Ông Chon kể, khoảng 5h sáng qua, trời mưa to và nước sông Luồng lên cao, ông chạy vào nhà cũ lấy thóc mang sang ngôi nhà sàn mới, cách đó khoảng vài trăm mét để cất.
Đến gần 7h, thấy nước sông rút, ông quay lại nhà cũ xem mẹ, vợ và các cháu thế nào thì thấy căn nhà mới bị lũ cuốn trôi.
Khi căn nhà mới trôi sát vào căn nhà cũ, ông vội bám vào cái tường nhà vệ sinh, hi vọng vớt được đồ đạc thì bị dòng nước lũ cuốn trôi.
Ông Chon đu trên ngọn cây và may mắn được cứu sống
“Tôi cố gắng vùng vẫy trong nước lũ, trôi được khoảng 3km thì tôi túm được một bụi cây ở giữa dòng. Tôi xác định chỉ có chết vì nước lũ to quá cộng với đói và rét. Đến chiều, có một người tiếp cận được chỗ tôi đu cây và nhường dây cứu hộ, tôi dùng hết sức bám trụ để vào bờ”, ông Chon kể lại.
Ông Chon không nhớ nổi ai đã cứu mình, chỉ biết đó là một thanh niên.
Ông Chon vẫn đang được điều trị trong bệnh viện
Người dũng cảm bơi ra giữa dòng nước lũ cứu ông Chon là anh Phạm Bá Huy (SN 1993), trú bản Nhài, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn.
Anh Huy cho biết, ông Chon bị mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng nước lũ từ sáng 3/8 đến 13h chiều cùng ngày.
Lực lượng chức năng đã tính toán các phương án tiếp cận và đưa ông Chon vào bờ. Phương án cuối cùng là căng dây cáp qua hai bờ sông, tiếp cận nơi ông Chon bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, do nước lũ quá mạnh, không thể đưa xuồng hay bơi ra tiếp cận ông Chon được.
Anh Phạm Bá Huy, người bơi ra giữa dòng nước lũ cứu ông Chon, sau đó cũng phải đứng trên ngọn cây từ chiều đến tối
“Lúc này tôi đề xuất với cơ quan chức năng bơi ra cứu ông Chon. Tôi được trang bị áo phao, cầm theo 1 áo phao khác, dây thừng và 2 can nhựa rỗng. Khi tiếp cận ông Chon, tôi mặc áo phao, buộc dây thừng vào người ông Chon để các lực lượng chức năng kéo ông vào bờ an toàn”, anh Huy kể.
Đưa được ông Chon vào bờ, anh Huy cũng men theo đoạn cáp vào bờ thì bất ngờ dây cáp đứt, buộc anh phải quay lại đoạn cây nơi ông Chon mắc kẹt.
“Tôi đứng trên ngọn cây từ 13h30 đến 18h. Trời tối, nước lũ tiếp tục dâng cao, người bắt đầu thấm mệt, không còn cách nào khác, tôi đành đánh liều nhảy xuống sông, bơi ngược sang bên kia sông để tránh dòng chảy xiết. Bơi khoảng 500m, tôi vào được bờ, mệt quá chui vào chòi canh ngô của dân bản ngủ thiếp đi. Nghĩ lại đến giờ vẫn còn run", anh Huy kể lại.
Lực lượng chức năng dùng ca nô chuyên dụng để vào điểm cô lập
Ông Phạm Văn Tiện, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết, hiện có khoảng 1.000 người thuộc nhiều lực lượng đang khẩn trương tiếp cận bản Sa Ná.
Toàn xã Na Mèo còn 4 bản bị cô lập gồm: Sa Ná, Son, Ché Lầu và Cha Khót. Riêng bản Sa Ná cách quốc lộ 217 khoảng 7km, có 74 hộ dân với khoảng hơn 300 khẩu.
“Hiện đã tiếp cận được bản Sa Ná, người dân có đủ lương thực xong lại thiếu nước uống và thuốc men. Có 10 người dân không thể liên lạc được và có 4 người bị thương. Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được triển khai”, ông Tiện nói.
Lực lượng chức năng đang tiếp cận bản cô lập để tìm kiếm những người mất tích
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng và đoàn công tác đã có mặt xã Na Mèo để động viên, hỗ trợ người dân, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng có phương án tiếp cận bản Sa Ná và những bản đang bị cô lập để tìm kiếm người mất tích, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo Vietnamnet