Việc quảng cáo dày đặc, tràn lan, kém duyên này buộc khán giả thụ động tiếp nhận sản phẩm vì nó gắn với hoạt động nội dung của chương trình. Trước kia, nếu không thích xem đoạn quảng cáo nào đó trong game show, chương trình truyền hình, khán giả có thể lướt qua vì quảng cáo được phát từng đoạn video clip riêng biệt, đan xen. Những logo, hình ảnh của sản phẩm cũng hạn chế xuất hiện nhiều vào nội dung game show, chương trình vì e ngại tạo phản ứng ngược với khán giả.

Quảng cáo trong chương trình truyền hình thực tế: Sao mãi đập thẳng vào mắt người xem-1Quảng cáo trong chương trình truyền hình thực tế: Sao mãi đập thẳng vào mắt người xem-2
Cảnh quảng cáo lồng ghép tràn lan, kém duyên trong các game show, chương trình truyền hình.

Thế nhưng, hiện nay, việc chèn hình ảnh sản phẩm, logo đầy phô trương hoặc lồng ghép sản phẩm quảng cáo vào nội dung chương trình tràn lan, bất chấp khán giả thích hay không thích. Trong chương trình "2 ngày 1 đêm", nhiều sản phẩm quảng cáo còn được thiết kế thành thử thách để những người chơi vượt qua. Một số còn trở thành phần thưởng cho người chơi sau mỗi chặng thử thách. Những lời khen ngợi, ca tụng cho các sản phẩm quảng cáo được làm lố mang đến cảm xúc giả tạo, thiếu thuyết phục khiến khán giả ngán ngẩm.

Trong chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng", sản phẩm tài trợ cũng xuất hiện lộ liễu trong phần trò chuyện giữa những người nổi tiếng. Chương trình cố ý thiết kế cuộc trò chuyện nhằm tạo tình huống để người nổi tiếng nhắn nhủ nhau sử dụng trong lúc hình ảnh, logo và sản phẩm xuất hiện trong khung hình. Các chương trình khác như "Sao nhập ngũ", "Running Man Vietnam - Chơi là chạy"… cũng gặp cảnh tương tự khi quảng cáo xuất hiện tràn lan trong khung hình. Những người nổi tiếng tham gia các chương trình được lồng ghép nói về sản phẩm với lời khen rập khuôn, đôi khi biểu cảm gượng gạo.

Hẳn nhiên, để một chương trình truyền hình, game show hoạt động được thì buộc phải có nhà tài trợ, quảng cáo là một cách nhà sản xuất trả quyền lợi cho họ. Nhưng để quảng cáo có hiệu quả cao lại tránh gây phản cảm, kém duyên, tạo tác dụng ngược với khán giả, không phải là biện pháp lồng ghép, đưa vào chương trình tràn lan như hiện nay. Khán giả khó chịu từ quảng cáo gây phân tán nội dung chương trình sẽ dần ác cảm với sản phẩm.

Ở những nước trong khu vực mà điển hình là Thái Lan, quảng cáo của họ luôn gây sốt cộng đồng mạng bởi đôi khi khán giả phải đoán mới biết quảng cáo sản phẩm gì. Một số video clip quảng cáo vô cùng nhân văn, thuyết phục như một phim ngắn, tạo được ấn tượng lâu dài. Công chúng nhớ đến, tiếp thu từ sản phẩm, dịch vụ đến thông điệp của nhà sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo, tinh tế chứ không nhất thiết phải ngập tràn, lồ lộ như đập vào mắt mọi người mới là tốt nhất! 

Theo Người lao động