Theo dự thảo, từ 1/10, người ngồi trên xe phải đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông của ngành y tế; tuân thủ 5K; khai báo y tế qua ứng dụng VNEID. Riêng đơn vị vận tải phải đảm bảo các điều kiện theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động giao thông vận tải.
Việc tổ chức giao thông được chia thành 3 khu vực: Phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới.
Khu vực phong tỏa: chỉ cho một số loại xe lưu thông như: Xe công vụ, xe phục vụ phòng chống dịch, xe chở hàng hóa (lương thực, thực phẩm, gas, dược phẩm, tang lễ, xe xử lý sự cố hệ thống thông tin hạ tầng...); các xe chở đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch; người kết thúc thời gian cách ly tại khu cách ly tập trung; người bệnh Covid-19 xuất viện trở về nơi cư trú.
Khu vực nguy cơ: cho phép thêm các xe của shipper; xe vận chuyển hàng hóa, dịch vụ liên quan công chứng, luật sư, đăng kiểm, bưu chính; khám chữa bệnh; xe chở thiết bị, vật liệu xây dựng; taxi có mã QR; xe đưa người dân TP về quê và xe đón người dân trở lại TP theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia được cấp phép hoạt động.
Trường hợp khu vực nguy cơ có những tuyến đường liên quận cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả loại xe quá cảnh.
Theo dự thảo, shipper được phép hoạt động tại khu vực nguy cơ
Khu vực bình thường mới: cho phép xe buýt (hoạt động theo từng tuyến cụ thể), xe khách, xe hợp đồng (có mã QR), bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, tuyến du lịch đường thủy... và các loại xe được phép lưu thông ở khu vực nguy cơ.
Về hoạt động vận tải hàng hóa: xe tải nhẹ (2.500 kg) được chạy 24/24 ở khu vực nguy cơ và khu vực bình thường mới cho đến khi có thông báo mới. Xe tải nặng (trên 2.500 kg) chạy theo Quyết định 23/2018/QĐ-UBND năm 2018.
Việc vận chuyển hàng hóa từ các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa vào các điểm phân phối phải tuân thủ theo phương án điều phối của Sở Công Thương, Ban Quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp.
Về hoạt động vận tải hành khách: xe buýt, taxi, xe hợp đồng 9 chỗ; xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch (có mã QR) được phép hoạt động với số lượng, tần suất phù hợp với thực tế dựa trên công bố của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT).
Xe vận chuyển công nhân, chuyên gia phải được Sở GTVT cấp giấy nhận diện có mã QR thông qua các đơn vị đầu mối.
Ngoài ra, các trạm thu phí dịch vụ đường bộ thuộc khu vực bình thường mới được phép hoạt động trở lại.
Người dân đến TP.HCM khám chữa bệnh phải có giấy hẹn tái khám hoặc giấy chuyển viện, kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực cùng xác nhận của chính quyền địa phương
Về lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh: Xe chở hàng hóa đến hoặc đi ngang qua TP.HCM phải có mã QR. Xe có lộ trình quá cảnh qua TP.HCM không được dừng, đỗ trong quá trình di chuyển, trừ khi phương tiện bị hỏng, sự cố kỹ thuật, sức khỏe người trên xe không đảm bảo... Các xe chở hàng hóa đi, đến TP.HCM phải tập trung tại các chợ đầu mối, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Đối với xe đưa rước công nhân, chuyên gia: doanh nghiệp xây dựng phương án đi lại cụ thể, thông qua đơn vị đầu mối; có đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi Sở GTVT, phối hợp với Sở GTVT các địa phương cấp giấy nhận diện có mã QR.
Xe chở công nhân, chuyên gia có trách nhiệm thông báo danh sách phương tiện, thời gian, hành trình vận chuyển kèm theo danh sách lái xe, nhân viên trên xe và nhận diện phương tiện cho Sở GTVT, chốt kiểm soát giám sát.
Đối với người dân từ địa phương khác đến TP.HCM khám chữa bệnh: người dân phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực (72 giờ); giấy chuyển viện từ bệnh viện địa phương hoặc giấy hẹn tái khám tại bệnh viện thuộc TP.HCM; xác nhận của chính quyền địa phương về việc đến TP.HCM khám chữa bệnh.
Về hoạt động đi, đến sân bay Tây Sơn Nhất: người lưu thông thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải tại công văn 8272 (ngày 11/8/2021).
Sau 1/10, TP.HCM cũng duy trì 12 chốt kiểm soát chính tại cửa ngõ thành phố và 49 chốt, trạm phụ.
Theo Zing