Khi Thu Phương hai mươi lăm tuổi, tôi gặp cô ở Sài Gòn, vào một buổi sáng muộn trong khoảnh sân có những đốm nắng nhảy nhót thuộc ngôi biệt thự 81 Trần Quốc Thảo, hội sở hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố. Đó là lúc tôi đã viết xong những bài giới thiệu chân dung Mỹ Lệ, Phương Thanh, Vân Khánh, Trần Thu Hà, Quang Linh, Lam Trường, và đang cần tìm thêm nhân tố mới để viết và chụp cho tạp chí chuyên âm nhạc của anh Từ Huy, tờ Thế Giới Âm Nhạc. Sau khi chụp thật nhanh một ít chân dung với máy phim, chúng tôi ghé sang một quán cà phê nhỏ ngay trên đường Tú Xương để “phỏng vấn”.
Thu Phương lúc đó đang là siêu sao phương Bắc, đắt show khủng khiếp và là gương mặt hiếm hoi trong số các ca sĩ Hà Nội được Sài Gòn yêu chuộng mà không cần thay đổi phong cách. Những cuộc Nam tiến của Phương chẳng phải chuẩn bị gì, chẳng phải cố gắng làm khác đi, gia giảm thêm bớt gì hết.
Phương đang nổi trong tay nhà sản xuất Nguyễn Hà và là giọng ca cưng của Vafaco: em hát Trần Quang Lộc, Lã Văn Cường, Hữu Xuân, em hát nhạc ngoại, em hát nhạc xưa (Lê Uyên Phương), tất cả đều ăn khách, đều thành hit, không có đối thủ - hay nói cho công bằng, em đứng một mình một vị thế, một mảnh đất; và ở vị trí độc lập đó, Phương chẳng có ai cạnh tranh. Phương tỏ ra Sài Gòn hơn cả, nếu xét lại những giọng ca thời danh lúc ấy như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tam ca 3A.
Phương hát kiểu Sài Gòn, mặc kệ đồng nghiệp có xầm xì “bà ấy hát thị trường”, “bà ấy là kiểu ca sĩ kiếm tiền”, “hát dễ thấm nên đắt show, nhưng không văn minh”. Thì đó cũng là những thiên kiến mà ca sĩ Hà Nội dành cho nhạc Sài Gòn: dễ nghe dễ cảm, nhưng không văn minh. Cần gì! Chúng ta chỉ biết rằng phòng trà đêm nào có mặt Phương, thì kín chỗ, tôi nói điều này có các ông chủ phòng trà và các bạn ban nhạc làm chứng. Kín chỗ từ đầu buổi. Còn muốn book lịch thu âm cho Phương thì sao nhỉ? Phải thức đêm mà thu, ban ngày em không còn khoảng hở thời gian nào nữa.
Năm 2001, khi Mỹ Tâm khởi nghiệp và tỏa sáng sau đó, tôi đã chỉ cho Tâm thấy cái ánh sáng, cái hào quang lạ lùng mà Phương có được, thứ hào quang bí ẩn do “được Tổ đãi” hay do tự thân một người có tài, có duyên với nghề sẽ tỏa ra, vào giai đoạn rực rỡ của sự nghiệp.
Thu Phương chưa bao giờ hát “khó”, chưa từng mong muốn phô diễn kỹ thuật để tỏ ra mình có học. Em hát dễ dàng, hát như thở, giai điệu sao thì hát vậy, không dụng công, không biến chế. Thứ em đem vào bản nhạc, là cái hồn. Dù hát rất nhiều bài, thu âm cơ man nào là đĩa, gần như bài nào rơi vào Phương cũng được chăm chút, chẳng phải đầu tư gì ghê gớm, chỉ đơn thuần là hiểu bài.
Hiểu giai điệu này mang tình cảm gì, hiểu lời hát gửi gắm những ý tứ nào. Đã nói về chuyện này, tôi nhớ đến Hiền Thục. Khi được phỏng vấn vì sao Thục không hát nhiều “Tóc Nâu Môi Trầm” khi cô là người được tôi giao bài trước nhất, cô đáp rằng hồi đó cô không hiểu lời, chưa hiểu thì không hát. Rất chân thành, rất thực tế. Thu Phương cũng vậy, tôi đoan chắc em sẽ từ chối thu âm khi một ca khúc trúc trắc trên mây, lời ca bí hiểm. Thu nhạc ngoại lời Việt, em cũng hỏi tôi xem em hiểu có đúng ý không. Chỉ vậy thôi, đơn giản và ngắn gọn là: HIỂU mới HÁT.
Đĩa đầu đời chính thức của Thu Phương do tôi sản xuất năm 2000 mang tên Chào Em, Chào Xinh Tươi!. Đĩa ấy thu nhanh lắm, chỉ mất ba buổi chiều ở studio Kim Lợi. Bài hát “đinh” trong đĩa là “Cô Gái Đến Từ Hôm Qua” của Trần Lê Quỳnh. Một ballad đẹp đến phát khóc, lời ca chân thật đến rùng mình.
Vẫn mãi là như thế anh không trẻ lại
Dòng thời gian trôi như ánh sao băng
Trong khoảng khắc qua chúng ta
Nhiều năm xa hạnh phúc anh muốn bên em
Cuộc đời này dù ngắn, nỗi nhớ quá dài
Và cũng đã đủ lớn để mong bé lại
Như ngày hôm qua.
Đã lớn đủ, giờ chỉ mong bé lại, ngây thơ trở lại, và em trở lại.
(Phương đã khóc khi hát những lời trên, lúc thu âm và cả khi trình diễn ca khúc này ở phòng trà M-Saigon để ra mắt đĩa. Các bạn ca sĩ thân mến ơi, khi nào các bạn khóc được, thì người nghe các bạn sẽ gói ghém những giọt nước mắt ấy vào tim họ mãi mãi.)
Nhiều người hỏi tôi, Thu Phương nằm ở đâu giữa các divas, ở vị trí nào trên bản đồ nhạc đại chúng Việt. Tôi trả lời chung ở đây, rằng Phương không tự vẽ bản đồ cho mình, nên bạn đặt em ở đâu cũng được. Một chấm nhỏ xíu. Một hình bóng mơ hồ. Sao cũng được. Chỗ của Phương, vị thế của em nằm ở chỗ khác: ở trong tim những người nghe nhạc nhiều thế hệ. Có lẽ mãi mãi, chất alto vừa đằm sâu ẩn ức vừa thơm ngát như những luồng sáng tỏa ra từ một chiếc đỉnh đồng đốt trầm, của em, vẫn còn ở thật vững trong trí nhớ thính giả. Mãi mãi.
Thu Phương lúc đó đang là siêu sao phương Bắc, đắt show khủng khiếp và là gương mặt hiếm hoi trong số các ca sĩ Hà Nội được Sài Gòn yêu chuộng mà không cần thay đổi phong cách. Những cuộc Nam tiến của Phương chẳng phải chuẩn bị gì, chẳng phải cố gắng làm khác đi, gia giảm thêm bớt gì hết.
Phương đang nổi trong tay nhà sản xuất Nguyễn Hà và là giọng ca cưng của Vafaco: em hát Trần Quang Lộc, Lã Văn Cường, Hữu Xuân, em hát nhạc ngoại, em hát nhạc xưa (Lê Uyên Phương), tất cả đều ăn khách, đều thành hit, không có đối thủ - hay nói cho công bằng, em đứng một mình một vị thế, một mảnh đất; và ở vị trí độc lập đó, Phương chẳng có ai cạnh tranh. Phương tỏ ra Sài Gòn hơn cả, nếu xét lại những giọng ca thời danh lúc ấy như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tam ca 3A.
Phương hát kiểu Sài Gòn, mặc kệ đồng nghiệp có xầm xì “bà ấy hát thị trường”, “bà ấy là kiểu ca sĩ kiếm tiền”, “hát dễ thấm nên đắt show, nhưng không văn minh”. Thì đó cũng là những thiên kiến mà ca sĩ Hà Nội dành cho nhạc Sài Gòn: dễ nghe dễ cảm, nhưng không văn minh. Cần gì! Chúng ta chỉ biết rằng phòng trà đêm nào có mặt Phương, thì kín chỗ, tôi nói điều này có các ông chủ phòng trà và các bạn ban nhạc làm chứng. Kín chỗ từ đầu buổi. Còn muốn book lịch thu âm cho Phương thì sao nhỉ? Phải thức đêm mà thu, ban ngày em không còn khoảng hở thời gian nào nữa.
Năm 2001, khi Mỹ Tâm khởi nghiệp và tỏa sáng sau đó, tôi đã chỉ cho Tâm thấy cái ánh sáng, cái hào quang lạ lùng mà Phương có được, thứ hào quang bí ẩn do “được Tổ đãi” hay do tự thân một người có tài, có duyên với nghề sẽ tỏa ra, vào giai đoạn rực rỡ của sự nghiệp.
Thu Phương chưa bao giờ hát “khó”, chưa từng mong muốn phô diễn kỹ thuật để tỏ ra mình có học. Em hát dễ dàng, hát như thở, giai điệu sao thì hát vậy, không dụng công, không biến chế. Thứ em đem vào bản nhạc, là cái hồn. Dù hát rất nhiều bài, thu âm cơ man nào là đĩa, gần như bài nào rơi vào Phương cũng được chăm chút, chẳng phải đầu tư gì ghê gớm, chỉ đơn thuần là hiểu bài.
Hiểu giai điệu này mang tình cảm gì, hiểu lời hát gửi gắm những ý tứ nào. Đã nói về chuyện này, tôi nhớ đến Hiền Thục. Khi được phỏng vấn vì sao Thục không hát nhiều “Tóc Nâu Môi Trầm” khi cô là người được tôi giao bài trước nhất, cô đáp rằng hồi đó cô không hiểu lời, chưa hiểu thì không hát. Rất chân thành, rất thực tế. Thu Phương cũng vậy, tôi đoan chắc em sẽ từ chối thu âm khi một ca khúc trúc trắc trên mây, lời ca bí hiểm. Thu nhạc ngoại lời Việt, em cũng hỏi tôi xem em hiểu có đúng ý không. Chỉ vậy thôi, đơn giản và ngắn gọn là: HIỂU mới HÁT.
Đĩa đầu đời chính thức của Thu Phương do tôi sản xuất năm 2000 mang tên Chào Em, Chào Xinh Tươi!. Đĩa ấy thu nhanh lắm, chỉ mất ba buổi chiều ở studio Kim Lợi. Bài hát “đinh” trong đĩa là “Cô Gái Đến Từ Hôm Qua” của Trần Lê Quỳnh. Một ballad đẹp đến phát khóc, lời ca chân thật đến rùng mình.
Vẫn mãi là như thế anh không trẻ lại
Dòng thời gian trôi như ánh sao băng
Trong khoảng khắc qua chúng ta
Nhiều năm xa hạnh phúc anh muốn bên em
Cuộc đời này dù ngắn, nỗi nhớ quá dài
Và cũng đã đủ lớn để mong bé lại
Như ngày hôm qua.
Đã lớn đủ, giờ chỉ mong bé lại, ngây thơ trở lại, và em trở lại.
(Phương đã khóc khi hát những lời trên, lúc thu âm và cả khi trình diễn ca khúc này ở phòng trà M-Saigon để ra mắt đĩa. Các bạn ca sĩ thân mến ơi, khi nào các bạn khóc được, thì người nghe các bạn sẽ gói ghém những giọt nước mắt ấy vào tim họ mãi mãi.)
Nhiều người hỏi tôi, Thu Phương nằm ở đâu giữa các divas, ở vị trí nào trên bản đồ nhạc đại chúng Việt. Tôi trả lời chung ở đây, rằng Phương không tự vẽ bản đồ cho mình, nên bạn đặt em ở đâu cũng được. Một chấm nhỏ xíu. Một hình bóng mơ hồ. Sao cũng được. Chỗ của Phương, vị thế của em nằm ở chỗ khác: ở trong tim những người nghe nhạc nhiều thế hệ. Có lẽ mãi mãi, chất alto vừa đằm sâu ẩn ức vừa thơm ngát như những luồng sáng tỏa ra từ một chiếc đỉnh đồng đốt trầm, của em, vẫn còn ở thật vững trong trí nhớ thính giả. Mãi mãi.
Nhạc sĩ Quốc Bảo
Theo Báo Tin Nhanh
Theo Báo Tin Nhanh