Quán xí mà phù tuổi đời 70 năm ngon nhất ở Hội An

Hơn 70 năm nay, người dân và du khách ở Hội An có lẽ đã quá quen thuộc với tiếng rao của ông lão bán xí mà phù. Nhưng giờ đây, hình ảnh ấy đã không còn nữa. Thay vào đó là cặp vợ chồng con gái ông nối nghiệp nhà...

"Truyền nhân" của "ông lão xí mà huyền thoại"

Suốt gần thế kỷ qua, món xí mà phù đặc biệt của cụ ông Ngô Thiểu (101 tuổi) đã trở thành một đặc sản và gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân phố Hội. Mặc dù ông đã chính thức "nghỉ hưu" cách đây hơn 3 năm nhưng có lẽ trong tâm trí của nhiều người, dáng người gầy gò và tiếng rao yếu ớt bên "gánh hàng huyền thoại" ấy vẫn còn vẹn nguyên cùng năm tháng.

Ông lão 101 tuổi này đã giữ hồn món chè xí mà - thức quà đặc biệt ở phố cổ Hội An gần 80 năm qua. Ảnh: Internet

Theo những người dân địa phương, thời còn trẻ, tiếng rao của cụ Thiểu xuất hiện trên khắp các con phố của Hội An. Nhưng lúc tôi biết đến cụ thì cụ đã ngồi cố định ở con phố Nguyễn Trường Tộ vì sức khỏe không cho phép để có thể gánh đi bán dạo như trước nữa. Nguyên liệu cơ bản để nấu xí mà là mè đen, bột sắn dây, bột nếp và đường. Ngoài ra, cụ Thiều còn có thêm một vị thuốc Bắc nào đó nhưng gần như chỉ có cụ và "truyền nhân" nắm rõ.


Giờ đây, vợ chồng con gái cụ Thiểu đã nối tiếp nghề của cha mình

Theo ông Nguyễn Xuân Huy (65 tuổi, trú phường Cẩm Hà), suốt hơn 70 năm, gánh chè mè đen của cụ Thiểu đã đi qua hết các hang cùng ngõ hẻm của Hội An, trở nên thân thuộc với người dân nơi đây. Nhiều người giờ đã thành ông thành bà, từng ăn bát xí mà do chính tay ông Thiểu nấu và nay con cháu họ vẫn tiếp tục "nghiện" món quà vặt ấy từ chính "truyền nhân" của ông.

Gánh xí mà này cũng đông khách không thua gì thời "hoàng kim" của cụ Thiểu...

Cách thưởng thức chè xí mà cũng rất ấn tượng, cả quán chỉ có dăm bảy cái ghế đọt
 nên nhiều khi đông người quá thì khách ăn buộc phải ngồi xổm...


Để gặp được "truyền nhân" nấu món xí mà phù lừng danh này, tôi phải mất 3 lần lặn lội xuống Hội An. Bởi 2 lần tìm đến đây vào lúc trưa, tôi đều nhận được câu trả lời đầy "hụt hẫng" từ người dân: "Muốn ăn xí mà phù thì phải tới đây từ sáng sớm chứ cỡ 9 giờ là hết trơn rồi!".

Những bát xí mà phù này đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao đứa trẻ Hội An

... là món quà vặt mà những người bà, người mẹ hay mua về cho con cháu mình trong
mỗi lần đi làm về...


Món xí mà của cụ Thiểu đã được công nhận là đặc sản của riêng du lịch Hội An và được nhiều du khách nước ngoài yêu thích


... và món chè này cũng đã góp mặt trong top 9 món đặc sản của tour du lịch ẩm thực Hội An dành cho người nước ngoài

Quyết tâm thưởng thức lại bằng được bát xí mà ngon nhất Hội An này, 7 giờ sáng tôi đã có mặt tại phố cổ. Dù mới sáng sớm nhưng nồi xí mà của vợ chồng con gái cụ Thiểu đã gần cạn.

Do thực khách cứ đến nườm nượp nên cuộc trò chuyện của tôi với vợ chồng cô Ngô Thị Thị (55 tuổi) và chú Nguyễn Anh Tuấn (57 tuổi) cứ "chắp nối" mãi. Vừa tất bật múc xí mà cho khách, cô Thị vừa cười tươi chia sẻ, cha cô có tất thảy 3 người con, cô là con gái giữa, trước đây cô là giáo viên dạy cấp 2, còn chồng là nhân viên ngành địa chính ở Đà Nẵng.


Mỗi bát xí mà phù chỉ có giá 6.000 đồng


Để có được nồi chè này, hai vợ chồng cô Thị phải dậy chuẩn bị từ 3 giờ sáng...

Cuộc sống gia đình vốn khó khăn, chính nhờ gánh chè mè đen mà cha đã nuôi được ba anh em cô ăn học thành tài. Sau khi có công việc ổn định, vợ chồng cô đón cha về sống chung và nhiều lần khuyên ông nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già nhưng ông nhất quyết không chịu. Cứ thế, suốt mấy chục năm qua, ông cùng gánh xí mà của mình cứ lặng lẽ tô thêm gam màu cổ kính, trầm mặc cho Hội An thêm phần hấp dẫn.

Nét mới bên bát xí mà ngon nhất phố Hội

Đưa bát xí mà nóng hổi cho tôi, chú Tuấn cười tiếu táo: "Học nấu xí mà của ‘nhạc phụ’ tôi không phải dễ đâu nha. Lúc còn khỏe mạnh, ổng nhất quyết không dạy cho ai hết. Mãi khi yếu quá, vì không muốn mất đi cái nghề gia truyền nên ổng mới chịu truyền bí quyết lại, với một phần do vợ chồng tôi học lỏm...".

Cũng là mè đen, đường, nhưng món chè gia truyền của cụ Thiểu có vị ngon ngọt, beo béo, thanh mát và mùi vị thơm ngon rất đặc biệt.

Trước khi nấu, mè được ngâm khoảng 3 tiếng, sau đó xay nhuyễn rồi trộn các cây thuốc Bắc. Còn nước nấu chè được lấy từ giếng cổ Bá Lễ hàng trăm năm tuổi nổi tiếng ở Hội An.

Nghe chồng mình nói, cô Thị cũng hào hứng tiếp lời: "Hồi còn trẻ, tôi đã nhiều lần theo cha đi bán xí mà khắp Hội An. Về sau, tôi đi làm, sức khỏe yếu nên cha chỉ ngồi một chỗ cố định đối diện trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi này để bán. Không thấy tiếng rao của ông xuất hiện trên phố nên nhiều người ‘nghiện’ món xí mà đã lặn lội hàng cây số tìm đến tận nơi để mua. Hồi trước, ở Hội An có một mình cha tôi biết nấu món này thôi. Bởi vậy nên giờ đa số người đến mua xí mà của vợ chồng tôi đều là khách quen của ông cụ cả…".

Cô Thị bảo những người này hầu hết đều là khách quen của ông cụ Thiểu nên khi họ đến là đã biết mua mấy gói và gói như thế nào mà khách không cần phải nói. Trừ khi khách có thay đổi khác trong thói quen...

Nhìn chú Tuấn vừa cười vừa loay hoay múc xí mà cho khách, tự nhiên tôi lại chợt nhớ tới hình ảnh cụ Thiểu cách đây 3 năm trước mà tôi từng gặp.

Sợ chè hết nên ngay từ sáng sớm, nhiều người đã đến mua xí mà về để dành cho con mình ăn

Nhiều bạn trẻ đến đây không chỉ để thưởng thức món ăn bổ dưỡng này mà còn để hồi tưởng lại tuổi thơ của mình...

Nếu trước đây, chỉ một mình cụ Thiểu ngồi trầm mặc như bóng phố cổ in trên đường phố, in vào lòng người, thực khách đến đây rất hiếm khi thấy ông lão cười và nói chuyện thì giờ đây, vợ chồng con rể cụ đã bổ sung được một phần hay cho gánh xí mà hai đời này... Tuy nụ cười không thường trực trên khuôn mặt người con rể nhưng lại xuất hiện rất đúng lúc. Hai vợ chồng làm việc rất ăn ý và thường xuyên tiếp chuyện khiến thực khách cảm giác thân quen, gần gũi và ấm lòng hơn...

Cứ thế, món chè gia truyền 2 đời của "ông lão xí mà" đã trở thành biểu tượng quen thuộc của phố cổ Hội An

Chia tay cặp truyền nhân của "ông lão xí mà huyền thoại" ra về khi gánh chè đã cạn đáy, một vài vị khách tới trễ phải chép miệng đầy tiếc nuối. Cô Thị cười duyên hẹn họ mai tới sớm hơn. Khách cười đáp lại. Rồi đây, chắc chắn, vợ chồng cô Thị sẽ đưa gánh xí mà gia truyền của mình đi sâu hơn vào lòng du khách khi đến với Hội An...
Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất