Trong căn nhà lụp xụp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, buồng ngoài chỉ đủ 1 chiếc giường cho 2 mẹ con nằm, bà Đức nuốt nước mắt kể lại hoàn cảnh gia đình:
“4 người con tôi đã lập gia đình nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Con cả bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên mọi chuyện lo toan kinh tế trong gia đình để nuôi 3 con nhỏ ăn học cũng đổ lên đầu vợ. Con trai thứ 2 hoàn cảnh thiếu kém không khá khẩm hơn.
Tôi có 3 đứa con gái, thì cũng không giúp đỡ được bố mẹ nhiều. Chị gái Hiên bỏ nhà sang Trung Quốc lấy chồng từ năm 2000 đến nay cũng gần 20 năm rồi chưa về thăm gia đình. Em gái Hiên cũng không thông minh, nhanh nhẹn, lại đang mang bầu đứa thứ 2 nên không mong ngóng giúp gia đình nhiều. Còn Hiên thì….”, bà Đức ngừng câu chuyện, quệt hàng nước mắt vừa chảy xuống.
Ngay từ nhỏ, chị Hiên đã không được nhanh nhẹn như bạn bè đồng trang lứa. Cộng thêm hoàn cảnh gia đình khốn khó, lại mang bệnh tật trong người, chị không được cắp xách đến trường, không biết đến tiếng trống trường, đến phấn trắng bảng đen như các bạn.
Chị Phạm Thị Hiên và con.
Lớn lên chị không thể làm được công việc gì giúp đỡ bố mẹ. Đã thế, chị lại thỉnh thoảng nổi cơn điên khùng, chửi, quát mắng cha mẹ, anh chị em, hàng xóm.
Có lẽ đến giờ, chị Hiên là nỗi lo lớn nhất của bà Đức bởi chị không chỉ “hứng chịu” khổ cực từ nhỏ, bị chất độc da cam mà lớn lên chị còn bị người đàn ông có vợ trong làng nhẫn tâm xâm hại.
Tiếng khóc xé lòng của người mẹ bị chất độc da cam
Bà Đức đau lòng kể lại: “Năm 2016, con gái tôi bị một người đàn ông đã có vợ trong làng xâm hại nhưng cháu không nói với gia đình. Chỉ đến khi bụng cháu to dần thì gia đình và hàng xóm mới “ngã ngửa”.
Những ngày đầu biết tin con có thai lòng tôi quặn thắt, đau như cắt từng khúc ruột. Tuy biết kẻ hãm hại nhưng tôi không thể làm gì bởi gia đình họ chối bỏ, không nhận. Trong khi đó, tôi lại không đành lòng bỏ đứa cháu vẫn còn trong bụng con của mình. Vừa thương con, tôi lại vừa uất hận kẻ nhẫn tâm khiến con như vậy”.
Chấp nhận giữ lại cháu, bà Đức lại một mình gồng gánh, lo toan. Tuy nhiên, dường như những khổ cực vẫn chưa dừng lại với chị Hiên và với cả bà Đức.
Bà Trương Thị Đức (áo nâu) lúc nào cũng lo lắng cho con gái Hiên (áo trắng) dù đã 40 tuổi nhưng còn vụng dại.
Đến ngày sinh nở, chị Hiên lại gặp trục trặc trên đường đến bệnh viện Đa khoa Thị trấn Vân Đình. Vội vàng nhảy xuống nhặt chiếc dép đánh rơi, chị bị gãy tay bên phải. Không thể sinh bình thường, các bác sĩ phải tiến hành mổ đẻ để kịp thời cứu em bé, đồng thời băng bó cánh tay bị gãy cho chị.
“Lúc đó, tôi cứ nghĩ sẽ không “mẹ tròn con vuông” được nhưng rất may các bác sĩ đã kịp thời cứu được cả mẹ lẫn con. Thậm chí, thấy hoàn cảnh túng thiếu, đáng thương của gia đình, bệnh viện đã hỗ trợ toàn bộ chi phí ca mổ, băng bó tay và tặng một số tã lót, quần áo, chăn màn cho mẹ con cháu”, bà Đức – mẹ chị Hiên chia sẻ.
Mặc dù không được thông minh, nhanh nhẹn, thỉnh thoảng điên khùng nhưng tình mẫu tử, hạnh phúc khi được làm mẹ đã khiến chị Hiên lạc quan, dường như minh mẫn hơn.
Điều mà chị Hiên lo sợ nhất bây giờ chính là có ai đó bắt con gái đi, xa khỏi vòng tay của mình. Vì thế, hễ ai đến thăm có ý muốn nhận nuôi con, chị đều lo sợ và khóc rưng rức. Tiếng khóc xé lòng của chị khiến cho ai nghe cũng phải xót xa và thương cảm, thương cho đứa bé không có tội, thương cho số phận của chị Hiên và thương cho bà Đức một mình gồng gánh, chắt chiu sớm chiều.
Nhưng điều lo lắng của chị Hiên có lẽ cũng là thừa, bởi bà Đức cho biết, dù cuộc sống khó khăn vất vả, từng ngày gom nhặt những đồng bạc lẻ ngoài chợ để kiếm sống thì với bà, niềm hạnh phúc nhất là được bên con, bên cháu. Bà bảo, ngày nào chưa trút hơi thở cuối cùng, bà sẽ dành tất cả yêu thương để cô con gái dại khờ và đứa cháu ngoại được sống an yên.
Theo Khám phá