Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. 

Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh có bà Trịnh Thị Minh Thanh (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh), ông Cao Tường Huy (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Tính đến sáng hôm nay, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập úng do hoàn lưu sau bão đã làm 348 người chết và mất tích, trong đó 281 người chết và 67 người mất tích. Hội nghị đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra. 

Tại Quảng Ninh, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra rất nặng nề, ước tính sơ bộ toàn tỉnh thiệt hại  khoảng 23.770 tỷ đồng. Về người, có 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương.

70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ, 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm. Hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái, 251 nhà bị đổ sập, 4.942 nhà bị ngập, 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 7.500 ha lúa bị ngập, hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi và gần 90.000 ha rừng bị thiệt hại.

Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Tường Huy (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để khắc phục hậu quả, toàn tỉnh đã huy động gần 70.700 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn. 110 lượt máy xúc, 465 lượt tàu, xuồng để tập trung công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, nhất là trên biển, hỗ trợ người dân dọn dẹp sau bão, tổng vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp tích cực với ngành điện, viễn thông khắc phục hệ thống bị tê liệt trên địa bàn. 

Quảng Ninh thiệt hại gần 24 nghìn tỷ đồng do bão số 3-1
Nhiều khu du lịch ở TP Hạ Long, Quảng Ninh bị tàn phá sau bão số 3

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức di dời 3.155 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn. Tìm kiếm và cứu hộ thành công 111 người bị trôi dạt trên biển, trú ẩn, bị kẹt trên các đảo về bờ. Thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời những gia đình có người thiệt mạng. 

Thực hiện cấp điện lưới cho 70% khách hàng, khôi phục sóng di động, mạng internet đạt 100%. Các hoạt động sản xuất kinh doanh đã được khôi phục trở lại. Toàn bộ ngành than, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã trở lại hoạt động bình thường. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã thông quan trở lại từ ngày 9/9. 

Một số cơ sở lưu trú, cơ sở du lịch đã hoạt động trở lại và mở cửa đón khách du lịch. Trong 2 ngày (12 và 13/9), tỉnh đã đón gần 10.000 khách du lịch, trong đó có khoảng 7.000 khách du lịch quốc tế. 

Toàn tỉnh đã cơ bản ổn định tổ chức dạy học, 100% cơ sở y tế trên toàn tỉnh đã khám, chữa bệnh cho người dân trước, trong và sau bão. 

Hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung rà soát, thống kê các thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra, phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng để thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, tỉnh cũng rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn; phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số trong năm 2024.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cũng nêu một số đề xuất với Chính phủ như: Cho phép bổ sung đối tượng là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ; chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất, chính sách cho các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ trồng rừng vay vốn. 

Đề nghị cho tăng vốn điều lệ cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, miễn tiền thuê đất đối với doanh nghiệp lâm nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản trên biển...

Theo VietNamnet