Thông tin nữ sĩ Quỳnh Dao qua đời tại nhà riêng ngày 4/12 gây rúng động giới giải trí châu Á. Theo HK01, tin tức nhà văn nổi tiếng qua đời nghi tự tử khiến hàng loạt nghệ sĩ - nhất là diễn viên từng đóng phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nữ nhà văn người Đài Loan, Trung Quốc - bàng hoàng.

"Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột. Tôi vẫn đang sắp xếp lại cảm xúc của mình và chưa thể bình luận gì”, Lâm Tâm Như viết.

Hàng loạt sao lớn của showbiz Hoa ngữ như Tô Hữu Bằng, Lưu Đào, Huỳnh Dịch... đăng bài viết thể hiện sự tiếc thương, tiễn nữ sĩ Quỳnh Dao về nơi an nghỉ cuối. Ngay cả Triệu Vy vốn đang ở ẩn sau loạt ồn ào cũng chia buồn trước tin tức nữ nhà văn nổi tiếng qua đời.

Trong bài viết chia buồn, nhiều nghệ sĩ gọi nhà văn Quỳnh Dao là ân sư, có người lại gọi bà tiếng thân thương là "dì".

Họ nhớ ơn vì những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của bà giúp nhiều tên tuổi như Tô Hữu Bằng, Lâm Tâm Như, Triệu Vy, Phạm Băng Băng... trở thành những ngôi sao nổi tiếng toàn châu Á.

Diễn viên vụt sáng thành sao nhờ "Hoàn Châu cách cách", "Tân dòng sông ly biệt"

Một trong những tác phẩm chuyển thể nổi tiếng nhất của nhà văn Quỳnh Dao là Hoàn Châu cách cách. Tác phẩm viết về cô gái mồ côi Tiểu Yến Tử và công chúa dân gian (con của vua Càn Long và dân thường Hạ Vũ Hà) Hạ Tử Vy.

Tiểu Yến Tử đi theo gánh xiếc, mồ côi từ nhỏ. Cô kết bạn với Hạ Tử Vy và vô tình biết được người bạn thân là người con thất lạc của Vua Càn Long. Trong một lần đột nhập Mộc Lan vi trường (nơi săn bắn của vua), Tiểu Yến Tử bị nhận lầm là Hạ Tử Vy.

Do khao khát tình thương, Tiểu Yến Tử không nói rõ danh tính. Mãi đến sau này, khi Vua Càn Long nhận lại con gái, ông chấp nhận để Tiểu Yến Tử ở lại Tử Cấm Thành.

Trong thời gian sống ở hoàng cung, Tiểu Yến Tử gây ra nhiều chuyện rắc rối. Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ (Tô Hữu Bằng) và Nhĩ Khang (Châu Kiệt), Minh Châu cách cách (Lâm Tâm Như) nhiều lần tìm cách giải quyết cho Tiểu Yến Tử.

Những màn đối đáp, đấu trí giữa nhóm công chúa và Hoàng hậu Đại Thanh tạo nên sức hấp dẫn cho Hoàn Châu cách cách.

Ra mắt năm 1998, bộ phim làm nên thành công vang dội cho nữ chính Triệu Vy (vai Tiểu Yến Tử). Nữ sĩ Quỳnh Dao góp phần giúp tên tuổi của nữ diễn viên vụt sáng thành sao chỉ từ bộ phim đầu tiên.

Quỳnh Dao hơn 40 năm lấy nước mắt khán giả Việt-1
Quỳnh Dao hơn 40 năm lấy nước mắt khán giả Việt-2
Hoàn Châu cách cách và Tân dòng sông ly biệt đưa dàn sao như Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng, Phạm Băng Băng... lên hàng sao hạng A.

Từ vai diễn Én Nhỏ nổi loạn, Triệu Vy vinh dự trở thành nữ diễn viên trẻ nhất nhận giải Diễn viên chính xuất sắc tại giải thưởng Kim Kê. Loạt diễn viên đóng cùng Tiểu Yến Tử như Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng và Châu Kiệt cũng vụt sáng nhờ hiệu ứng Hoàn Châu cách cách.

Đến năm 2001, dàn diễn viên từng tham gia Hoàn Châu cách cách lần nữa được tỏa sáng khi tham gia Tân dòng sông ly biệt. Bộ phim được làm lại từ tác phẩm Dòng sông ly biệt (Tần Hán, Lưu Tuyết Hoa và Triệu Vĩnh Hinh đóng chính).

Bộ phim xoay quanh tranh đấu gia đình nhà họ Lục tại Thượng Hải, Trung Quốc những năm 1930 trong giai đoạn chiến tranh Trung - Nhật.

Trong phim, Triệu Vy đóng vai Lục Y Bình, con gái bị ghẻ lạnh của vị tướng về hưu có 9 bà vợ. Lâm Tâm Như vào vai Như Bình, chị em cùng cha khác mẹ với Lục Y Bình.

Chuyện cặp chị em cùng cha khác mẹ yêu cùng một người đàn ông là Thư Hoàn (Cổ Cự Cơ đóng), chuyện gia đấu, tranh quyền đoạt vị của gia đình giàu có... tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho bộ phim.

Tác phẩm nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục, lan sang các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Singapore, Mỹ, Australia, Campuchia, Thái Lan, Pháp, Tây Ban Nha... và cả Việt Nam.

Tại thị trường Việt Nam, bộ phim gây tiếng vang mạnh mẽ đầu những năm 2000. Triệu Vy từng qua Việt Nam, thu âm ca khúc chủ đề tác phẩm cùng Đan Trường.

Chương trình Ký ức vui vẻ mùa 2 từng có chủ đề riêng về phim, nhận định đây là một trong những ký ức gắn liền thế hệ 8X, 9X thời vô tuyến truyền hình còn phủ sóng.

Tác phẩm Quỳnh Dao ảnh hưởng mạnh đến phim ảnh, âm nhạc

Tại Trung Quốc, nữ sĩ Quỳnh Dao nổi tiếng với những bộ tiểu thuyết ướt át, văn phong trữ tình. Cảm hứng chính trong những tác phẩm của bà tôn vinh tình yêu đôi lứa.

Tiểu thuyết diễm tình của nữ nhà văn ảnh hưởng sâu rộng từ văn chương đến phim ảnh, âm nhạc, tiêu biểu phải kể đến Thái vân phi - hay còn gọi là Mùa thu lá bay.

Mùa thu lá bay không nổi tiếng toàn châu Á như Hoàn Châu cách cách hay Tân dòng sông ly biệt, song bộ phim truyền hình có sức ảnh hưởng lớn về âm nhạc.

Mùa thu lá bay kể về tình yêu giữa cô gái mắc bệnh tim Hàn Ni và Mẫn Văn Lâu. Do bị gia đình cấm cản, chuyện tình cảm của hai người giữa đường gãy gánh. Trong một lần vì quá đau buồn, Hàn Ni lên cơn đau tim và qua đời.

Sau này, Mẫn Văn Lâu gặp lại cô gái tên Đường Tiểu My, có ngoại hình giống với Hàn Ni. Hai người yêu nhau và biết được Đường Tiểu My là chị em sinh đôi của Hàn Ni.

Quỳnh Dao hơn 40 năm lấy nước mắt khán giả Việt-3
Lưu Tuyết Hoa gắn liền với phim chuyển thể từ tiểu thuyết Quỳnh Dao.

Câu chuyện "tình chị duyên em" với tình tiết dằn vặt, yêu đương trói buộc càng nổi tiếng hơn với ca khúc chủ đề Thiên ngôn vạn ngữ (Đặng Lệ Quân trình bày). Tại Việt Nam, ca khúc nổi tiếng qua giọng hát của ca sĩ Kim Anh với tựa đề Mùa thu lá bay.

Có thể nói, tiểu thuyết của nhà văn Quỳnh Dao ảnh hưởng lớn đến âm nhạc Việt Nam một thời. Mùa thu lá bay từng được chuyển thể sang cải lương, kịch nói. Ca khúc nhạc phim Mùa thu lá bay hiện vẫn được nhiều ca sĩ thể hiện lại.

Tiểu thuyết khác của nữ sĩ Quỳnh Dao được chuyển thể thành công sang phim truyền hình còn có Hải Âu phi xứ, Xóm vắng... Do ra đời từ những năm 1970-1980, loạt truyền hình không nổi tiếng như các tác phẩm sau này.

Tuy nhiên, các diễn viên bước ra từ phim như Tần Hán, Lưu Tuyết Hoa, Châu Trân, Đặng Quang Vinh... đều trở thành những ngôi sao nổi tiếng của làng giải trí Hoa ngữ. Tất cả đều nhờ công sức lớn của nữ sĩ Quỳnh Dao.

Theo Tiền Phong