Ngoài đời, diễn viên lồng tiếng (DVLT) Bá Nghị trông nghiêm nghị, mái tóc bạc trắng cùng vẻ ngoài giản dị. Trong 1 giờ trò chuyện, nam diễn viên chia sẻ tâm tư về nghề “hóa trang giọng nói” - công việc anh đã gắn bó suốt 30 năm qua.

Nhiều lúc tủi thân, nghẹn ngào vì cát-xê bèo bọt

Nhờ tài năng, cùng với quá trình được đào tạo bài bản tại trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM), Bá Nghị nhanh chóng trở thành nghệ sĩ lồng tiếng phim thế hệ đầu tiên từ đầu thập niên 1990.

Công việc này đã mang đến cho anh niềm vui, bên cạnh nhiều áp lực, thậm chí là cay đắng. Từ suy nghĩ ban đầu xem đây là cứu cánh về kinh tế, nhưng rồi nó lại gắn bó với anh suốt nhiều năm qua.

‘Quái kiệt lồng tiếng’ Bá Nghị: Lận đận vì mưu sinh nuôi vợ và 3 con-1
DVLT Bá Nghị trong phòng thu.

Trong giới lồng tiếng, Bá Nghị nổi tiếng với chất giọng ấm, dày, nam tính… nên được giao lồng các vai có tính cách đặc biệt. Anh từng góp giọng cho các bộ phim kinh điển như: Tây Du Ký (vai Sa Tăng), Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ, Tế Công, Gia đình là số 1, Dị nhân, Bộ tứ siêu đẳng, Làng Xì Trum… Nổi bật nhất là vai Tào Tháo trong Tân Tam Quốc.

Với anh, lồng tiếng không chỉ đơn thuần là đọc khớp khẩu hình. Người theo đuổi nghề phải đáp ứng các yêu cầu: giọng phát âm chuẩn, rõ ràng, khả năng kiểm soát hơi thở và trình độ nhận thức của diễn viên.

Trong đó, yếu tố thứ ba là quan trọng bởi để tạo được vai diễn ấn tượng, người diễn viên cần tìm hiểu cá tính, câu chuyện của nhân vật, bước chuyển tâm lý của vai diễn.

Ví như một ông thầy giáo, một người chạy xe ôm… mỗi vai đều có cái khác nhau. Người lồng tiếng giỏi phải biết hòa mình vào đời sống của họ, đủ tinh tế để cảm nhận từ đó thể hiện sự vui sướng, hạnh phúc, buồn thương, bi phẫn… hoặc khóc cười, tất tần tật cảm xúc bằng giọng nói”, Bá Nghị chia sẻ.

Lồng tiếng phim nước ngoài còn đòi hỏi một số kỹ năng do đặc thù vùng miền, giọng nói và cách biểu cảm khác nhau. Nếu phim TVB với tiếng Quảng Đông phát âm nhanh, liên tục thì âm điệu các phim Nhật Bản, Hàn Quốc thường nhẹ nhàng, chậm rãi. Điều này yêu cầu diễn viên phải có sự linh hoạt, tỉ mỉ trong quá trình thực hiện.

Bá Nghị cho hay lồng tiếng đến nay vẫn chưa phải là nghề chính thức nên chạnh lòng, tiếc vì ngành ít được coi trọng trong nghệ thuật. Lương bổng do đó cũng vô chừng, có phim được trả cát-xê khá nhưng đa phần đều chỉ ở mức trung bình, hoặc ít ỏi. Cá biệt có vài trường hợp phim đã lồng nhưng chủ trả lương chậm trễ.

Nghề này nếu biết chắt chiu có thể sống ổn, còn để giàu có sắm nhà lầu xe hơi là không thể. Có phim lồng tiếng xong, cầm số tiền được trả trong tay mà tủi thân, nghẹn ngào vì quá bèo bọt. Trong nhiều năm tôi luôn trong tình cảnh thiếu trước hụt sau. Cuối năm vay tiền để sắm sửa, chi tiêu gia đình, qua Tết lại cày để trả nợ”, Bá Nghị kể.

‘Quái kiệt lồng tiếng’ Bá Nghị: Lận đận vì mưu sinh nuôi vợ và 3 con-2‘Quái kiệt lồng tiếng’ Bá Nghị: Lận đận vì mưu sinh nuôi vợ và 3 con-3
Ngoài lồng tiếng, Bá Nghị còn tham gia đóng kịch cách đây nhiều năm.

Từng nặng gánh “cơm áo gạo tiền” vì cảnh 1 vợ, 3 con, Bá Nghị nhiều lúc chán nản muốn bỏ nghề vì thu nhập không đủ sống. Tuy nhiên, anh luôn tìm cho mình một lý do để được gắn bó với nghề. Diễn viên luôn tự hào vì bản thân cũng như đồng nghiệp đã giúp nhiều bộ phim, tác phẩm ăn khách, trở thành kinh điển với tâm trí nhiều thế hệ khán giả.

Nhờ kiên trì gắn bó với công việc này suốt 3 thập kỷ mà Bá Nghị giờ đây có cuộc sống ổn định, lo được cho gia đình, các con ăn học thành tài. Suốt ngần ấy năm dù có nhiều lựa chọn, ngã rẽ song anh vẫn ở lại, miệt mài làm việc để trả ơn.

Tuổi hưu vẫn mong được làm nghề

Bước sang tuổi 61, Bá Nghị mỗi ngày vẫn cần mẫn với nghề. Từ vài năm nay, anh và gia đình chuyển về sống ở thành phố Bình Dương. Mỗi khi có phim mới, anh lại lái xe máy, lặn lội vài chục cây số để đến phòng thu.

Mỗi ngày, Bá Nghị có thói quen thức dậy từ sáng sớm để kịp giờ chạy vào TP.HCM, xong việc về nhà khi trời đã tối muộn. Vợ con từng mong anh sớm nghỉ hưu ở nhà nghỉ ngơi vì sợ lái xe trên đường gặp nguy hiểm. Nhưng họ cũng xuôi theo vì hiểu rõ đó là cái nghề, cái nghiệp Bá Nghị đã theo cả nửa đời người.

‘Quái kiệt lồng tiếng’ Bá Nghị: Lận đận vì mưu sinh nuôi vợ và 3 con-4
Ngoài 60, Bá Nghị mỗi ngày chạy xe vài chục cây số để đến các phòng thu.

Cuộc sống không quá dư giả song với Bá Nghị, như vậy đã yên ổn. Với anh, mỗi ngày còn được làm việc, gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp và một tổ ấm hạnh phúc là rất đỗi mãn nguyện.

Cuộc đời vô thường, có người ốm yếu, bệnh tật phải nương nhờ con cháu, có người không may ra đi sớm như trường hợp của người đồng nghiệp tôi - DVLT Thế Thanh năm ngoái. Ngẫm lại mình vẫn còn được đến phòng thu làm việc, có thu nhập, vui vầy bên gia đình… Vậy còn mong gì nữa”, Bá Nghị chia sẻ.

Bá Nghị và bà xã có 3 người con, trong đó con gái lớn đã lập gia đình, cậu út vừa tốt nghiệp đại học. Điều hạnh phúc nhất của anh là các con khôn lớn, trưởng thành và chưa bao giờ dựa dẫm, ỷ lại vào bố mẹ. Người con trai thứ 2 của Bá Nghị còn nối nghiệp cha với công việc kỹ thuật lồng tiếng.

Đặc thù của lồng tiếng vốn không có trường lớp đào tạo chính quy mà chủ yếu là sự truyền nghề. Người đi trước biết, hướng dẫn cho người sau và cứ thế tiếp nối qua nhiều năm.

‘Quái kiệt lồng tiếng’ Bá Nghị: Lận đận vì mưu sinh nuôi vợ và 3 con-5
Diễn viên lồng tiếng Bá Nghị an nhàn với cuộc sống tuổi xế chiều ở Bình Dương.

Bá Nghị hiện ấp ủ kế hoạch mở lớp giảng dạy cho các thế hệ sau này. Anh mong trong tương lai sẽ giúp các bạn trẻ với hy vọng tạo ra một thế hệ có thể kế thừa ánh hào quang của mình và các đồng nghiệp thời hoàng kim.

Nam diễn viên quan niệm khi nào không còn nói được mới giã từ nghề. Nếu còn sức, anh mong được đóng góp cho nghề, cũng để mang lại niềm an ủi tuổi già cho mình.  

“Nghề này có đặc thù là không giới hạn tuổi tác, chỉ cần giữ giọng và hơi tốt, bạn vẫn có thể làm lâu dài. Tôi cũng cố gắng dưỡng sức để có thể đi lâu dài thêm 5-10 năm nữa. Bao nhiêu năm qua tôi xem phòng thu như nhà, đồng nghiệp như gia đình. Những thứ thân thương thế đâu phải muốn bỏ là bỏ được”, Bá Nghị cho hay.

Theo VietNamNet