Tờ Asahi Shimbun dẫn nguồn tin từ một người họ hàng, khoảng 70 tuổi, của Yamagami sống ở tỉnh Osaka nói nghi phạm "đã trải qua những khoảng thời gian khó khăn từ lúc còn là một đứa trẻ, khi mẹ tham gia một nhóm tôn giáo".

Thời thơ ấu, Yamagami sống tại một ngôi nhà ở Nara với cha mẹ, một anh trai và một em gái. Cha của anh điều hành một công ty xây dựng nhưng qua đời lúc Yamagami còn nhỏ. Người mẹ tiếp quản công ty, ngày càng sa đà vào các hoạt động của một tổ chức tôn giáo. Bà đã quyên góp số tiền rất lớn cho tổ chức này.

Người họ hàng cho biết mẹ Yamagami dường như muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thông qua tổ chức tôn giáo. "Bà ấy là một góa phụ và tôi cho rằng bà ấy luôn cảm thấy không an toàn về tương lai gia đình mình", người này nói, thêm rằng trong quá khứ, ông thường xuyên nhận được điện thoại từ ba đứa trẻ, phàn nàn về việc "chúng con không có gì để ăn". Người họ hàng này đã đưa tiền cho lũ trẻ để trang trải chi phí sinh hoạt và đôi khi ông mang đồ ăn cho chúng.

Quá khứ hận thù của kẻ sát hại cựu Thủ tướng Shinzo Abe-1
Nghi phạm Tetsuya Yamagami bị áp giải đến công tố viên ở Nara hôm 10/3. Ảnh: Asahi Shimbun

Thời niên thiếu, Yamagami vào một trường trung học ưu tú của tỉnh Nara. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của trường được nhận vào các trường đại học hàng đầu Nhật Bản là rất cao. Sau khi tốt nghiệp, Yamagami vào một trường kỹ thuật.

Yamagami gia nhập Lực lượng Phòng vệ Biển (MSDF) năm 2002, năm mẹ anh bị Tòa án quận Nara tuyên bố phá sản, theo các nguồn tin điều tra. Người thân cho rằng Yamagami quyết định trở thành thành viên MSDF "vì cậu ấy gặp khó khăn trong việc kiếm sống". Người này cho biết lần cuối nhìn thấy Yamagami là vào khoảng năm 2005. Công ty xây dựng do mẹ Yamagami điều hành đã giải thể năm 2009.

Tháng 10/2020, thông qua công ty môi giới, Yamaguchi được tuyển vào làm tại đơn vị vận chuyển hàng hóa của một nhà máy ở tỉnh Kyoto. Đồng nghiệp cũ mô tả Yamagami là người "hoàn toàn bình thường" và có vẻ "nghiêm túc". Trong khi đó, người phỏng vấn môi giới việc làm cho Yamagami miêu tả anh ta là người "hoàn toàn bình thường", "không nói nhiều" và "mang lại cảm giác hơi u ám".

Sau khoảng nửa năm làm việc, Yamagami bắt đầu phớt lờ các quy tắc về quy trình vận hành, giám đốc nhà máy cho biết. Vào tháng 3 năm nay, Yamagami cãi nhau với một đồng nghiệp - người nói anh ta phải tuân theo các quy tắc. Sau cuộc cãi vã đó, Yamagami bắt đầu bỏ ngang công việc, đôi khi lấy lý do bị "bệnh tim". Yamagami thông báo cho nhà máy ý định nghỉ việc vào tháng 4 và sau đó thôi việc vào giữa tháng 5.

Yamagami, 41 tuổi, sống ở Nara, bị bắt với cáo buộc giết người hôm 8/7 sau khi dùng súng tự chế bắn vào cựu Thủ tướng Shinzo Abe khi ông đang phát biểu. Các nhà điều tra cho biết Yamagami khai nhắm mục tiêu vào Abe vì cho rằng cựu Thủ tướng có liên hệ với nhóm tôn giáo mà mẹ mình là thành viên.

"Tôi không thể tha thứ cho tổ chức đó vì mẹ tôi vẫn tiếp tục đóng góp tiền cho họ ngay cả khi bà đã phá sản", Yamagami nói với cảnh sát.

Quá khứ hận thù của kẻ sát hại cựu Thủ tướng Shinzo Abe-2
Nghi phạm Tetsuya Yamagami bị bắt tại hiện trường với khẩu súng tự chế trên tay. Ảnh: Mainichi

Khi được hỏi về nhóm tôn giáo mà Yamagami đề cập, người họ hàng này cho biết: "Tôi cá rằng cậu ấy đã ôm mối hận suốt thời gian qua. Tôi nghĩ cậu ấy cảm thấy cuộc sống của mình bị thay đổi bởi tổ chức này".

Các nhà điều tra cho biết Yamagami khai rằng anh ta ban đầu muốn nhắm mục tiêu vào người đứng đầu của tổ chức tôn giáo, nhưng từ bỏ vì nhận ra phương án này "quá khó". Sau đó, Yamagami chuyển mục tiêu sang ông Abe vì nghĩ cựu Thủ tướng có liên quan đến nhóm này.

Hôm 11/7, người đứng đầu Giáo hội Thống nhất tại Nhật Bản (thường được gọi là Giáo hội Thống nhất) xác nhận mẹ Yamagami là thành viên tổ chức từ năm 1998. Tuy nhiên, tổ chức này không biết "hoàn cảnh nào khiến gia đình này phá sản". Họ cũng từ chối tiết lộ khoản tiền mẹ Yamagami đã đóng góp và cho biết sẽ phối hợp với cảnh sát để làm rõ vụ án.

Các chuyên gia vũ khí cho biết khẩu súng tự chế được sử dụng sát hại cựu Thủ tướng Shinzo Abe có thể được chế tạo dễ dàng bằng các nguyên liệu mua ở cửa hàng kim khí hay chợ mạng. Yamagami đã lên kế hoạch kỹ lưỡng về việc sát hại ông Abe khi từng đi theo quan sát buổi phát biểu của ông ở Okayama nhưng không ra tay vì không tìm thấy lỗ hổng an ninh.

Khi biết ông Abe có bài phát biểu trưa 8/7 ở Nara, Yamagami đi tàu đến địa điểm này, đứng quan sát ông Abe. Sau đó, nghi phạm tiếp cận ông từ phía sau, rút súng và bóp cò khi chỉ cách ông chừng 5 m. Phát súng đầu tiên bị trượt, ông Abe quay lại thì Yamagami nổ phát súng thứ hai khiến ông gục tại chỗ. Ông Abe qua đời vào chiều cùng ngày do ba vết thương lớn ở cổ và ngực, mảnh đạn theo mạch máu làm thủng tim, khiến các bác sĩ không thể cứu chữa.

Theo Ngoisao