Concert nâng tầm nghệ sĩ

Năm qua, thị trường biểu diễn ở Việt Nam liên tục được hâm nóng. Theo Báo cáo tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam (2024-2025), trong 12 tháng qua, có hơn 50 concert quy mô lớn (vài nghìn người trở lên) được tổ chức ở Việt Nam.

Bốn đêm diễn của Anh trai say hi ước tính hút hơn 160.000 khán giả. Hai concert của Anh trai vượt ngàn chông gai cũng đón hàng chục nghìn người vào xem mỗi đêm. Trước đó, đêm nhạc Những thành phố mơ màng tại Hà Nội quy tụ 17 nghệ sĩ, đón 7.000 khán giả. Ba ngày của HOZO Super Fest trong tháng 12 đón khoảng 200.000 lượt người tham gia. Live show riêng của những nghệ sĩ như Hà Anh Tuấn, Lệ Quyên... cũng duy trì sức nóng với vài nghìn khán giả.

Quyền lực của fan Việt-1Quyền lực của fan Việt-2
Năm qua, Việt Nam có nhiều concert quy mô lớn.

Việc hàng chục concert quy mô lớn được tổ chức trong năm cho thấy năng lực tổ chức sự kiện biểu diễn ở Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp. Ở một số concert, lực lượng nhân sự hỗ trợ lên tới cả chục nghìn người. Khâu tổ chức cũng chú trọng trải nghiệm cho khán giả. Hạng vé cao nhất thường được phục vụ kèm đồ ăn, quyền lợi giao lưu với nghệ sĩ. Những phụ kiện đi kèm với từng hạng vé như áo, mũ, túi, gậy phát sáng... được người hâm mộ săn lùng, mua bán nhộn nhịp trên mạng.

Anh Trần Tuấn Anh - Tư vấn cấp cao của Megatix Global (đơn vị cung cấp hệ thống bán vé sự kiện) - nhận định thị trường concert tại Việt Nam phát triển đáng kể trong những năm gần đây, phản ánh sự trưởng thành của ngành giải trí. Điều này đặc biệt rõ nét sau sự sụt giảm thị phần của ngành phim ảnh và rạp chiếu phim trong lĩnh vực giải trí sau đại dịch. Qua đó, sự tăng trưởng của nhạc sống và các concert là điều tất yếu.

“Các concert tại Việt Nam hiện nay tiếp cận được các trang thiết bị hàng đầu thế giới, cùng với đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp đã làm việc với các nghệ sĩ quốc tế biểu diễn tại Việt Nam. Điều này càng góp phần nâng tầm chất lượng và quy mô cho các sự kiện âm nhạc lớn trong nước. Những concert gần đây như Anh trai say hi hay Anh trai vượt ngàn chông gai quy tụ nhiều nghệ sĩ thay vì chỉ có một nghệ sĩ biểu diễn, mở ra một thị trường và cách làm mới trong lĩnh vực này. Đây là tín hiệu tích cực cho sự đổi mới và đa dạng hóa các loại hình concert tại Việt Nam” - anh Tuấn Anh nói.

Quyền lực của fan Việt-3Quyền lực của fan Việt-4
Nghệ sĩ tổ chức họp fan sau game show, concert.

Concert không chỉ tăng cường kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả mà còn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm âm nhạc và tương tác trực tuyến sau sự kiện. Đây cũng là cơ hội để nghệ sĩ nâng tầm thương hiệu cá nhân, gia tăng giá trị thương mại từ các nguồn như bán sản phẩm hay tài trợ.

“Với đơn vị tổ chức, những concert thành công mang lại nhiều lợi ích to lớn như khẳng định vị thế của nhà tổ chức trong ngành giải trí, đồng thời xây dựng niềm tin và sự hỗ trợ từ các đối tác như thương hiệu, địa điểm tổ chức và cả chính quyền địa phương. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô tổ chức trong tương lai” - chuyên gia nhận định.

Quyền lực từ khán giả

Sự cuồng nhiệt của khán giả thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt concert. Báo cáo tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam (2024-2025) của nhóm chuyên gia trong lĩnh vực giải trí cho thấy hoạt động sôi nổi của người hâm mộ tạo ra tác động đáng kể đối với ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Số liệu khảo sát chỉ ra 13% người hâm mộ sẵn sàng chi trên 500.000 đồng cho các sản phẩm liên quan đến âm nhạc.

Người hâm mộ không nghe nhạc một cách thụ động mà tích cực quảng bá cho thần tượng, mua vé concert và đưa nghệ sĩ lên top các nền tảng như YouTube và Spotify.

TS Nguyễn Văn Thăng Long - Giảng viên Cao cấp ngành Truyền thông Chuyên nghiệp (Đại học RMIT) - nhận định khán giả có quyền lực lớn đối với sự nghiệp của nghệ sĩ, vừa ủng hộ nhiệt tình nhưng cũng có thể quay lưng nếu kỳ vọng không được đáp ứng. Điều này tạo ra cơ hội kết nối sâu sắc hơn với người hâm mộ, nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc quản lý hình ảnh công chúng của nghệ sĩ.

Quyền lực của fan Việt-5Quyền lực của fan Việt-6
Concert thành công khẳng định vị thế của nhà tổ chức trong ngành giải trí.

Hai concert “anh trai” vừa qua là minh chứng cho thấy fan Việt chịu chi vì thần tượng. Doanh thu hai đêm diễn Anh trai vượt ngàn chông gai khoảng 340 tỷ đồng. Vé chương trình được bán lại với giá đắt gấp ba, gấp bốn lần vé do BTC phân phối nhưng vẫn được săn đón. Một số fan kể câu chuyện đi từ TPHCM ra Hà Nội để xem thần tượng, có người từ nước ngoài về Việt Nam xem.

Dữ liệu từ công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa chỉ ra người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ hai tại châu Á - Thái Bình Dương về du lịch hòa nhạc. 41% người Việt Nam đi du lịch để tham gia concert trong nước hoặc quốc tế.

Làm sao để giữ nhiệt?

Dù thói quen đi xem concert của khán giả tăng lên, các sự kiện giải trí cần đảm bảo chất lượng để “giữ nhiệt”. TS Nguyễn Văn Thăng Long khẳng định vai trò của nhà nước vẫn rất quan trọng trong việc phát triển hợp tác công - tư trong văn hóa, làm cầu nối giữa các bên liên quan để tổ chức và quảng bá các lễ hội âm nhạc và giao lưu văn hóa trong nước lẫn quốc tế. Điều đó cũng giúp nghệ sĩ phát triển danh tiếng và nâng tầm nền âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài ra, nhà nước cần quan tâm tới việc nâng cao cơ sở hạ tầng tổ chức sự kiện, lên kế hoạch xây dựng, tái cấu trúc các sân vận động, nhà hát, cùng các phương tiện, dịch vụ công cộng.

“Đây là những chiến lược vĩ mô thiết yếu để phục vụ cho trải nghiệm tổ chức sự kiện âm nhạc của nghệ sĩ và trải nghiệm đi xem ca nhạc của khán giả, góp phần làm giàu mạnh nền âm nhạc Việt Nam”, ông Long nói.

Giữa tháng 12/2024, Google công bố những từ khóa, xu hướng và thông tin mà người Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2024 với các nhóm chủ đề: xu hướng tìm kiếm chung nổi bật nhất, phim, du lịch, concert, công cụ AI, kỹ năng, cách làm.

Ở hạng mục concert, số lượng tìm kiếm tăng mạnh, cho thấy người Việt ngày càng quan tâm đến các buổi hòa nhạc. Anh trai say hi với 4 đêm concert đứng ở vị trí đầu tiên. Xếp vị trí thứ 2 là từ khóa Anh trai vượt ngàn chông gai concert.

Theo Tiền Phong