Trưa 4/10, con đường Bùi Viện (quận 1) thưa thớt người qua lại. Nhìn vào, ít ai có thể tưởng tượng ra đây từng là một trong số khu phố sầm uất nhất TP.HCM.
Hàng chục quán bar, pub mọc san sát nhau nay vẫn “ngủ đông” sau khi thành phố đưa ra Chỉ thị 18. Một số hàng quán khác tìm cách thích nghi với bình thường mới thông qua loại hình buôn bán thực phẩm.
Quán bar tận dụng không gian để làm sạp bày bán rau củ. Ảnh: Hạ Đào.
Tất bật tiếp đón 4-5 lượt khách, Hoàng Oanh (29 tuổi, quận 1) mới có thể ngồi xuống ăn trưa. Cả ngày hôm nay, chị đã dậy từ 5h sáng để nhận hàng và bày ra quầy.
Dù còn bỡ ngỡ vì bỗng “chuyển ngạch” sang ngành nghề khác, gian hàng của Hoàng Oanh vẫn tấp nập khách ra vào.
“Doanh thu của quán bar từng có giai đoạn lên đến 9 con số trong một đêm. Vậy mà giờ không cựa quậy được, nhân viên cũng phải về quê bớt.
Đây là tình hình chung, đâu phải của riêng mình, muốn tiếp tục thì chúng tôi phải nghĩ cách. Thế nên tôi bàn với ông xã nhập thực phẩm về bán”, chị Oanh cho biết.
Thời gian đầu, ngoài hàng xóm ủng hộ thì chẳng còn ai đến mua. Lâu dần, người này truyền tai người kia, khách vãng lai đi qua thấy cũng ghé vào quán chị Oanh. Tiền lời không bao nhiêu nhưng tạm đủ để chị trả tiền mặt bằng và sinh sống qua ngày.
Cách đó không xa, Minh Thông (36 tuổi, quận 1) đang dỡ từng thùng hàng xuống xe tải. Từ quản lý một nhà hàng chỉ ngồi kiểm kê sổ sách, tính hóa đơn, anh “đa-zi-năng” hơn. Minh Thông tự hào rằng giờ mình vừa có thể thuộc giá rau, vừa biết chọn hoa quả tươi.
Nhiều hộ trang bị thêm tủ lạnh, tủ đông trữ thực phẩm. Ảnh: Hạ Đào.
Anh nói: “Chủ trương của TP.HCM vẫn chưa cho phép quán bar hoạt động lại, mà tiền nhà với nhân viên thì tháng nào tôi cũng phải trả đủ. Giờ cứ tạm bán trái cây, tới đâu hay tới đó vậy”.
Vừa nói, anh Thông vừa chỉ vào hệ thống tủ lạnh anh vừa tậu để trữ thực phẩm. Mỗi cái tủ này tốn của anh ngót nghét 5 triệu đồng. Số tiền vốn không nhiều nhưng so với mùa dịch cũng là sự đầu tư đáng kể.
“Nhà mình ăn như thế nào thì khách cũng vậy. Mình đem đến chất lượng tốt cho họ, họ hài lòng sẽ tìm đến với mình lâu dài", người đàn ông 36 tuổi cho biết.
Thành phố nới lỏng giãn cách, một số khách vẫn ngại ra tận nơi mua vì lo tiếp xúc gần. Minh Thông bàn tính với vợ để mở thêm chương trình giao hàng tận nơi. Mỗi đơn trên 200.000 đồng đều sẽ được hỗ trợ phí ship để khách thoải mái lựa chọn.
Bước ra từ quầy trái cây, Long Nguyễn (30 tuổi, quận 4) hào hứng khoe mớ rau anh mua với giá 25.000 đồng. "Thời buổi này dễ gì kiếm được chỗ bán giá rẻ vậy đâu", anh cảm thán.
Từ khi nhiều hàng quán ở phố Tây chuyển sang bán thực phẩm, Long trở thành khách quen. Một phần để ủng hộ các doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh, một phần vì các loại rau củ, thịt cá ở đây khá đa dạng.
“Do tính chất công việc, tôi thường về trễ sau 19h nên không có thời gian mua đồ về chế biến. Có hôm tôi tìm bột năng không thấy thì hỏi chị chủ, ngày hôm sau tiệm đã nhập về 2-3 loại để tha hồ lựa chọn”, anh Long hài lòng kể lại trải nghiệm mua thực phẩm tại phố Tây.
Tương tự, Thảo My (22 tuổi, quận 3) cho biết cô hay đặt giao thực phẩm qua các hàng rau củ, hoa quả tại Bùi Viện. Từ lúc tháo dỡ rào chắn, nới lỏng giãn cách, cô thường đi bộ ra đây để lựa đồ tươi.
“Thời gian đầu, tôi không yên tâm hẳn để ra đường. Nhưng sau khi chứng kiến các hộ kinh doanh ở đây tuân thủ 5K, khách giữ khoảng cách và phòng chắn kỹ lưỡng, tôi mới tin tưởng hơn”, chị My bày tỏ.
Thích nghi tốt, song, đây chỉ là phương án tạm thời mùa dịch. Về lâu dài, anh Thông, chị Oanh và cả những chủ hộp đêm mong mỏi sớm trở lại công việc kinh doanh cũ. Họ nhớ một Bùi Viện đông đúc, nơi không ngủ, nơi luôn có tiếng nhạc xập xình thâu đêm.
Theo Zing