Tập 1 của Phượng khấu đã kết thúc trong tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng phim có những hạn chế về kỹ xảo, một số diễn viên chưa cho thấy thần thái phượng rồng của nhân vật. Song, tác phẩm của Huỳnh Tuấn Anh cũng được khen ngợi về trang phục, bài trí bối cảnh tinh tế.
Cùng với những đón đợi về phim cung đấu đầu tiên ở thị trường nội địa, khán giả bày tỏ kỳ vọng những tập tiếp theo của phim sẽ có chất lượng tốt hơn.
Tuy nhiên, tập 2 của Phượng khấu vừa lên sóng tối 12/3 tiếp tục nhận ý kiến trái chiều. Phim ngày càng lộ rõ sự non tay của đạo diễn và cộng sự thông qua những hạn chế từ kịch bản đến cảnh quay, góc máy, chi tiết. Kỹ xảo và kỹ thuật lồng tiếng tiếp tục gây tiếc nuối.
"Phượng khấu" tập 2 tiếp tục bị cho là "làm không tới".
Tìm tòi lịch sử nhưng còn sạn
Tập 2 của Phượng khấu xoay quanh việc có nên tôn phong Hoàng thái phi cho bà Hiền Phi Ngô Thị Chính (NSƯT Minh Trang).
Theo lý lẽ của Thiệu Trị hoàng đế (NSƯT Thành Lộc) và Nguyên cơ Hiệu Nguyệt (Hồng Đào), Hiền Phi tuy không phải chính thất của tiên đế nhưng thực tế đã nắm quyền như trung cung, cai quản lục thượng suốt nhiều năm. Do đó, sự tôn phong như mong muốn của một số triều thần là hợp lý, hợp tình.
Song, Nhân Tuyên thái hoàng thái hậu (NSƯT Lê Thiện) hết mực phản đối. Vị thái hậu họ Trần quyền uy bậc nhất hoàng triệu lúc bấy giờ cho rằng Ngô Thị không phải hoàng hậu của Minh Mạng tiên đế, cũng không phải người thân sinh của tân đế. Do vậy, không có lý gì lại được tôn phong làm Hoàng thái phi, như một sự đặc cách của hoàng triều.
Thái hoàng thái hậu muốn làm lệ cũ. Đó là Hiền Phi, hoặc chọn ra ở với con trai trưởng Phú Bình, hoặc sẽ theo ra lăng tiên đế mà lo chuyện hương khói. Thiệu Trị vốn tính hiền lành không khỏi ngỡ ngàng trước những phán quyết của bà nội nhưng không dám “kinh động phượng thể”.
Bà Hiền Phi biết chuyện mẹ chồng muốn đuổi mình ra khỏi cung không khỏi uất ức. Hiền Phi tính trăm mưu nghìn kế để có thể ở lại trong vai trò Hoàng thái phi.
Không chỉ tìm cộng sự là một bà tần đã bị phế truất nhiều năm, Hiền Phi còn đường hoàng khoác áo phượng cho Hoàng hậu, nâng gót vào giữa điện Cần Chánh, nơi tân đế đang nghị triều và đòi được tôn phong ngôi quý.
Thực tế, khung kịch bản của tập 2 Phượng khấu tương đối tốt, thể hiện những tìm tòi về lịch sử. Tuy nhiên, phim chưa xây dựng thành công sự quyền uy, mực thước của Nhân Tuyên thái hoàng thái hậu trong mối quan hệ mâu thuẫn với Ngô Thị, sủng phi đệ nhất của Minh Mạng.
Đơn cử như chi tiết sau khi được con trai báo là sắp bị đuổi khỏi cung, Hiền Phi lại thốt lên: “Vậy là thái hậu đã giở trò với di chiếu của cha con rồi, ta đã trách nhầm cha con rồi”. Không thể chỉ vì thái hậu muốn áp dụng lệ cũ mà Hiền Phi cho rằng thái hậu đã sửa di chiếu? Hai chi tiết được cho là không liên quan đến nhau.
Lối xưng hô gây khó hiểu trong "Phượng khấu".
Ngoài ra, chi tiết bà Phi Hiền vào điện Cần Chánh đòi tôn phong cũng là chưa chính xác so với lịch sử. Truyền thống hoàng triều phong kiến rất khó cho phép điều này, chưa nói chính sử cũng không chép lại.
Chưa kể đến chi tiết trong đoạn hội thoại sau đó, bà Hiền Phi xưng “ta” với thái hoàng thái hậu: “Dù người có không chấp nhận thì ta vẫn là hoàng hậu của tiến đế”. Việc con dâu xưng “ta” với mẹ chồng là chuyện nhà nông cũng không làm, chưa nói đến môi trường cung cấm, vốn có những khắt khe “khuôn vàng thước ngọc” trong nề nếp xưng hô, ứng xử.
Tiếc nuối về lồng tiếng và kỹ xảo
Ngoài chuyện xưng hô không theo bất cứ một nguyên tắc nào, tập 2 của Phượng khấu cũng gây những tiếc nuối về chuyện đài từ diễn viên, kỹ thuật lồng tiếng và xây dựng kịch bản hội thoại giữa các nhân vật.
Nhiều đoạn hội thoại lê thê, vô bổ trong một cách thoại nhát gừng, chậm rãi quá đà. Trên mạng xã hội, thậm chí có ý kiến cho rằng, nhiều cảnh quay của Phượng khấu như Cô dâu 8 tuổi, do những góc máy lặp đi lặp lại một cách nhàm chán và khẩu hình thoại quá chậm của diễn viên.
Phượng khấu có một dàn diễn viên gạo cội, chinh phục khán giả suốt nhiều năm như nghệ sĩ Lệ Thiện, Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Minh Trang… Tuy nhiên, sự non tay của đạo diễn và những hạn chế của kịch bản đã không thể chắp cánh cho các diễn viên thăng hoa trong những vai diễn của mình.
Diễn viên nào cũng tồn tại cũng hạn chế nhất định, người được diễn xuất lại mất đài từ, người được đài từ lại diễn không ra thần thái của nhân vật. Trong khi, có người ra được thần thái thì lại diễn và nhả chữ đặc sệt sân khấu, xem như kịch.
Kỹ thuật lồng tiếng lộ những điểm yếu thấy rõ trong một phim cung đấu với nhiều cảnh quay cận khẩu hình. Trong khi phần lớn phim truyền hình hiện nay đã thu tiếng đồng bộ, việc một series vẫn thực hiện lồng tiếng gây tiếc nuối với khán giả. Ngay cả Hồng Đào, một diễn viên vốn có đài từ tốt, nhưng qua xử lý lồng tiếng cũng không khớp với nhân vật. Nhiều đoạn thoại bị gượng.
Kỹ xảo chỉnh sửa quá đà thành thảm họa của "Phượng khấu".
Cùng với kỹ thuật lồng tiếng, tập 2 của phim cũng bắt đầu lộ những nhược điểm về kỹ xảo. Trong đó, ba cảnh thể hiện rõ nhất: Cảnh Hoàng đế Thiệu Trị đăng cơ, cảnh thái giám do Long Nhật đóng tìm gặp bà Phi Hiền và cảnh vua bàn về chuyện tấn phong bà Phi Hiền với các đại thần.
Trong nhóm chuyên theo dõi phim cổ trang trên mạng, một khán giả bình luận: “Kỹ xảo quá tệ, nhạc thì lạc quẻ, xem không thể chấp nhận được. Màu phim khác hoàn toàn với teaser, trong khi teaser màu phim rất đẹp, bắt mắt, thực tế phim càng ngày càng đi xuống, nhất là màu của một vài cảnh kỹ xảo, chất lượng kém hơn phim hoạt hình”.
Cả hai tập đầu của Phượng khấu đều được khen ngợi về phục trang nhưng lại nhận nhiều chê bai ở những khía cạnh khác. Trượt dài trong những ý kiến trái chiều, phim dường như dần mất điểm so với những kỳ vọng của khán giả về một bộ phim cung đấu Việt được đầu tư kinh phí lớn.
Theo Zing