Nỗ lực thi đấu để đạt kết quả tốt nhất, các vận động viên nữ vẫn không tránh khỏi sự soi mói và phân biệt đối xử, theo CNN.
"Chúng tôi chỉ muốn được đối xử ngang hàng với các chàng trai", hậu vệ đội bóng ném bãi biển Na Uy Julie Aspelund Berg nói. Trước đó, đội bị phạt 1.766 USD vì chọn mặc quần đùi thay cho bikini trong trận đấu tại giải vô địch châu Âu ở Bulgaria.
Tại Olympic Tokyo, đội thể dục dụng cụ nữ của Đức thi đấu trong trang phục dài đến mắt cá chân. Bình thường, các vận động viên nữ sẽ mặc đồ giống bikini một mảnh. Đây là hành động biểu tượng cho nỗ lực chống lại "tình dục hóa phụ nữ và trẻ em" trong môn thể dục dụng cụ.
Trải qua nhiều sự kiện thể thao, vấn đề về trang phục của vận động viên nữ không ngừng gây tranh cãi. Bên cạnh đó, các quy tắc xoay quanh đồ thi đấu khiến nhiều người lo lắng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thế hệ vận động viên nữ trẻ tuổi.
Lịch sử lâu dài của các quy tắc
Sau vụ việc đội bóng ném bãi biển Na Uy bị phạt về trang phục, Stephanie Hilborne, Giám đốc điều hành của Women in Sport, nhận định đây là ví dụ về những thông điệp xung đột mà phụ nữ phải đối mặt. "Mặc hở, mặc kín. Nó giống như sợi dây thắt chặt phụ nữ", cô nói.
Từ lâu, phụ nữ đã đấu tranh cho quyền tham gia thể thao. Trong khi Thế vận hội Olympic đầu tiên diễn ra vào năm 1896, phụ nữ không được phép tham gia cho đến năm 1900.
Các quy định về trang phục thi đấu như sợi dây thắt chặt vận động viên nữ. Nhiều bộ môn yêu cầu sự kín đáo. Trong khi số khác lại quá hở hang.
Vận động viên quần vợt Charlotte Cooper đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử giành được huy chương vàng Olympic. Khi ấy, nữ vận động viên mặc một chiếc váy dài. Phụ nữ thi đấu trong các môn thể thao như quần vợt sân cỏ ở thế kỷ 19 mặc áo nịt ngực và váy phồng. Trang phục ảnh hưởng đến quá trình vận động.
Đến năm 1908, trang phục thi đấu của phụ nữ được phép để lộ chân, nhưng vẫn phải thể hiện sự kín đáo. Thế vận hội ở Stockholm (Thụy Điển) năm 1912 đánh dấu lần đầu tiên phụ nữ được phép tham gia môn thể thao bơi lội. Vận động viên phải mặc đồ bơi dáng rộng với áo ba lỗ và quần đùi.
Khi bộ môn bóng chuyền bãi biển được giới thiệu tại Olympic ở Mỹ, vận động viên nữ phải mặc đồ bơi hai mảnh, để lộ điểm nhạy cảm trên cơ thể. Trong khi đó, trang phục của nam giới là áo ba lỗ rộng và quần shorts.
Đến năm 2012, liên đoàn bóng chuyền bổ sung thêm quy tắc về trang phục cho phép phụ nữ có thể mặc bikini 2 mảnh hoặc đồ bơi một mảnh. Tuy nhiên, đáy quần phải vừa vặn và không được dài quá 10 cm.
Sau những điều khoản bổ sung về trang phục thi đấu, nhiều vận động viên nữ lên tiếng chống lại sự phân biệt giới tính. Họ chia sẻ quan điểm với công chúng về những quy chuẩn quá khắt khe của liên đoàn thể thao.
Cuộc trò chuyện "xuống cấp"
Michael Hobson, một giảng viên về giáo dục thể chất và thể thao tại Đại học St Mary, cho biết: "Hết lần này đến lần khác, khi phụ nữ xuất hiện, những gì họ mặc trở thành chủ đề cho cuộc trò chuyện".
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên các giải đấu quần vợt cho thấy tần suất bình luận trang phục của vận động viên nữ. Trong khi đó, trang phục của nam vận động viên không được chú ý bằng.
Mỗi khi phụ nữ xuất hiện, trang phục của họ luôn trở thành chủ đề để bàn luận. Ảnh: Getty.
Khi phụ nữ tham gia thể thao, luôn có những yêu cầu, quy định kiểm soát trang phục của họ. Nhiều bộ đồ bị bắt buộc phải kín đáo, giảm độ nữ tính để không gây hấp dẫn với nam giới. Mặt khác, một số bộ môn đưa ra quy định vận động viên phải mặc gợi cảm để khán giả sẵn sàng chi tiền xem họ thi đấu.
Năm 2012, Hiệp hội Quyền anh Quốc tế Nghiệp dư đã đề xuất nữ võ sĩ phải mặc váy chứ không dùng quần đùi. Họ nhận định đây là cách để phân biệt nam và nữ.
Chống lại đề nghị này, võ sĩ nghiệp dư Elizabeth Plank gửi bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu phụ nữ được tự do lựa chọn trang phục trên võ đài. Với kết quả là 57.000 chữ ký, các võ sĩ được tự do chọn đồ thi đấu.
Phương tiện truyền thông đã giúp vận động viên được nói lên suy nghĩ của họ. Hình ảnh trang phục thi đấu của đội thể dục dụng cụ nữ Đức giống như một tuyên bố chính trị.
Trong khi đó, vận động viên Olivia Breen bị nhắc nhở khi mặc quần quá ngắn. Một quan chức chê quần của Olivia: "Đồ cô mặc quá hở hang. Cô nên mua thêm vài chiếc quần đùi".
Nữ vận động viên nhận thấy bản thân hoàn toàn tuân thủ quy định về đồng phục thể thao. Đồng thời, Olivia Breen đệ đơn khiếu nại đến England Athletics nhưng chưa nhận được phản hồi.
Những hành động của các vận động viên nữ trước truyền thông hướng đến mục tiêu đấu tranh chống lại loạt quy tắc. Ảnh: ABC News.
Đấu tranh cho thế hệ trẻ
New York Times nhấn mạnh trang phục có thể ảnh hưởng đến thành tích thi đấu của vận động viên. "Với bộ đồ thoải mái, vận động viên có thể làm tốt hơn. Chính họ biết bộ đồ nào khiến bản thân thoải mái", Catherine Sabiston - giáo sư tâm lý thể thao - chia sẻ.
Đấu tranh cho các tiêu chuẩn, chuẩn mực không chỉ đẩy lùi sự phân biệt giới tính. Julie Aspelund Berg - hậu vệ đội bóng ném bãi biển Na Uy - cho rằng quy định về trang phục có thể ngăn cản nhiều phụ nữ tham gia thi đấu.
Các chuyên gia cho thấy loạt quy định có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định tham gia thể thao của giới trẻ.
Lipa Nessa, ủy viên của Hiệp hội Thể thao Muslimah, cho biết phụ nữ Hồi giáo gặp nhiều rào cản trong việc tham gia thể thao. Trước năm 2014, phụ nữ không được phép đeo khăn trùm đầu khi thi đấu bóng đá. FIFA đã thay đổi quy định này.
Trước thay đổi của FIFA, Lipa Nessa khích lệ các cơ quan quản lý lớn đứng ra thay đổi quy tắc của họ. Những quy định xoay quanh tranh phục thi đấu có thể ảnh hưởng đến quyết định theo đuổi thể thao của nhiều cô gái.
Theo Zing