài sản là rất quan trọng.

Theo Luật sư Vinh, vì đây là án dân sự nên người vợ cần phải chứng minh được lương và thu nhập của mình cao hay thấp hơn so với người chồng trong gia đình.

"Nếu chứng minh được tài sản của người vợ kiếm được nhiều hơn chồng thì không thể nào có chuyện chồng được chia tài sản chung nhiều hơn mà vợ lại được chia ít hơn", ông Vinh nói và lưu ý người vợ phải chứng minh và đưa được chứng cứ mới trong việc mình là người có thu nhập cao hơn.

Bên cạnh đó, nếu cảm thấy trong phiên tòa sơ thẩm đã bỏ qua những chứng cứ, tình tiết quan trọng thể hiện hai vợ chồng ai có đóng góp nhiều hơn thì tại phiên kháng cáo người vợ cần phải chứng minh được thu nhập của mình cao hơn.

"Tòa chỉ xem xét khi có các tình tiết mới hoặc có các vi phạm tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm", vị luật sư lưu ý.

Theo Người đưa tin