Ngày mùng 8/3 này tôi muốn dành trang viết của mình cho những người phụ nữ có cuộc đời kém may mắn ở nông thôn. Họ cũng là phụ nữ, nhưng không có được niềm hạnh phúc đời thường mà lẽ ra họ phải có như làm vợ, làm mẹ và tủi thân nhất, ngày cả thế giới ca tụng về phụ nữ thì họ lại vẫn một mình lủi thủi cô đơn, không quà, không hoa, không lời chúc.
Cô Nguyễn Thị Trạm (Hưng Hà, Thái Bình) là một trong những người phụ nữ kém may mắn ấy.
Khi tôi tới nhà cô, là lúc cô đang ngồi thái rau chuẩn bị bữa chiều, thấy có khách tới, cô vui lắm. Cô kể: sống một mình, ít khi ra ngoài nên khi có người tới chơi, cô vui lắm, còn hơn cho quà cô.
Cô Trạm ngồi thái rau chuẩn bị bữa chiều
Có khách tới chơi, cô nghỉ tay làm rồi cùng tôi ngồi kể chuyện.
Năm nay cô Trạm đã ngoài 50, cô không lấy chồng mà ở vậy một mình trong ngôi nhà nhỏ cuối xóm, ngôi nhà của cô nhỏ, lại có phần cũ nát, cô nói: “ Có một mình, nhà to làm gì, chỉ cần chỗ che nắng che mưa là được được.”
Ngôi nhà và căn bếp nhỏ của cô Trạm nơi cuối xóm
Tuy ngoài 50, nhưng cách nói chuyện của cô Trạm vẫn rất trẻ trung, cô niềm nở và mến khách vô cùng. Tôi thấy lạ, một người vui vẻ, niềm nở như cô sao không lại không thể tìm cho mình một mái ấm của riêng mình. Mạnh dạn, tôi hỏi cô.
“Thực ra, ngày trước cũng có một số người tới hỏi, nhưng khi đó, nhà nghèo cô muốn đi công nhân để thoát ly nên không đồng ý, sau này về lúc đó đã ngoài 30. Mà ở quê, con gái ngoài 30 khó lấy chồng lắm. Cô ở vậy đến giờ”.
Cô kể, ở quê không như thành phố, nhất là ngày xưa, gái 18, đôi mươi là phải lấy chồng sinh con, không sẽ mang tiếng “ế” với những nguyên nhân họ tự gán cho mình “chắc phải có vấn đề gì nên mới không có ai hỏi.” Một phần cô ít ra ngoài cũng là tránh lời ra tiếng vào đó,
Rồi cô kể tôi nghe về cuộc sống ở quê, nó yên ả lắm, không hối hả như trên thành phố. Buổi sáng 5h là mọi người dậy hết, ăn uống ra đồng làm, tối chỉ 7 rưỡi 8h là cả làng tắt điện đi ngủ. Ngày nào cũng vậy, cuộc sống người dân thôn quê đơn giản lắm. Không ồn ào không hối hả.
Vậy những ngày lễ như ngày Quốc tế mùng 8/3 này ở quê có nhộn nhịp lắm không cô? Tôi hỏi cô.
Không cháu ạ, người ở quê họ bận làm ăn, lại không có điều kiện nên những ngày đó cũng chỉ như bao ngày bình thường khác trong năm. Chỉ hơn là đến ngày đó, bên Hội Phụ nữ có tổ chức liên hoan cho các chị em trong thôn, xóm đến gặp mặt nói chuyện, ca hát một lúc rồi ai về nhà ấy thôi. Chứ không có hoa quà gì đâu.
Kể đến đây, cô như muốn trút bỏ nỗi niềm.
Phụ nữ nông thôn thiệt thòi vậy đấy, nhưng dẫu sao họ còn có chồng con ở bên là hạnh phúc rồi. Còn cô đây, cứ vò võ một mình, sáng như tối, ngày như đêm. Đến những ngày ấy lại càng buồn cháu à. Xem ti vi, thấy những người phụ nữ khác được tặng hoa quà, với bao lời chúc tình cảm, ấm áp. Nhìn sang hàng xóm thấy gia đình họ con cháu sum vầy, quây quần cười nói mà lòng hiu hắt lắm cháu à.
Có năm, đúng vào ngày 8/3. Cô lại ốm, nằm đắp chăn xem thời sự mà thấy tủi thân vô cùng. Lúc đó chỉ ước có người quan tâm mình một chút, hỏi han mình một chút chắc sẽ khỏe ngay.
Phụ nữ ở vậy một mình, nhiều lúc cô đơn lắm, nhất là những ngày lễ. Chỉ mong có một bờ vai để dựa vào dù chỉ trong khoảnh khắc thôi cho đỡ tủi.
Một mình lủi thủi nấu bữa chiều.
Nghe những lời tâm sự của cô, tôi thức sự thấy lòng mình như trùng xuống. Có ngồi tâm sự cùng cô, tôi mới vỡ lẽ vẽ về những mảnh đời kém may mắn như cô. Mong muốn của cô nghe đơn giản nhưng với cô lại quá xa vời.
Tâm sự của cô tôi tin không chỉ chạm tới lòng trắc ẩn của tôi mà còn tới rât nhiều phụ nữ khác hạnh phúc may mắn hơn cô. Có gia đình, có mái ấm riêng hạnh phúc. Và có được những ngày lễ đầy ấm áp bên cạnh chồng con, những người thân yêu nhất của mình.
Tạm biệt cô, tôi trở lại thành phố, ngồi trên xe trong đầu tôi vẫn luôn hiện lên hình ảnh cô ngồi thái rau chuẩn bị bữa tối trong cô đơn, vắng lặng. Thầm chúc cho cô, cho những người phụ nữ khác có số phận không may mắn như cô sẽ có ngày tìm được niềm vui, hạnh phúc riêng của mình, dù rằng có chút muộn màng. Nhưng cũng sẽ làm cho nửa thế giới của chúng ta ấm áp hơn rất nhiều.
Theo Phununews/ Người đưa tin