Quán cháo lòng Bà Út nằm tại đường Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM. Sau khoảng 80 năm và truyền nghề qua ba thế hệ, quán vẫn giữ cái tên quen thuộc, tạo dấu ấn trong lòng thực khách. Trước đây bà Út tiếp nối nghiệp gánh cháo bán dạo của mẹ. Sau năm 1975, bà mới ngồi bán cố định.
Chiếc nồi tròn được làm từ 2 chiếc chậu nhôm hàn lại với nhau. Đây là “bí mật” giúp cháo trở nên đặc biệt hơn và cũng là điểm đặc trưng khiến ai đã nhìn thấy một lần cũng phải nhớ ngay đến cháo lòng Bà Út. Từ vài năm nay, bà Út đã ngoài 80 nên chuyển lại quán cho chị Út, cháu gái của bà. Từ nhỏ, chị đã phụ bà nấu cháo, bưng cháo nên khi lớn lên thì nối nghiệp gia đình.
Bên cạnh chiếc nồi đặc trưng là mâm đồ ăn tươi ngon với đầy đủ các loại lòng, dồi, xúc xích. Mỗi ngày cô chủ phải thức dậy từ 2 giờ sáng để chế biến lòng và nấu cháo.
Món ăn được ưa chuộng nhất tại quán cháo lòng Bà Út là dồi được làm theo công thức gia truyền. Đa phần khách đến mua đều dặn lấy nhiều dồi, thậm chí còn có người chỉ lấy dồi và không thêm một loại lòng nào khác. Anh Trung, một khách hàng chia sẻ: "Dồi ở đây thơm và mềm hơn những tiệm cháo lòng thông thường".
Nước cháo được nấu từ nước luộc lòng, nước hầm xương và nước luộc tiết. Đặc biệt, tiết tại quán cũng được cô chủ pha chế theo công thức riêng. Vì thế, cả tiết và nước luộc cũng tạo nên một hương vị đặc trưng cho quán. Bên cạnh đó, vị ngọt trong cháo là vị ngọt từ xương từ thịt chứ không nêm bột ngọt.
Để tiết kiệm thời gian khi có khách đến mua, má Hai (trái) sẽ chuẩn bị bánh quẩy, nước mắm, hành ớt và rau. Do đông khách từ sáng đến tối nên quán có 4 người cùng nhau bán. Chị Út chuyên phụ trách xếp lòng và múc cháo, má Hai thêm hành, tiêu và cắt quẩy. Hai chị em còn lại sẽ phụ trách phục vụ và dọn dẹp quán.
Những đĩa đồ ăn kèm được sắp xếp gọn gàng, sẵn sàng bưng ra ngay để khách không phải chờ đợi lâu. Món ăn kèm gồm một ít giá, nước mắm đặc trưng dùng để chấm lòng và một cặp quẩy được cắt sẵn. Quẩy có giá 6.000 đồng một phần. Khi ăn cùng cháo lòng, quẩy trở nên thơm ngon và hợp khẩu vị hơn hẳn. Vì thế, có những khách gọi thêm tận 2-3 phần quẩy.
Mỗi khi có khách mua, cô chủ sẽ khuấy nhẹ cháo trước khi múc. Khách cũng có thể yêu cầu cháo lỏng hoặc cháo đặc tùy theo nhu cầu. Anh Hòa chia sẻ: “Tôi ăn ở đây vì hương vị quen thuộc. Nước cháo không quá đậm đà nhưng có mùi vị như cháo dưới miền Tây nên khá hợp khẩu vị. Tô cháo có giá 44.000 đồng tương đối vừa phải, không quá cao”.
Tỏi phi cũng được đặt trên một bếp than riêng và giữ nóng liên tục. Đây cũng chính là điểm nhấn cho món ăn thêm đậm vị. Để tỏi không bị đắng khét, các chị em phải thay nhau ra đảo đều tay và canh lửa than cho vừa vặn.
Nước mắm chấm lòng được pha thêm đường trước khi đến tay thực khách. Má Hai chia sẻ: "Nước mắm ngon là phải đúng tỉ lệ giữa đường, nước mắm, chanh, tỏi, ớt. Đối với cháo lòng, nước chấm phải có vị mặn ngọt thanh thanh, không quá đậm đà".
Đa số khách đến mua mang về. Có những khách ở xa chọn mua qua các ứng dụng giao hàng điện tử để tiết kiệm thời gian. Vì các món ăn kèm đều được chuẩn bị sẵn nên khách mua mang về không phải chờ đợi quá lâu.