Lee Hyeon-hwa, người tập pilates 2-3 lần/tuần, nói rằng cô không hiểu tại sao mọi người lại yêu thích quần legging cho đến khi mua và mặc món đồ này lần đầu tiên.

Hiện tại, Lee có 4 chiếc quần legging. Cô dùng loại trang phục này để đến phòng tập yoga, pilates và thỉnh thoảng mặc nó ra ngoài, theo Korea Herald.

"Nhưng tôi luôn đảm bảo rằng phần mông được che chắn cẩn thận", cô nói thêm.

Những người như Lee đang thúc đẩy doanh số của các thương hiệu thể thao ở châu Á. Tuy nhiên, ở những quốc gia không đánh giá cao những bộ quần áo hở hang, bó sát da thịt như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc sử dụng quần legging làm thời trang dạo phố luôn là chủ đề gây tranh cãi.

Trắng án quay lén vì nạn nhân mặc legging

Dù doanh số bán quần legging vẫn tăng đều đặn, trở thành món đồ phải có trong tủ đồ của các tín đồ thời trang, phụ nữ vẫn bị chỉ trích khi mặc chúng.

Trang phục này bị coi là hớ hênh, phản cảm, thậm chí còn bị gọi là "quần lót dài" trong một bộ phim truyền hình phát sóng năm 2021.

Năm 2019, Tòa án thành phố Uijeongbu (Hàn Quốc) xét xử phúc thẩm vụ án người đàn ông dùng điện thoại quay lén phụ nữ mặc quần legging và áo hoodie trên xe buýt.

Theo phán quyết của tòa phúc thẩm, người đàn ông không phạm tội quấy rối tình dục. Trong khi trước đó, một tòa án địa phương ở Uijeongbu đã xử phạt ông này 700.000 won (khoảng 600 USD) và buộc tham gia 24 giờ học về phòng chống bạo lực tình dục.

Trong phán quyết, tòa phúc thẩm cho biết: "Việc bí mật quay các bộ phận cơ thể có thể khiến nạn nhân khó chịu, nhưng đó không phải là lạm dụng tình dục vì ngày nay phụ nữ mặc quần legging hàng ngày. Không chỉ mặc như đồ thể thao, cô ấy đã mặc nó trên phương tiện giao thông công cộng".

Quần legging ám ảnh phụ nữ châu Á-1

Phán quyết này bị chỉ trích là dung túng cho tội phạm tình dục và đổ lỗi cho nạn nhân bằng cách tập trung vào chiếc quần legging thay vì hành động quay lén.

Lee Mi-kyoung, giám đốc Trung tâm cứu trợ bạo lực tình dục Hàn Quốc, cho rằng phán quyết của tòa án có thể khiến công chúng hiểu sai về tội phạm quay lén.

"Với phán quyết này, nhiều người có thể nghĩ rằng việc quay phim, chụp lén người khác có phạm pháp hay không còn tùy vào từng loại trang phục nạn nhân mặc", Lee nói.

Phán quyết còn tạo cơ hội cho nhiều người Hàn Quốc thảo luận về sự phù hợp của việc mặc quần legging ở nơi công cộng.

Choi Gang-wook cho biết: "Tôi thực sự bị sốc khi thấy phụ nữ trẻ mặc quần legging trên xe buýt. Không phải tôi nghĩ rằng quần legging là không phù hợp, nhưng những cái nhìn chằm chằm thật khó chịu".

Park Jee-eun, nhân viên văn phòng ở Seoul, nói: "Tôi cũng thường mặc quần legging nhưng nhiều người lại nhìn chằm chằm vào tôi".

Chiếc quần cấm kỵ ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, legging ngày càng phổ biến nhờ gắn liền với ném đĩa, môn thể thao thời thượng của giới trẻ tỷ dân. Tuy nhiên, sự phổ biến không thể xóa bỏ định kiến xung quanh loại trang phục này.

Ban đầu, những lời phàn nàn xuất hiện trên các diễn đàn trực tuyến về môn ném đĩa. Những người chơi lâu năm chỉ trích nhóm mới chơi mặc quần legging tình dục hóa trò chơi, khiến môn thể thao bị coi là xu hướng thời trang.

Nhiều người ảnh hưởng chỉ chơi ném đĩa để phô bày đường cong trong trang phục vừa vặn, đăng ảnh lên trang cá nhân, tạo nội dung trên mạng xã hội. Họ bị mỉa mai là "feipanyuan" hay "female frisbee socialite".

Nora, người thường xuyên chia sẻ những bức ảnh chơi ném đĩa, nói rằng cô nhiều lần bị gọi là feipanyuan và cảm thấy mệt mỏi vì "khái niệm bất công" này.

"Tôi đã gặp nhiều người tới sân nhưng không thực sự chơi thể thao. Họ tạo dáng chụp ảnh trong 30 phút rồi rời đi. Nhưng họ không cản trở gì tôi, vì vậy không có lý do gì để nổi cáu cả", cô nói.

Quần legging ám ảnh phụ nữ châu Á-2

"Có một định kiến ​​rằng phụ nữ không nên trang điểm hay gây chú ý về ngoại hình khi chơi thể thao. Điều này hoàn toàn vô lý. Khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia ném đĩa, việc họ chụp ảnh trên sân như một cách để ghi lại trải nghiệm là điều hoàn toàn bình thường. Tôi muốn trông thật đẹp khi chơi thể thao. Nó giúp tôi hạnh phúc, vậy tại sao tôi phải ngừng làm như vậy".

Khi legging vượt ra khỏi sân chơi ném đĩa để trở thành trang phục hàng ngày, cuộc tranh luận càng trở nên sôi nổi hơn.

Những người phản đối xu hướng này cho rằng quần legging là biểu hiện của "sự trượt dài và lệch lạc về tính khiêm tốn, kín đáo", vốn được coi là đức tính tốt của phụ nữ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.

"Tôi không có ý xâm phạm quyền ăn mặc tự do của bất kỳ ai, nhưng việc khoe mông ở nơi công cộng là không phù hợp", một người bình luận trên Weibo.

Không chỉ là chuyện ăn mặc

Dù văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc đã chuyển sang chủ nghĩa cá nhân hơn so với trước đây, mọi người vẫn có xu hướng chú ý, bình luận về sự lựa chọn trang phục của người khác.

Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết văn hóa Hàn Quốc có tâm lý tập thể.

Chủ nghĩa tập thể khiến mọi người đánh đồng bản thân với người khác. Mọi người có xu hướng quan tâm đến những gì người xung quanh nghĩ về quần áo của mình cũng như chú ý đến những gì người khác đang mặc.

"Vì thật khó để coi nhau là những cá thể hoàn toàn tách biệt trong một xã hội tập thể, mọi người dễ cảm thấy xấu hổ thay khi nhìn thấy người khác mặc thứ gì đó không phù hợp".

Xã hội Hàn Quốc từng trải qua một cuộc tranh luận tương tự xung quanh "no bra", phong trào phụ nữ chọn không mặc áo ngực. Trong khi đó, chiếc áo hai dây cũng thổi bùng tranh cãi trong giới trẻ Trung Quốc.

Ngày nay, no bra hay áo hai dây đã trở nên phổ biến hơn, mặc dù vẫn còn gây tranh cãi.

Theo cuộc khảo sát năm 2019 của nền tảng Tillion Pro, 1/4 số người được hỏi cho rằng phụ nữ không mặc áo ngực là "không đứng đắn" hoặc "tục tĩu", trong khi đa số có thái độ tích cực đối với xu hướng thả rông.

Quần legging ám ảnh phụ nữ châu Á-3

Một cuộc thăm dò tại Trung Quốc cho thấy 70% trong số 14.000 phụ nữ được hỏi không dám mặc áo hai dây ở nơi công cộng vì tự ti về cơ thể hoặc sợ bị phê phán.

Sau chiếc áo ngực, áo hai dây, giờ đây, legging là tâm điểm mới của cuộc tranh luận. Dù những món đồ này ngày một nổi tiếng, câu hỏi liệu có nên mặc chúng ở nơi công cộng hay không vẫn chưa tìm được đáp án chung.

Joy Lin, nhà hoạt động nữ quyền ở Thượng Hải, cho rằng những tranh cãi xung quanh áo quần không chỉ gói gọn trong lĩnh vực thời trang.

"Mọi người còn đang đánh giá nhân cách và đạo đức dựa vào cách ăn mặc của một cô gái. Nếu ăn mặc quá tự do, họ sẽ nói là cô gái kia đang muốn bị sàm sỡ. Nếu không hở tí da thịt nào, lại bị gọi là 'cứng nhắc'. Nếu mặc xuề xòa, lại bị goi là 'dama' (từ lóng Trung Quốc có ý miệt thị phụ nữ trung niên hoặc cao tuổi)".

Yunkim Ji-yeong, phó giáo sư triết học tại Đại học Quốc gia Changwon, nói rằng cơ thể phụ nữ luôn được coi là thứ cần được che giấu trong nhiều lớp quần áo. Hầu hết phụ nữ không chỉ mặc áo ngực mà còn phải cẩn thận mặc thêm một lớp áo "bảo hộ" để che đi áo lót.

"Cuộc tranh cãi liên quan đến quần legging là một ví dụ khác về việc phụ nữ được cho phải giấu đi cơ thể của mình. Những người nói rằng họ sẽ 'không bao giờ cho phép con gái hoặc bạn gái mặc những thứ này' cho thấy tâm lý muốn kiểm soát phụ nữ", Yunkim nhận định.

Theo Zing News