Tìm đến khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) hỏi thăm nhà "anh hùng" Trương Xuân Thức - người lái tàu đã quên bản thân cứu 300 hành khách, ai cũng biết.

8 năm trước, ông Trương Xuân Thức (56 tuổi) là lái tàu tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội...

Trong căn phòng nhỏ đơn sơ trên tầng 3 khu tập thể Thành Công, với vết thương không thể lành, ông Thức vẫn nhớ như in từng chuyến tàu, từng ca trực.

Quê làng Lệ Mật (Long Biên), ông tốt nghiệp THPT rồi gia nhập quân ngũ. Cuối năm 1985, hoàn thành nghĩa vụ, người thanh niên trẻ tuổi mang theo bao ước mơ đi học nghề lái máy Diezen tại trường Trung cấp Đường sắt.


Lái tàu Trương Xuân Thức kể lại vụ tai nạn cách đây 8 năm

Phút hy sinh cánh tay

Rạng sáng 6/8/2010, đoàn tàu Thống Nhất TN6 chạy tuyến TP.HCM - Hà Nội, ông Thức phụ trách lái tàu đoạn từ Vinh ra đến Hà Nội.

Ông nhớ lại: 8h sáng hôm đó, đoàn tàu chạy qua ga Phủ Lý (Hà Nam) đến km số 43 thuộc địa phận xã Tiên Tân (Duy Tiên), qua cửa sổ buồng lái, ông nhìn thấy 1 xe tải màu vàng chở đá chạy cùng chiều, song song đầu tàu.

Để đảm bảo an toàn, tuy cách đường ngang từ rất xa, trời thì sáng nhưng ông Thức vẫn ra tín hiệu đèn, còi tàu. Khi tàu đang thẳng tiến với tốc độ 60km/h đúng tốc độ cho phép thì bất ngờ chiếc xe tải đột ngột rẽ phải băng qua đường sắt, cách tàu chỉ 100m.


Hiện trường vụ tai nạn ngày 6/8/2010. Ảnh: Công an nhân dân

Trước tình huống nguy hiểm, ông vẫn bình tĩnh, nhanh trí dùng tay trái hết sức đẩy cần hãm khẩn cấp (phi mã) để hãm tốc độ, chấp nhận bị thương để cứu đoàn tàu.

Bình thường với khoảng cách dưới 800m, việc hãm tàu rất khó khăn, ở đây chỉ cách xe tải hơn 100m, biết chắc sẽ va chạm nhưng tôi chấp nhận mình sẽ bị thương để giảm thiểu hậu quả”, ông Thức kể.

Bị dừng đột ngột, theo quán tính, đoàn tàu vẫn tiến đến, húc đổ xe tải đang chở nặng rồi dừng lại, đầu máy cùng 2 toa bị đổ nghiêng 40 độ.

''Sau cú va chạm mạnh, tôi vẫn tỉnh táo, mở mắt ra nhìn thấy toàn bộ cánh tay trái giữ cần phanh đã dập nát, những mảnh thủy tinh từ cửa chắn của khoang lái tàu đâm vào khắp mặt. Toàn thân tôi bị kẹt trên chiếc ghế lái và bàn điều khiển trên buồng lái, máu dính khắp người'' - ông kể.

“Anh mất cánh tay rồi, Hùng - người lái phụ nói với tôi. Cả cơ thể tôi không cử động được, chú Hùng bị thương nhẹ vội vã ngồi dậy thoát khỏi cabin dặn tôi bình tĩnh để chú tìm người cứu giúp”.

Thân thể bị ép chặt trong buồng lái, cứu hộ đã phải vất vả dùng búa, xà beng, cờ lê tháo ghế lái mới đưa được ông ra ngoài. Sau gần 2 tiếng được cứu thoát đưa đến BV cấp cứu, trên đường cứ nửa tỉnh nửa mê, nghe loáng thoáng anh em bảo khách không ai bị thương, ông cũng phần nào yên tâm.

Năm đó, ông Thức được Chủ tịch nước tặng huân chương Dũng cảm và bằng khen của Thủ tướng.


Ông Thức (ngoài cùng bên trái) thời còn làm lái tàu cùng đồng nghiệp. Ảnh: D.H

Vụ tai nạn đã khiến ông bị đa chấn thương, tổn hại 61 % sức khỏe, cánh tay trái phải cưa bỏ, tay phải gẫy 1 ngón út. Cơ đùi bên phải bị khoét bỏ, toàn bộ mặt phải khâu vì bị kính xiên qua cùng với rất nhiều vết thương trên cơ thể.

20 năm, đứng tim nhiều cảnh cố vượt qua đầu tàu

Sau hơn 1 tháng nằm viện, ông trở về gia đình, do sức khỏe giảm sút nhiều nên ông được cơ quan cho nghỉ hưu sớm. Ông cho biết, trước thuận tay trái nay mất đi ông lại phải làm quen với tay phải nên làm gì cũng khó khăn.

Mỗi khi trời trở gió, chuyển mùa, cơ thể ông vẫn đau nhức như bị kim châm. Những năm gần đây, ông bị chứng quên, thi thoảng đầu óc không được minh mẫn.
 

Ngoài tiền lương hưu, cả gia đình chỉ trông vào đồng lương của vợ ông nên cuộc sống khá khó khăn.

20 năm lái tàu, ngồi trong cabin ông đã chứng kiến nhiều cảnh người dân coi nhẹ tính mạng, bất chấp nguy hiểm cố vượt khi tàu chạy qua.

Có xe còn lao qua trước đầu máy tàu hỏa khiến ông không kịp phản ứng, thế nhưng chưa có vụ tai nạn nào xảy ra. Vụ tai nạn ở Hà Nam là vụ đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời cầm lái của ông.
 

Theo Vietnamnet